Mỹ tạm ngừng tiếp nhận bưu kiện từ Trung Quốc

Công ty Dịch Vụ Bưu Chính Mỹ (USPS) vừa đưa ra thông báo sẽ tạm dừng tiếp nhận bưu kiện từ Trung Quốc cho đến khi có thông báo mới…

Trong một thông báo chính thức trên website của công ty, USPS cho biết họ sẽ tạm thời ngừng tiếp nhận tất cả bưu kiện đến từ Bưu chính Trung Quốc và Bưu chính Hồng Kông.

Thay đổi này sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài cho đến khi có thông báo mới. USPS lưu ý, riêng thư và bao thư lớn (thường được gọi là “flats”) sẽ không bị ảnh hưởng.

Bưu chính Trung Quốc và Bưu chính Hồng Kông là các dịch vụ bưu chính do chính phủ điều hành. Hiện chưa rõ liệu quyết định của USPS có áp dụng đối với bưu kiện được gửi qua các công ty vận chuyển tư nhân hay không. Khi được yêu cầu làm rõ, một phát ngôn viên của USPS đã dẫn CNBC đến thông cáo ban đầu của công ty.

Theo ông Chris Pereira, Chủ tịch kiêm CEO của công ty tư vấn iMpact, các doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới thường dựa vào USPS để thực hiện khoảng 31% số lượng đơn giao hàng chặng cuối.

Họ cũng hợp tác với nhiều nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển khác như DHL, FedEx, UPS và đơn vị vận chuyển nhỏ hơn. Nhưng USPS truyền thống vốn là lựa chọn tiết kiệm chi phí, đặc biệt đối với các nhà bán hàng nhỏ ở Trung Quốc và việc tạm dừng này có thể khiến chi phí của người bán tăng lên, dẫn đến giá hàng hóa cao hơn đối với người tiêu dùng Mỹ.

Động thái của USPS được đưa ra sau Tổng thống Donald Trump hôm 1/2 ký sắc lệnh áp thuế đối với Trung Quốc, Mexico và Canada. Đến ngày 3/2, ông Trump đồng ý hoãn thuế 25% đối với Canada và Mexico trong 30 ngày, nhưng mức thuế 10% đối với hàng hóa từ Trung Quốc vẫn giữ nguyên.

Sắc lệnh mới cũng bao gồm một điều khoản loại bỏ “lỗ hổng” thương mại có tên gọi ngoại lệ “de minimis” - một cơ cấu từng cho phép các nhà xuất khẩu gửi bưu kiện có giá trị dưới 800 USD vào Mỹ mà không phải chịu thuế. Chính vì vậy mà điều khoản "de minimis" là một công cụ quan trọng đối với các công ty thương mại điện tử Trung Quốc, bao gồm Shein và Temu, giúp họ có thể nhanh chóng mở rộng thị trường tại Mỹ bằng cách cung cấp các mặt hàng giá rẻ, từ quần áo, nội thất đến thiết bị điện tử và đồ trang trí nhà cửa.

Theo dữ liệu từ Cơ quan Hải quan Mỹ, chỉ riêng năm 2024 đã ghi nhận hơn 1,3 tỷ lô hàng theo diện "de minimis”. Trước đó, báo cáo từ Ủy ban Đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện Mỹ chỉ ra rằng Temu và Shein chiếm đến hơn 30% tổng số bưu kiện được gửi đến Mỹ theo “de minimis” và gần một nửa số hàng nhập khẩu dưới cơ cấu "de minimis" có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Các nhà lập pháp Mỹ lập luận rằng "de minimis" mang lại lợi thế không công bằng cho các công ty Trung Quốc. Giới quan chức thương mại cũng cho biết đa phần những lô hàng "de minimis" chỉ cần một vài giấy tờ tối thiểu và ít bị kiểm tra chặt chẽ. Nhiều tổ chức thương mại và nhóm vận động đã thúc giục ông Trump siết chặt quy định "de minimis", vì họ cho rằng lỗ hổng này tạo điều kiện cho các chất cấm, bao gồm fentanyl, xâm nhập vào Mỹ qua đường bưu điện.

Hiện tại, có những câu hỏi được hỏi được đặt ra về việc liệu Temu, Shein và các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ hay không.

Temu và Shein từng tuyên bố rằng mô hình kinh doanh của họ không phụ thuộc vào quy định "de minimis". Cả hai công ty đều đã mở các trung tâm phân phối tại Mỹ, giúp người bán ở Trung Quốc có thể gửi hàng trước đến Mỹ và lưu lại tại các nhà kho địa phương.

Theo ông Wen Biao, Tổng giám đốc công ty hậu cần Qianhe Technology Logistics, xu hướng mở kho hàng tại Mỹ để phân phối nội địa đã gia tăng mạnh vào năm ngoái khi các công ty thương mại điện tử lớn tìm cách giảm thiểu rủi ro từ các hạn chế thương mại mới.

Mỹ Hân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/my-tam-ngung-tiep-nhan-buu-kien-tu-trung-quoc-post557596.html