Na Uy đóng tàu chạy bằng hydro lớn nhất thế giới
Một hãng vận tải Na Uy đã chính thức lựa chọn đơn vị đóng hai chiếc tàu lớn nhất thế giới chạy bằng năng lượng hydro.
Thông tin trên tạp chí Autoevolution hôm 22/4 cho biết hãng vận tải Torghatten Nord (Na Uy) đã chính thức lựa chọn nhà máy Myklebust Verft để đóng hai chiếc tàu thủy chạy bằng năng lượng hydro xanh.
Những con tàu dài 120m này được thiết kế bởi Công ty Thiết kế Tàu Na Uy, có sức chứa gần 600 hành khách và 120 chiếc ô tô. Sau khi hoàn thành, hai phương tiện trên cũng sẽ trở thành những con tàu lớn nhất thế giới chạy bằng hydro xanh.
Theo hợp đồng ký kết với Cục Đường bộ Công cộng Na Uy, trong suốt 85% thời gian hành trình, tàu sẽ chạy bằng năng lượng hydro xanh được sản xuất trong nước, 15% thời gian hành trình còn lại sẽ sử dụng nhiên liệu sinh học.
Với mức tiêu thụ nhiên liệu như trên, những chiếc tàu này giúp giảm tới 26.500 tấn khí thải CO2 mỗi năm, tương đương lượng khí thải của 13.000 ô tô trong vòng một năm.
Không chỉ vậy, hai nhà sản xuất linh kiện cho tàu là SEAM và PowerCell sẽ cung cấp hệ thống truyền động và pin nhiên liệu cho động cơ xanh cũng như các hệ thống kiểm soát an toàn liên quan.
Trong đó, công nghệ pin Marine System 200 của PowerCell có khả năng vận hành với tổng công suất lên đến 13 MW, cho phép tàu chạy với tốc độ khoảng 17 hải lý/h (khoảng 32km/h) ngay cả trong điều kiện bất lợi.
Nhà máy Myklebust Verft đã sẵn sàng khởi động công trình đóng hai tàu hydro thế hệ mới này, dự kiến hạ thủy và đưa vào khai thác năm 2026.
Trước đó, năm 2022, hãng vận tải Torghatten Nord đã ký kết hợp đồng với cơ quan Quản lý Đường bộ Công cộng Na Uy để vận hành các chuyến phà RoPax không phát thải trong vòng 15 năm kể từ năm 2025, sau khi chính phủ quyết định cấm tàu chạy bằng nhiên liệu thông thường hoạt động ở Vestfjord, phía bắc Na Uy.
Dự án trên có tổng vốn lên đến 20 triệu euro (543 tỷ đồng), được coi là dự án năng lượng hydro lớn nhất và tham vọng nhất trên thế giới đối với ngành hàng hải.
Tuyến vận tải tại Vestfjord là tuyến phà dài nhất ở Na Uy, kết nối đất liền với quần đảo Lofoten. Tuyến đường biển này được đánh giá có mức độ thử thách đặc biệt cao không chỉ vì độ dài lớn mà còn do vị trí của tuyến nằm gần vòng Cực Bắc.