Nam Định: Phấn đấu có thêm 5 huyện đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Phát huy các lợi thế, khắc phục mọi khó khăn, dựa vào sức dân, sáng tạo trong phương pháp thực hiện, tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Tính đến hết tháng 8/2024, tỉnh Nam Định có 199 xã, thị trấn (chiếm 97,5% tổng số xã, thị trấn) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40 xã (chiếm 21,3% tổng số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 6 thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Trong đó, Giao Thủy là huyện đầu tiên của tỉnh và là huyện thứ 9 của cả nước về đích huyện nông thôn mới nâng cao với nhiều xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu nhất tỉnh (14 đơn vị).
Hiện toàn tỉnh có 434 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên (1 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 54 sản phẩm 4 sao và 380 sản phẩm 3 sao).
Mục tiêu phấn đấu thêm 5 huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tiếp tục được khẳng định trong Hội nghị Triển khai xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu do Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định tổ chức ngày 12/8/2024.
Để hoàn thành mục tiêu này, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm xây dựng xã, huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu bền vững, thực chất và đi vào chiều sâu hơn nữa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, phong trào “Nam Định chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu” giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định.
Tập trung rà soát, thống kê, đánh giá, công nhận lại số xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, thị trấn đạt đô thị văn minh theo đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, sáp nhập; có phương án quản lý, sử dụng tài sản công dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập.
Tiếp tục huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến nông sản; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP; duy trì và nâng cao thu nhập của người dân theo hướng bền vững./.