Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tiếp tục phiên họp thứ 47, chiều 10/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 29/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành

Cập nhật kịp thời và cụ thể hóa quy trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Trình bày tóm tắt tờ trình về dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ trong điều kiện cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn tổ chức, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đều được điều chỉnh với những thay đổi quan trọng, việc sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 là tất yếu, cần thiết nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ giữa Quy chế với quy định mới trong các luật, nghị quyết có liên quan; cập nhật kịp thời và cụ thể hóa quy trình làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phù hợp với thực tiễn tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan của Quốc hội, tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cũng cho biết trên cơ sở ý kiến của Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Dự thảo Nghị quyết gồm 02 điều, trong đó, Điều 1 sửa đổi nội dung trong 39/97 điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hiện hành; bổ sung mới 07 điều; bãi bỏ 03 điều; Điều 2 quy định hiệu lực thi hành; tập trung quy định những nội dung cơ bản như sau:

Một là, Sửa đổi, bổ sung các quy định để phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan trong khối Quốc hội theo quy định của Luật số 62/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật, nghị quyết có liên quan.

Hai là, Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác lập pháp để phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 64/2025/QH15, Luật số 87/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ba là, Sửa đổi, bổ sung một số nội dung khác để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với Nghị quyết số 208/2025/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, các luật, nghị quyết khác và phù hợp với thực tiễn, bảo đảm thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng

Liên quan đến vấn đề còn ý kiến khác nhau tại khoản 1 Điều 50 của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang quy định “Đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua , Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan rà soát, hoàn chỉnh kỹ thuật văn bản, xin ý kiến theo quy định tại điểm c khoản này, báo cáo Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực xem xét, quyết định để trình Chủ tịch Quốc hội ký văn bản.

Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định theo hướng cơ quan chủ trì soạn thảo chủ trì, phối hợp với Thường trực cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, hoàn chỉnh kỹ thuật văn bản để phù hợp với trách nhiệm được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và định hướng đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật được nêu tại Kết luận số 119 – KL/TW ngày 20/01/2025 “Chính phủ và các cơ quan trình dự án Luật chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án Luật do cơ quan mình trình”. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc có cần thiết quy định về việc rà soát sau thông qua hay không, vì việc rà soát kỹ thuật đã được các cơ quan thực hiện trước khi thông qua theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng nêu rõ trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Văn phòng Quốc hội xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về 02 phương án:

Phương án 1: Giữ quy định về việc rà soát sau khi thông qua và trách nhiệm chủ trì tổ chức rà soát như quy định hiện hành.

Phương án 2: Không quy định về việc rà soát, hoàn thiện văn bản sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua do trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định về vấn đề này; hơn nữa, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc rà soát, hoàn thiện về ngôn ngữ, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản đối với dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được hoàn thành chậm nhất 03 ngày trước khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết thông qua. Tuy nhiên, trong trường hợp này, vẫn cần phải quy định rõ về trách nhiệm trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực là cơ quan chủ trì soạn thảo hay cơ quan chủ trì thẩm tra.

Giữ quy định về việc rà soát sau khi thông qua, trách nhiệm chủ trì tổ chức rà soát, xin phiếu xác nhận và trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực như quy định hiện hành

Báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp (UBPLTP) Hoàng Thanh Tùng nêu rõ UBPLTP tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của UBTVQH bảo đảm đồng bộ với các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua liên quan đến sắp xếp các cơ quan của Quốc hội và trách nhiệm của UBTVQH trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH. Nội dung của dự thảo Nghị quyết phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, không có nội dung trái với Hiến pháp và điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; Hồ sơ dự thảo Nghị quyết cơ bản phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đủ điều kiện trình UBTVQH xem xét, cho ý kiến; đồng thời, tán thành với đề xuất của Văn phòng Quốc hội về việc đề nghị UBTVQH xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Về 02 phương án rà soát, hoàn thiện kỹ thuật văn bản sau khi được Quốc hội, UBTVQH thông qua; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết đa số ý kiến trong UBPLTP và Thường trực một số cơ quan của Quốc hội nhất trí với kiến nghị của Văn phòng Quốc hội lựa chọn Phương án 1. Theo đó, giữ quy định về việc rà soát sau khi thông qua, trách nhiệm chủ trì tổ chức rà soát, xin phiếu xác nhận và trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực như quy định hiện hành vì cho rằng quy định này là cần thiết và phù hợp với thực tiễn nhằm bảo đảm chất lượng cuối cùng của văn bản, bảo đảm yêu cầu “Chính phủ và các cơ quan trình dự án Luật chịu trách nhiệm đến cùng đối với dự án Luật do cơ quan mình trình”; đồng thời, rút kinh nghiệm từ Kỳ họp thứ 9, để bảo đảm chặt chẽ, đề nghị bổ sung Bộ trưởng Bộ Tư pháp ký phiếu xác nhận văn bản luật, pháp lệnh, nghị quyết đối với văn bản do Chính phủ trình vì Bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì rà soát kỹ thuật văn bản trước thông qua.

Các đại biểu tham dự phiên họp

Các đại biểu tham dự phiên họp

Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của UBTVQH.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga

Về rà soát, hoàn thiện kỹ thuật văn bản sau khi được Quốc hội, UBTVQH thông qua, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, theo đó cơ quan chủ trì thẩm tra chủ trì, phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thực hiện công tác rà soát cuối cùng nhằm bảo đảm tính chặt chẽ, xác thực của văn bản trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành. Đồng thời đề nghị ràng buộc trách nhiệm đối với cơ quan chủ trì soạn thảo trong suốt quá trình, kể cả đến giai đoạn hoàn tất cuối cùng.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh những nội dung nào đã thực hiện hiệu quả, vận hành tốt trong thời gian qua thì tiếp tục giữ nguyên; những vấn đề còn vướng mắc, bất cập thì cần tập trung rà soát, tháo gỡ kịp thời để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu

Bày tỏ sự đồng tình với các ý kiến đã nêu, Chủ tịch Quốc hội cho rằng về việc phân công người thông báo kết luận phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất trí giao Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người ký thông báo kết luận; trong trường hợp vắng mặt, có thể ủy nhiệm cho Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đảm nhiệm, nhưng phải là người nắm chắc lĩnh vực phụ trách và chịu trách nhiệm với nội dung văn bản ký.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh tinh thần cải cách hành chính mạnh mẽ, tránh tình trạng việc gì cũng phải trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gây chậm trễ. Do đó, thống nhất giao Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách chịu trách nhiệm chính và trình Chủ tịch Quốc hội nếu cần thiết. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý các Ủy ban cần cố gắng không thay đổi chương trình kế hoạch làm việc đã được định sẵn, hạn chế tối đa việc điều chỉnh, thay đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu Kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu Kết luận

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh UBTVQH đánh giá cao Văn phòng Quốc hội đã khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình UBTVQH đúng kế hoạch, đồng thời cơ bản thống nhất với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyếtsố 29/2022/UBTVQH15 ngày 12/12/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại phiên họp, với 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 29/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lan Anh – Cao Hoàng – Thế Anh – Vũ Hiếu

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=94992