Mỹ xuất hiện thế hệ triệu phú bình dân, nói không với biệt thự, siêu xe
Số lượng 'triệu phú bình dân' tại Mỹ đang gia tăng nhanh chóng, cho thấy xu hướng tích lũy tài sản thông qua nhà đất và quỹ hưu trí thay vì phô trương của cải. Điều này phản ánh một diện mạo mới, thực tế hơn của 'Giấc mơ Mỹ' trong thời hiện đại…

Theo báo cáo mới công bố của ngân hàng đầu tư UBS, trong năm 2024, có thêm 379.000 người Mỹ trở thành triệu phú, tương đương hơn 1.000 người mỗi ngày. Nhờ đó, tổng số triệu phú tại Mỹ đã đạt gần 24 triệu người, cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, và nhiều hơn tổng số triệu phú của Trung Quốc, Pháp, Anh, Đức, Canada, Nhật Bản và Úc cộng lại. Tuy nhiên, UBS lưu ý rằng không phải triệu phú nào cũng giống nhau.
Trên phạm vi toàn cầu, số lượng những “triệu phú bình dân” này (UBS gọi tắt là EMILLIs - everyday millionaires) đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2000, hiện đạt khoảng 52 triệu người và nắm giữ tổng tài sản trị giá xấp xỉ 107 nghìn tỷ USD.
Dù hình ảnh về một triệu phú USD thường gắn liền với lối sống xa hoa và những khu bất động sản khổng lồ, thì phần lớn triệu phú hiện nay thuộc nhóm được gọi là “triệu phú bình dân” - những người sở hữu tài sản ròng trong khoảng từ 1 đến 5 triệu USD.
Ông Andy Smith, Giám đốc điều hành mảng hoạch định tài chính tại Edelman Financial Engines nhận định: “Nhiều triệu phú ngày nay trông có phần khác biệt so với trước kia. Đây không còn là cuộc rượt đuổi theo sự hào nhoáng, mà thiên về việc đặt ra mục tiêu, tiết kiệm đều đặn và đưa ra những lựa chọn tài chính thông minh theo thời gian”.
Theo UBS, yếu tố góp phần lớn nhất cho sự gia tăng số lượng triệu phú là giá trị bất động sản tăng mạnh. Tại Mỹ, giá nhà trung vị đã tăng hơn 150% kể từ đầu thế kỷ 21 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng gần 40% nữa vào cuối thập niên này.
Giáo sư David Laibson, nhà kinh tế học tại Đại học Harvard và chuyên gia nghiên cứu tích lũy tài sản cũng thừa nhận vai trò của thị trường bất động sản đối với việc hình thành tầng lớp triệu phú mới, song ông cho rằng thị trường chứng khoán mới là nhân tố có tác động sâu rộng nhất đối với tài sản ròng của các cá nhân/hộ gia đình Mỹ. Nguyên nhân là bởi tài sản hưu trí thường gắn với các quỹ đầu tư liên kết thị trường như 401(k) hay IRA.
“Khi thị trường chứng khoán tăng mạnh, nhiều cá nhân/hộ gia đình ở Mỹ trở thành triệu phú nhờ giá trị danh mục đầu tư hưu trí của họ tăng”, ông Laibson nói. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo rằng mối liên hệ này có tính hai chiều - tức là nếu thị trường lao dốc, nhiều người có thể mất danh hiệu triệu phú chỉ sau một đêm.
Nhà kinh tế Damon Jones tin rằng xu hướng này chủ yếu xuất phát từ hiện tượng tăng giá tài sản và lạm phát tiền tệ, thay vì sự cải thiện thực chất về khả năng vươn lên làm giàu của những người không có tài sản thừa kế hay nguồn lực lớn từ đầu.“Đây không phải là một câu chuyện về “bàn tay trắng làm nên cơ đồ”, ông Jones nhận xét.
Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến số lượng triệu phú tại Mỹ là tỷ giá hối đoái. Báo cáo từ UBS chỉ rõ: “Khi đồng USD mạnh, giá trị tài sản của người Mỹ có thể được đẩy lên trên bảng xếp hạng toàn cầu, ngay cả khi không có sự tăng trưởng thực tế. Ngược lại, khi đồng USD yếu đi, giá trị này sẽ giảm theo”.
Trong những năm gần đây, đồng USD vẫn giữ giá mạnh nhờ vai trò là đồng tiền dự trữ và thanh toán chính toàn cầu, cùng với sự hấp dẫn của các tài sản định danh bằng USD như trái phiếu kho bạc Mỹ, và sức mạnh tổng thể của nền kinh tế Mỹ.
Chỉ số U.S. Dollar Index, đo lường giá trị đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ lớn khác, đã thời gian dài duy trì ở mức trên 100 điểm. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Donald Trump đắc cử lần thứ hai, chỉ số này đã giảm khoảng 10%, mức giảm lớn nhất trong nửa đầu nhiệm kỳ của một tổng thống kể từ khi chỉ số được công bố vào thập niên 1970. Nguyên nhân được cho là do cuộc khủng hoảng nợ công ngày càng phình to và ảnh hưởng từ chính sách thương mại có phần gay gắt của chính quyền hiện tại.
Thêm một lưu ý khác từ giáo sư David Laibson, lạm phát và sự mất giá của tiền tệ đã “thu hẹp” khái niệm triệu phú so với trước kia. “Là triệu phú vào năm 2025 không còn giống như năm 1975. Một hộ gia đình có 1 triệu USD vào năm 2025 thực chất chỉ có sức mua tương đương với 165.000 USD vào năm 1975”, giáo sư giải thích.
Dù số lượng “triệu phú bình dân” tại Mỹ có thể tiếp tục mở rộng, phần lớn sự gia tăng này đến từ các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của họ. Do vậy, nếu nền kinh tế Mỹ đảo chiều, thì những thành quả này hoàn toàn có thể bị đảo ngược.
Tuy vậy, đối với những người vẫn nuôi hy vọng gia nhập nhóm triệu phú USD, giám đốc điều hành mảng hoạch định tài chính của Edelman Financial Engines Andy Smith nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là duy trì kỷ luật và cam kết với kế hoạch tài chính dài hạn của bản thân, bất chấp biến động thị trường hay những tin tức gây hoang mang.
“Ngay cả khi thị trường lên xuống thất thường, những người kiên trì với kế hoạch tài chính và không hoảng loạn trong thời điểm khó khăn vẫn sẽ chứng kiến tài sản của họ tăng lên theo thời gian. Đây cũng chính là lời nhắc nhở rằng tiết kiệm càng sớm và đều đặn bao nhiêu thì sẽ càng mang đến giá trị bấy nhiêu”, ông Andy Smith kết luận.