Mỹ tạm dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine
Theo tờ Kyiv Independent, người phát ngôn Lầu Năm Góc Sean Parnell ngày 2-7 chính thức lên tiếng xác nhận một số gói viện trợ quân sự cho Ukraine đã bị tạm dừng trong thời điểm Bộ Quốc phòng Mỹ đang tiến hành rà soát việc cung cấp viện trợ nước ngoài.
"Cuộc rà soát năng lực này... được thực hiện nhằm đảm bảo viện trợ quân sự của Mỹ phù hợp với các ưu tiên quốc phòng của chúng ta... Chúng tôi coi đây là bước đi hợp lý, thực tế để thiết lập khuôn khổ đánh giá loại đạn dược nào sẽ được gửi đi và gửi đi đến đâu", ông Parnell cho biết. Trước đó, Nhà Trắng cũng xác nhận việc tạm dừng bàn giao các lô hàng viện trợ cho Ukraine khi viện dẫn lý do cần đánh giá lại kho dự trữ quân sự của Mỹ trong bối cảnh xuất hiện các thông tin trên truyền thông về vấn đề này.
Theo một số nguồn tin, số vũ khí bị yêu cầu dừng chuyển giao cho Ukraine bao gồm khoảng 20 tên lửa phòng không Patriot, hơn 20 hệ thống phòng không Stinger, đạn pháo chính xác, tên lửa Hellfire, thiết bị bay không người lái (UAV), và hơn 90 tên lửa không đối không AIM được Ukraine sử dụng để phóng từ tiêm kích F-16. Tờ Washington Post dẫn nguồn tin cho biết rằng số hàng viện trợ quân sự trên hiện đã ở Ba Lan, đang được chuẩn bị để chuyển giao cho Ukraine.
"Tại Bộ Quốc phòng, nhiệm vụ của chúng tôi là theo đuổi chương trình nghị sự 'Nước Mỹ trên hết' của tổng thống và đảm bảo chúng tôi đạt được hòa bình thông qua sức mạnh trên toàn thế giới", ông Parnell phát biểu trong cuộc họp báo tại Lầu Năm Góc. Ông cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ không cung cấp thông tin cập nhật về mốc thời gian, số lượng hoặc loại đạn dược chuyển giao cho Ukraine.
Nga đã hoan nghênh quyết định này của Mỹ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng quyết định đình chỉ viện trợ cho Ukraine của Mỹ là một tín hiệu tích cực hướng tới chấm dứt xung đột. "Theo chúng tôi được biết, nguyên nhân là do kho dự trữ của Mỹ đang cạn kiệt. Nhưng rõ ràng, càng ít vũ khí được cung cấp cho Ukraine, chiến dịch quân sự đặc biệt càng sớm đi đến hồi kết", ông Peskov nói.
Ở chiều ngược lại, không còn nhiều hy vọng vào việc Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ vũ khí, Ukraine dường như đang chuẩn bị thử một chiến lược mới: Đề nghị Washington cho phép các nước châu Âu sử dụng ngân sách quốc phòng của họ để mua vũ khí Mỹ, rồi chuyển giao cho chúng cho Kiev, Politico dẫn nguồn 6 nguồn thạo tin cho hay. Các khoản chi này sẽ được tính vào mục tiêu chi tiêu quốc phòng mới của NATO, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có cam kết chắc chắn nào. Những thương vụ như vậy sẽ cần có sự phê chuẩn của chính phủ Mỹ, và các chi tiết cụ thể hiện đang được thảo luận.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/my-tam-dung-vien-tro-vu-khi-cho-ukraine-post315586.html