Năm 2024, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh tra với 6 doanh nghiệp bảo hiểm
Theo đó, Bộ Tài chính sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Tăng cường tính hiệu lực giám sát hoạt động bảo hiểm
Theo Báo Lao Động, dự kiến, phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ diễn ra trong 3,5 ngày, từ 14/3 đến 19/3, tại Nhà Quốc hội. Trong đó, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp sẽ diễn ra vào ngày 18/3.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có báo cáo một số nội dung liên quan nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp, trong đó có nội dung về bảo hiểm nhân thọ.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, do phát triển nhanh, thời gian qua thị trường bảo hiểm, đặc biệt bảo hiểm nhân thọ đã phát sinh một số vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, dịch vụ chăm sóc, giải quyết quyền lợi cho khách hàng.
Cùng với đó, nếu như trước đây thị trường chỉ có kênh đại lý truyền thống, thì thời gian qua đã hình thành thêm nhiều kênh phân phối khác là các đại lý tổ chức, mà điển hình là kênh phân phối qua ngân hàng (bancassurance).
Kênh này giúp hoạt động khai thác bảo hiểm trở nên đa dạng, nhưng cũng tạo ra sự phức tạp hơn và cần phải nhìn nhận lại, chấn chỉnh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, thời gian qua đã tăng cường nhiều giải pháp để chấn chỉnh những mặt trái, sai lệch trong triển khai hoạt động khai thác các sản phẩm bảo hiểm nói chung và kênh bancassurance nói riêng.
Bộ đã nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành bổ sung nhiều quy định. Có thể kể đến như chuẩn hóa một số quy định về hợp đồng bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Bổ sung các quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình tư vấn, giao kết hợp đồng, đảm bảo tính minh bạch, người dân được tư vấn đúng, đủ thông tin, rõ ràng về sản phẩm...
Bổ sung các quy định nhằm ngăn chặn tình trạng "ép" mua bảo hiểm qua ngân hàng, hoặc tư vấn không đúng về sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư.
Trong đó, các tổ chức tín dụng hoạt động đại lý phải giải thích rõ cho khách hàng về sản phẩm bảo hiểm không phải là sản phẩm của tổ chức tín dụng.
Việc tham gia bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để sử dụng các sản phẩm, dịch vụ khác của tổ chức tín dụng hoạt động đại lý.
Các tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm không được tư vấn, giới thiệu, chào bán, thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm liên kết đầu tư cho các khách hàng trong thời hạn 60 ngày trước và 60 ngày sau ngày giải ngân toàn bộ khoản vay.
Việc này nhằm tránh tình trạng các nhân viên ngân hàng sử dụng quyền xem xét, cấp duyệt khoản vay để gây sức ép buộc người vay mua bảo hiểm.
Để tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả đối với công tác quản lý, giám sát hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, trong thời gian qua, với các thông tin phản ánh qua đường dây nóng về việc bị ép mua bảo hiểm khi giải ngân khoản vay, Bộ đã chuyển thông tin cho cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước để phối hợp quản lý, giám sát.
Thanh tra 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Trong năm 2022, 2023, Bộ đã tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài...
Qua thanh tra đã phát hiện các hành vi vi phạm qua kênh bancassurance như sai phạm về ban hành quy trình, quy chế, sai phạm về việc tuân thủ biểu phí sản phẩm, đại lý bảo hiểm không tuân thủ quy định công ty và quy định pháp luật.
Kiến nghị xử lý về tài chính tổng số tiền là 21.000 tỷ đồng, trong đó loại ra khỏi chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021, năm 2022 với tổng số tiền là hơn 1.955 tỷ đồng.
Xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm, phạt tiền 310 triệu đồng.
Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động ký kết hợp đồng bảo hiểm mới khai thác qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thời hạn...
Cần một quá trình, làm từng bước
Theo TTXVN, năm 2024 Bộ có kế hoạch thanh tra với 6 doanh nghiệp, trong số đó sẽ tiến hành thanh tra việc triển khai bán bảo hiểm qua tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với 2 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ (Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ Mirae Asset Prévoir, Công ty TNHH Bảo hiểm Cathay Life Việt Nam).
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, thị trường bảo hiểm Việt Nam trong thời gian qua đã thể hiện được vai trò, vị trí đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; cũng như một phần đem lại sự bảo vệ về tài chính, sức khỏe cho người dân.
Mặc dù còn rất non trẻ nếu so với lịch sử hàng trăm năm của thị trường bảo hiểm thế giới, song thị trường bảo hiểm Việt Nam đã trải qua hơn 1/4 thế kỷ với sự tăng trưởng cao và tương đối ổn định.
Mức tăng trưởng của thị trường này bình quân 20%/năm, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2020.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang hoạt động an toàn, hiệu quả, tính chuyên nghiệp, năng lực cạnh tranh ngày càng được cải thiện. Các sản phẩm và chất lượng dịch vụ được tăng cường ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tham gia bảo hiểm.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, những tồn tại đã được báo chí và dư luận nêu trong thời gian qua vừa là thách thức vừa là cơ hội lớn để đưa thị trường bảo hiểm Việt Nam nỗ lực hoàn thiện hơn về chất lượng, hướng tới phát triển an toàn, bền vững trong tương lai.
Trong các năm tới, bên cạnh các yếu tố nền tảng như tăng trưởng kinh tế, dân số lớn, xu hướng phát triển công nghệ,... thì nền tảng pháp lý được kỳ vọng sẽ góp phần hỗ trợ cho thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về “lượng” và “chất.”
Tuy vậy, để đạt được mục tiêu phát triển chất lượng, bền vững, thì không thể thay đổi ngay trong “ngày một, ngày hai” mà cần một quá trình, làm từng bước.
Trong thời gian tới, thị trường bảo hiểm Việt Nam đặt chất lượng phát triển lên hàng đầu, nhưng để “hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ” thì cần các giải pháp đồng bộ từ cả phía cơ quan quản lý, sự chung tay vào cuộc thực sự của cả các doanh nghiệp bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và người tham gia bảo hiểm.
Về phía cơ quan quản lý, Bộ trưởng cho biết Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến sản phẩm bảo hiểm, công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm để người dân có thể dễ dàng tiếp cận thông tin khi tìm hiểu, lựa chọn cho mình sản phẩm bảo hiểm phù hợp.
Quỳnh Chi (t/h)