Nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu
Cẩm Liên
BPO - Với đặc thù tỉnh miền núi, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, Bình Phước còn những khó khăn, trở ngại trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, với mục tiêu tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, năm học 2023-2024, ngành GD&ĐT Bình Phước đặt ra 9 nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện thắng lợi. Đó cũng là nhiệm vụ mà ngành GD&ĐT đang thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Nâng chuẩn trường học vùng sâu
Đóng trên địa bàn vùng sâu, đông đồng bào DTTS sinh sống, năm học 2023-2024, Trường THCS Chu Văn An, xã Đắk Nhau được UBND huyện Bù Đăng phân bổ gần 30 tỷ đồng xây dựng mới 14 phòng học, 12 phòng bộ môn cùng nhiều phòng và hạng mục khác. Sau khi xây dựng xong, trường sẽ có 25 phòng học, trong đó 22 phòng kiên cố và 3 phòng bán kiên cố, đáp ứng nhu cầu học 1 ca trong tương lai.
Theo thầy Nguyễn Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Chu Văn An, được đầu tư nâng cấp trường lớp, trang thiết bị thực hiện giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là điều kiện thuận lợi để học sinh vùng sâu, vùng DTTS nâng cao chất lượng học tập, vừa có thể tiến tới dạy học một buổi.
Năm học mới này, trên địa bàn xã vùng sâu Đắk Nhau cũng được phê duyệt nguồn vốn đầu tư xây dựng mới, tu sửa Trường mẫu giáo Hoa Hồng. Tháng 8-2023, Trường mẫu giáo Hoa Hồng được bàn giao thêm khu nhà 2 tầng mới gồm 2 phòng bộ môn, 6 phòng hành chính và các hạng mục khác với tổng kinh phí hơn 5,7 tỷ đồng. Cô Nguyễn Thị Thỏa, Hiệu trưởng trường cho biết: Từ khi được bàn giao các phòng chức năng mới, đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường đã không quản ngày đêm tô điểm những khuôn hình ngộ nghĩnh, tươi mới, phù hợp độ tuổi mầm non, giúp các con mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Qua đó, tăng dần tỷ lệ trẻ trong vùng đồng bào DTTS đến lớp. Mục tiêu của trường là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên cũng như chú trọng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ để sang năm 2024 trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2, đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Bù Đăng là huyện vùng sâu, vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, song năm học 2023-2024 này, ngành GD&ĐT huyện đã nỗ lực, quyết tâm xây dựng, đưa vào sử dụng hơn 100 phòng học mới; đồng thời sử dụng vốn sự nghiệp sửa chữa một số trường có các hạng mục xuống cấp.
Ông Lê Hải Đăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Để phục vụ năm học 2023-2024, UBND tỉnh và các địa phương đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng 740 phòng học và sửa chữa 416 phòng học. Đến nay, toàn tỉnh có 8.089 phòng học với 1.128 phòng bộ môn, cơ bản đáp ứng nhiệm vụ dạy và học.
Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 436 trường từ bậc mầm non đến THPT, với khoảng 8.095 lớp và hơn 258 ngàn học sinh. Ngành giáo dục Bình Phước đưa ra 9 nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Thầy Nguyễn Tiến Thông, Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bù Đăng cho biết: Bù Đăng hiện có 1.925 cán bộ, giáo viên, nhân viên trong biên chế. So với biên chế được giao, huyện còn thiếu 76 giáo viên. Để khắc phục tình trạng này, Phòng GD&ĐT phối hợp Phòng Nội vụ tham mưu UBND huyện điều chuyển giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu; tham mưu UBND huyện cho nhà trường chủ trương hợp đồng giáo viên trong khi chờ tuyển dụng mới. Đây chỉ là giải pháp tạm thời để ổn định việc dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hải Đăng cho biết thêm: Tình trạng thiếu giáo viên đang diễn ra trên toàn quốc, không riêng Bình Phước. Năm học 2022-2023, Bình Phước thiếu hơn 1.500 giáo viên, trong đó nhiều trường thiếu giáo viên môn chuyên, giáo viên theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh thiếu 1.600 giáo viên các cấp học. Đây là những trở ngại cho ngành trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trước hết là do Bình Phước có số học sinh và lớp học tăng nhiều, trong khi chỉ tiêu biên chế Trung ương giao không đảm bảo, hơn nữa, hằng năm còn phải giảm 10% biên chế đối với sự nghiệp giáo dục. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có những điểm mới, trong đó quy định bậc tiểu học từ lớp 3 trở lên phải học Tin học và tiếng Anh; THCS thực hiện giáo viên dạy môn tích hợp; THPT đưa vào 2 môn mới là Âm nhạc và Mỹ thuật, trong khi số lượng giáo viên ở các lĩnh vực này chưa đáp ứng.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Hải Đăng, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên hiện nay, trước hết chúng ta phải thực hiện tốt hơn nữa công tác xã hội hóa, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng các trường mầm non ngoài công lập; về lâu dài, thực hiện đối với giáo dục phổ thông. Đội ngũ giáo viên còn thiếu phải tiếp tục rà soát điều chuyển các trường có bộ môn hoặc giáo viên dư sang các đơn vị khác để đảm bảo, đồng thời tuyển dụng giáo viên mới và hợp đồng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế được giao. Có thể tổ chức cho giáo viên thực hiện thỉnh giảng, ví dụ các môn như tiếng Anh, Tin học; bồi dưỡng những giáo viên có trình độ, khả năng Tin học, tiếng Anh cho các lớp dưới. Về lâu dài, kiến nghị với Trung ương bổ sung biên chế cho Bình Phước và đặc biệt không cắt giảm biên chế 10% cơ học như hiện nay.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/148552/nang-cao-chat-luong-giao-duc-vung-sau