Doanh nghiệp dệt may tìm phương án đối phó thuế quan từ Mỹ

Từ tháng 4/2025, việc tất cả các sản phẩm dệt may của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đều bị áp thêm 10% thuế đã và đang tạo ra sự mất cân bằng trong động lực thương mại của ngành dệt may Việt Nam, khi mức thuế trung bình đã tăng từ 5% lên 15%. Điều này đang khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành rơi vào thế khó.

Trong khuôn khổ biện pháp phòng vệ thương mại mới được Tổng thống Mỹ ký ban hành, mức thuế mới cao gấp nhiều lần so với thuế MFN (tối huệ quốc) trước đó và dự báo sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may vốn có tới 44% thị phần tại Mỹ.

Doanh nghiệp dệt may đang phải tính toán lại đơn hàng và chi phí

Doanh nghiệp dệt may đang phải tính toán lại đơn hàng và chi phí

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu đan TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, đây là một cú sốc lớn với ngành dệt may. Doanh nghiệp đang phải tính toán lại đơn hàng, chi phí, thậm chí là thị trường mục tiêu. Việc tăng giá đầu ra do thuế sẽ khiến hàng Việt khó cạnh tranh so với các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ hay Mexico.

Số liệu từ Cục Hải quan cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2025, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 13,78 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng này chủ yếu đến từ đơn hàng trước thời điểm áp thuế. Các đơn hàng mới cho quý III/2025 đang chững lại rõ rệt, đặc biệt từ khối doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ông Rajesh Khanna, Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Dệt may Ấn Độ (Texprocil) nhận định, Ấn Độ chịu mức thuế với hàng dệt may vào Mỹ thấp hơn 20 điểm phần trăm so với Việt Nam. Chúng tôi coi đây là cơ hội lịch sử để tăng thị phần tại Mỹ. Chính phủ Ấn Độ đang hỗ trợ doanh nghiệp cả về logistics lẫn tài chính để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam lại chịu nhiều áp lực từ chi phí vận chuyển, tỷ giá, lãi suất và giờ là thuế quan. Một số thương hiệu lớn của Mỹ cũng đã bắt đầu tính đến việc chuyển bớt chuỗi cung ứng sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn để tối ưu hóa chi phí.

Không bị động trước bối cảnh mới, nhiều doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam đã có những điều chỉnh chiến lược. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, chúng tôi đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để đề xuất Chính phủ đối thoại với Mỹ, nhằm chi tiết hóa mức thuế cho từng nhóm sản phẩm, tránh đánh đồng toàn ngành.

Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam đã có những điều chỉnh chiến lược

Nhiều doanh nghiệp dệt may lớn tại Việt Nam đã có những điều chỉnh chiến lược

Về phía doanh nghiệp, Tổng công ty May Đức Giang đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2025 theo hướng thận trọng hơn, với mục tiêu doanh thu 2.700 tỷ đồng, xuất khẩu 85 triệu USD và lợi nhuận trước thuế 25 tỷ đồng (thấp hơn so với năm 2024). Đồng thời, công ty đang xúc tiến phát triển các thị trường thay thế như EU, Hàn Quốc và Trung Đông, nơi Việt Nam có lợi thế từ các FTA.

Một số doanh nghiệp khác như TNG, Vinatex cũng đẩy mạnh nội địa hóa nguyên phụ liệu và đầu tư vào sản phẩm thân thiện môi trường để đón đầu xu hướng tiêu dùng bền vững - yếu tố đang ngày càng được các nhãn hàng quốc tế coi trọng.

TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo Kinh tế ngành và Doanh nghiệp (NCIF) cho rằng, Việt Nam cần có chiến lược dài hơi để ứng phó với xu hướng bảo hộ thương mại đang quay trở lại. Ngoài đàm phán song phương, cần tận dụng các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA để mở rộng thị trường. Đồng thời, cần có các chính sách hỗ trợ tài chính, thuế và cải cách thủ tục xuất khẩu cho doanh nghiệp. Chuyển đổi xanh không chỉ là xu thế mà còn là lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Mỹ và EU đều đang siết chặt các tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị), nếu doanh nghiệp không theo kịp sẽ càng bị gạt ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyển đổi xanh là lợi thế cạnh tranh trong dài hạn.

Chuyển đổi xanh là lợi thế cạnh tranh trong dài hạn.

Mặc dù gặp nhiều trở ngại, ngành dệt may Việt Nam vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47-48 tỷ USD trong năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài sự chủ động từ doanh nghiệp, rất cần vai trò dẫn dắt, các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành.

Nếu nhìn xa hơn, thách thức này cũng là cơ hội để ngành dệt may Việt Nam nâng cấp chuỗi giá trị, bớt phụ thuộc vào gia công đơn thuần và thị trường truyền thống, ông Vũ Đức Giang nhận định.

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt, việc giữ vững thị phần tại Mỹ dù với thuế cao vẫn sẽ là bài toán sống còn của ngành dệt may Việt Nam. Sự chủ động thích ứng, tăng tốc chuyển đổi và khéo léo về chính sách sẽ là những “sợi chỉ đỏ” giúp ngành vượt qua thử thách hiện nay.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-det-may-tim-phuong-an-doi-pho-thue-quan-tu-my-164208.html