Năm 2024, Vinatex đạt lợi nhuận hợp nhất 740 tỷ đồng, tăng 37,5% so với năm 2023
Sau nửa đầu năm 2024 khó khăn, thị trường dệt may đảo chiều thuận lợi nửa cuối năm giúp Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cán đích thành công.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex thông tin tại cuộc họp. Ảnh: Lam Giang
Sáng 25-12, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cung cấp thông tin tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2024, định hướng năm 2025.
Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, 2 quý đầu năm 2024, xung đột leo thang ở nhiều khu vực, giá xăng, dầu, cước vận tải biến động mạnh, thiên tai diễn biến phức tạp, thiếu hụt lao động... gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Sức cầu sản phẩm dệt may trên thế giới yếu, đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe, thời gian giao hàng nhanh…
Tuy nhiên, Vinatex đã bảo đảm ổn định toàn hệ thống, không để lao động nghỉ việc.
Từ tháng 7, thị trường đảo chiều, đơn hàng dồi dào. Trước diễn biến mới, Vinatex đã đẩy mạnh nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Vinatex đã đưa Trung tâm Phát triển sản phẩm và kinh doanh thời trang Vinatex vào hoạt động nhằm thực hiện chiến lược phát triển chuỗi cung ứng với một điểm đến trọn gói.
Thị trường mới, thị trường ngách được khai thác bằng các sản phẩm đặc biệt, kỹ thuật cao. Các đơn vị cũng nghiên cứu phát triển các loại sợi lõi Filament, sợi pha mới, tăng cường đào tạo nhân lực, triển khai quản trị trên nền tảng số…
“Hiện nhiều doanh nghiệp có đơn hàng tới quý I, quý II năm 2025”, ông Hiếu thông tin.
Nhiều doanh nghiệp thuộc Vinatex có đơn hàng tới quý I và quý II - 2025. Ảnh: Kiều Giang
Trong đó, ngành may giữ được đà tăng trưởng với hiệu quả sản xuất, kinh doanh cải thiện rõ rệt từ quý III-2024. Ngành sợi đã giảm tới 90% lỗ so với 2023, tuy nhiên vẫn phải đối mặt với khó khăn kéo dài dẫn đến sản xuất chưa có hiệu quả.
Năm 2024, doanh thu hợp nhất Vinatex ước đạt 18.100 tỷ đồng, bằng 102,8% so với năm 2023; lợi nhuận hợp nhất ước đạt 740 tỷ đồng, bằng 137,5% so với năm 2023; thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, bằng 108,9% so với năm 2023.
Thông tin thêm về chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cho cán bộ, công nhân, bà Phạm Thị Thanh Tâm Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam cho biết, thống kê sơ bộ, lương tháng 13 và thưởng Tết cho người lao động trong hệ thống ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người, tương đương 1,5-2 tháng lương.
Các hoạt động đều mang tính thực chất, hướng về cơ sở, đồng hành chia sẻ với doanh nghiệp và người lao động, duy trì mối quan hệ hài hòa, ổn định, tiến bộ, đóng góp vào kết quả chung của tập đoàn.