Gần 950 cán bộ Hà Giang về Tuyên Quang làm việc khi sáp nhập tỉnh

Dự kiến khoảng 950 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có nhu cầu di chuyển từ Hà Giang về Tuyên Quang làm việc khi 2 tỉnh sáp nhập.

Dự kiến có gần 950 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ Hà Giang về Tuyên Quang làm việc.

Dự kiến có gần 950 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ Hà Giang về Tuyên Quang làm việc.

Ngày 15/5, thông tin từ UBND tỉnh Hà Giang, lãnh đạo UBND tỉnh vừa tổ chức Hội nghị nghe báo cáo tiến độ sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự, trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị khi sáp nhập tỉnh.

Theo báo cáo, tại tỉnh Hà Giang, đã có 17/18 cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tương ứng thuộc UBND tỉnh Tuyên Quang trao đổi, làm việc, thống nhất phương án hợp nhất tổ chức bộ máy;

Bố trí sắp xếp bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, máy móc, trang thiết bị làm việc, phương tiện của cơ quan, đơn vị phục vụ việc hợp nhất tổ chức.

Dự kiến 937 người, chiếm 45,24% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ Hà Giang chuyển về làm việc tại Tuyên Quang.

Số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc tại Hà Giang sau khi sáp nhập tỉnh là 1.134 người, chiếm 54,75%.

Đối với cán bộ, viên chức các cơ quan khối Đảng, đoàn thể tỉnh, dự kiến có 218 người về Tuyên Quang làm việc, số làm việc tại Hà Giang là 129 người.

Khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội dự kiến về Tuyên Quang 110 người; làm việc tại Hà Giang 28 người.

Khối cơ quan lực lượng vũ trang, Công an tỉnh dự kiến làm việc tại Tuyên Quang 171 người.

Riêng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hiện nay cấp thẩm quyền chưa có hướng dẫn.

Khối cơ quan ngành dọc Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh dự kiến về Tuyên Quang 91 người, tại Hà Giang 574 người.

Khối các tổ chức hội dự kiến về Tuyên Quang 7 người, tại Hà Giang 81 người.

Về phương án trụ sở làm việc cho các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh làm việc tại Hà Giang sau khi sáp nhập, bố trí trụ sở làm việc của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, cơ quan, đơn vị trực thuộc UBND tỉnh cho khoảng 708 người làm việc.

Do tính chất đặc biệt của chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, Sở Tài chính đề nghị giữ nguyên hiện trạng trụ sở làm việc của 29 cơ quan và các đơn vị trực thuộc; 42 đơn vị trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, 31 đơn vị thuộc Sở Y tế; chi nhánh của Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh tại các huyện.

Về phương án bố trí trang thiết bị làm việc, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động di chuyển làm việc tại Tuyên Quang sẽ chuyển giao nguyên trạng tài sản theo con người cho cơ quan, đơn vị tiếp nhận công chức.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Phan Huy Ngọc, việc sắp xếp nhân sự phải thực hiện theo đúng tinh thần khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng; đoàn kết, thống nhất cao, tất cả vì cái chung, vì đất nước. Các cơ quan, đơn vị phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nhất là vai trò nêu gương của lãnh đạo chủ chốt; tuân thủ nguyên tắc, quy định của Trung ương.

Bố trí nơi ở, nơi làm việc phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế của từng địa phương. Rà soát cụ thể số lượng người đi, người ở và những vấn đề liên quan đến công tác đi lại, chỗ ăn ở, sinh hoạt cho cán bộ.

Đối với số cán bộ đi làm việc tại Tuyên Quang cần thống kê rõ diện cán bộ không có gia đình và có gia đình đi theo để bố trí điều kiện ăn ở, sinh hoạt khi sáp nhập tỉnh…

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sáp nhập và hoạt động chung với tỉnh Tuyên Quang cần có tư duy, quan điểm đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau để thống nhất trong thực hiện nhiệm vụ.

Long Anh - Minh Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/gan-950-can-bo-ha-giang-ve-tuyen-quang-lam-viec-khi-sap-nhap-tinh-post731217.html