Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể

Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Đây được coi là giải pháp giúp giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng tại mỗi doanh nghiệp (DN), xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, giúp DN ngày càng phát triển, người lao động (NLĐ) có thu nhập cao, ổn định.

Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động (NSDLĐ) về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Đây được coi là giải pháp giúp giảm thiểu và giải quyết những mâu thuẫn, bất đồng tại mỗi doanh nghiệp (DN), xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, giúp DN ngày càng phát triển, người lao động (NLĐ) có thu nhập cao, ổn định.

Công nhân Công ty TNHH Tessellation Hòa Bình, Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn) đóng góp ý kiến xây dựng thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.

Công nhân Công ty TNHH Tessellation Hòa Bình, Khu công nghiệp Lương Sơn (Lương Sơn) đóng góp ý kiến xây dựng thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp.

Phát huy vai trò đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, những năm qua, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố, Công đoàn ngành, hướng dẫn các công đoàn cơ sở triển khai thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại DN có tổ chức công đoàn với nhiều nội dung có lợi hơn cho đoàn viên công đoàn, NLĐ theo luật định.

Tính đến tháng 6/2024, trên địa bàn tỉnh có 231 DN có tổ chức công đoàn, tổng số trên 34.000 công nhân lao động (gồm 7 DN nhà nước, 224 DN ngoài khu vực nhà nước); 100% DN tổ chức hội nghị đối thoại hàng năm, trong đó, 172/231 DN đã ký kết TƯLĐTT (đạt 75%). Nhiều bản thỏa ước có lợi hơn, đạt được nhiều điều khoản cao hơn quy định của pháp luật cho NLĐ; tập trung vào chế độ phúc lợi tập thể, thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng, đào tạo nghề; cải thiện điều kiện làm việc, chế độ ăn ca, chế độ bảo hộ lao động, hòa giải và thương lượng khi có tranh chấp lao động; tham quan nghỉ mát, thăm hỏi khi ốm đau, trợ cấp lễ, Tết, khó khăn đột xuất, hiếu hỷ, sinh nhật, tiền tàu xe khi nghỉ phép; chế độ đối với lao động nữ, hỗ trợ xây dựng nhà ở, phương tiện đi lại cho công nhân lao động…

Tuy nhiên, việc đối thoại, thương lượng và ký kết TƯLĐTT vẫn chưa thực sự được NSDLĐ và NLĐ quan tâm; hiện còn 25% DN chưa thực hiện ký TƯLĐTT, số TƯLĐTT đạt loại A chưa nhiều; quy trình thương lượng, ký kết TƯLĐTT chưa tuân thủ quy trình tổng hợp, chọn lọc ý kiến của NLĐ trước khi tổ chức ký kết, chưa thông qua sự đồng thuận của tập thể NLĐ; còn có DN ký kết mang tính hình thức, sao chép các nội dung ngang luật của Nhà nước quy định nên chưa đáp ứng được nguyện vọng của NLĐ. Đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ lao động chưa thực sự ổn định và quyền lợi của NLĐ chưa được đảm bảo đúng quy định.

Để nâng cao hiệu quả tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại các DN khu vực ngoài nhà nước, góp phần thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư về "Tăng cường xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới”, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về "Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Đặc biệt để thực hiện tốt 1 trong 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam "Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động”, thời gian tới, các cấp công đoàn trong tỉnh cần thực hiện một số nội dung trọng tâm sau: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, NSDLĐ và NLĐ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT. Phát huy vai trò Tổ tư vấn pháp luật LĐLĐ tỉnh nhằm tăng cường tuyên truyền quy định về thương lượng, đối thoại, ký kết TƯLĐTT theo Bộ luật Lao động.

Đổi mới công tác bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cho cán bộ công đoàn cơ sở khối DN trực tiếp tham gia thương lượng, đàm phán với NSDLĐ trong xây dựng TƯLĐTT; tổ chức các hội nghị, diễn đàn trao đổi kinh nghiệm trong công tác thương lượng, ký kết TƯLĐTT; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ công đoàn trong thương lượng, ký kết và giám sát thực hiện TƯLĐTT trong DN. Xây dựng biểu mẫu và quy trình tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết TƯLĐTT; tập trung nâng cao chất lượng các bản TƯLĐTT ký mới, đồng thời rà soát các bản TƯLĐTT đã hết hạn hoặc đang thực hiện để bổ sung lợi ích cho NLĐ. Giao chỉ tiêu cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hàng năm về hỗ trợ công đoàn cơ sở thương lượng,ký kết TƯLĐTT.

Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT; biểu dương, khen thưởng các đơn vị làm tốt và kịp thời kiến nghị, đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Dành nguồn lực, hỗ trợ kinh phí cho việc tổ chức đối thoại, thương lượng, ký kết và đánh giá xếp loại TƯLĐTT trong các cấp công đoàn...

Tống Đức Chiến

(Liên đoàn Lao động tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/192404/nang-cao-chat-luong-thuong-luong,-ky-ket-va-thuc-hien-thoa-uoc-lao-dong-tap-the.htm