Năm 2030 tầm nhìn 2045, giáo dục vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước
Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn 2045, GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
Sáng 18-4, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị phát triển GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Hội nghị có sự tham dự của ông Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; ông Y Thanh Hà Nie Kđăm, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch hội đồng dân tộc của Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cùng lãnh đạo các bộ ngành, cơ quan trung ương.
Về phía Bộ GD&ĐT có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng các thứ trưởng, lãnh đạo các vụ, cục.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia thấp nhất trong sáu vùng
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết thời gian qua, GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đã đạt được nhiều thành tựu nhờ sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại hạn chế như tỷ lệ trường đạt chuẩn còn thấp, tình hình quá tải trường học, cơ sở giáo dục; chất lượng chăm sóc trẻ em học sinh trên địa bàn có nhiều KCN, KCX còn thấp.
"Hội nghị mong muốn nhận diện bức tranh giáo dục vùng, trao đổi kinh nghiệm, đề ra giải pháp. Hy vọng trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm hơn tới vấn đề này. Các bộ ngành tăng cường sự thấu hiểu để địa phương thực hiện thành công mục tiêu phát triển của địa phương và toàn vùng" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2020-2021, toàn vùng có 7.871 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và thường xuyên, tăng 1.007 cơ sở so với năm học rồi.
Về giáo dục phổ thông, tỷ lệ lớp/trường các cấp học trong khu vực đứng thứ nhất trong sáu vùng KT-XH và cao hơn so với bình quân cả nước. Tuy nhiên do tốc độ tăng dân số nên đây cũng là vùng có tỷ lệ học sinh (HS)/trường và sĩ số HS/lớp cao nhất cả nước.
Tính đến năm 2020-2021, tỷ lệ cơ sở giáo dục tiểu học tổ chức dạy 2 buổi/ngày đạt 74,3%; tỷ lệ HS tiểu học học 2 buổi/ngày đạt 77%; tỷ lệ trường THCS dạy 2 buổi/ngày đạt 76,9%; tại bậc THPT đạt 83,7%.
Về giáo dục đại học, tính đến tháng 6 năm 2022, toàn vùng có 57 trường đại học và 315 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các cơ sở giáo dục đại học từng bước nâng cao quy mô, mở rộng hình thức đào tạo nhân lực trình độ đại học, thạc sĩ.
Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia các cấp học tại vùng tăng dần hằng năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với bình quân của cả nước và thấp nhất trong sáu vùng.
Năm học 2021-2022, tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia là 23,94%, thấp hơn 27,98% so với bình quân cả nước (51,29%).
Tỷ lệ trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia là 39,33%, thấp hơn 28,78% so với mức bình quân chung toàn quốc (68,11%).
Tỷ lệ trường THCS đạt chuẩn quốc gia đạt 36%, thấp hơn 22,89% so với bình quân cả nước (58,89%).
Tỷ lệ trường THPT đạt chuẩn quốc gia đạt 21,07%, thấp hơn 15,81% so với bình quân cả nước.
GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á
Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn 2045, GD&ĐT vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước và thuộc nhóm dẫn đầu Đông Nam Á.
Đến năm 2025, huy động ít nhất 35% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến trường. Tỷ lệ huy động trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm từ 30% trở lên.
Đến năm 2030, huy động được 40% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo đến trường.
Về giáo viên, phấn đấu đến năm 2030, đủ số lượng theo quy định, 100% giáo viên đạt trình độ đào tạo từ cao đẳng sư phạm mầm non trở lên, 85% giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên.
Phấn đấu đến 2030 có ít nhất 40% số trường mầm non được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục tiểu học khoảng 65%, THCS khoảng 76% và THPT khoảng 60%.
Phấn đấu đến năm 2030, giáo dục phổ thông vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước.
Với giáo dục đại học, phát triển Đại học Quốc gia TP.HCM, Trường Đại học Việt Đức và đầu tư một số các trường đại học lớn, đa ngành trong vùng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á.
Bên cạnh đó, xây dựng TP.HCM thành nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực ASEAN trong một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh; các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thành trung tâm GD&ĐT, giáo dục nghề nghiệp cấp vùng và quốc gia.