Nâng cao diện tích nông nghiệp được cơ giới hóa đồng bộ

Nhằm giảm sức lao động trực tiếp, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành nông nghiệp và các địa phương trong tỉnh khuyến khích người dân, HTX tích cực đầu tư đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất.

HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành (Hoằng Hóa) sử dụng máy vun luống trồng khoai tây vụ đông.

HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành (Hoằng Hóa) sử dụng máy vun luống trồng khoai tây vụ đông.

Là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành (Hoằng Hóa) đã đầu tư trang bị máy cày, máy vun luống... phục vụ người dân sản xuất. Trong vụ đông 2024 - 2025, HTX đã tích tụ được 20ha và liên kết với 1.200 hộ dân các huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, thị xã Nghi Sơn... sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây trồng vụ đông. Ông Lương Quốc Đạt, chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Thành, cho biết: "Để hỗ trợ người dân và đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, HTX đã đầu tư 3 máy làm đất và vun luống, 2 máy cấy, 3 máy thu hoạch khoai tây. 100% diện tích HTX liên kết sản xuất sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, HTX đầu tư tưới nhỏ giọt cho 20ha trồng dưa chuột và rau màu các loại. Nhờ ứng dụng cơ giới hóa trong các khâu và khoa học - công nghệ vào sản xuất nên chất lượng sản phẩm của HTX cao, được khách hàng tin dùng. Trung bình, doanh thu mỗi năm của HTX đạt khoảng 40 tỷ đồng".

Trước thực trạng các hộ gia đình bỏ ruộng không sản xuất, HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Minh (Thọ Xuân) đã tích tụ tập trung đất đai và liên kết với các hộ dân sản xuất bao tiêu hàng năm từ 380 - 400ha lúa giống. HTX còn ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu cây màu vụ đông cho bà con nông dân. Theo giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xuân Minh Đỗ Thị Hoa, để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX đã đầu tư 3 máy làm đất, 5 máy cấy làm dịch vụ cho bà con. Hàng năm, HTX đã gieo hơn 20 tấn mạ khay, tương đương 400ha lúa cấy để cung ứng cho người dân trong và ngoài xã. Ngoài ra, HTX đầu tư 2 máy sấy lúa công suất 80 tấn/1 lần sấy, nhờ đó các hộ dân yên tâm không lo mưa nắng bất thường.

Thời gian qua, cùng với tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương tích cực đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc đưa máy móc vào thực hiện các khâu làm đất, gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, phân bón lá và thu hoạch... đã góp phần giảm sức lao động trực tiếp, giảm chi phí sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng. Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện toàn tỉnh có 1.468 máy kéo cỡ lớn; 8.028 máy kéo cỡ trung; 18.239 máy kéo cỡ nhỏ; 1.232 máy gieo hạt; 11.223 máy cấy; 585 máy sấy nông sản; 1.054 máy xới, vun luống, bón phân; 11.223 máy phun thuốc bảo vệ thực vật; 2.043 máy thu hoạch lúa, ngô; 5.589 máy đập tách hạt; 9.854 máy xay xát lúa gạo; 6.810 máy nghiền nông sản; 7.520 máy vận chuyển lương thực; 1.586 máy sơ chế, bảo quản nông sản... Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 8.560 hệ thống máy, thiết bị tưới nước tiết kiệm; 487 hệ thống chiếu sáng cho cây trồng. Việc ứng dụng cơ giới hóa góp phần giải phóng sức lao động của nông dân, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa ở các khâu sản xuất, như: tỷ lệ cơ giới hóa trong cây lúa ở khâu làm đất đạt 98%, cấy bằng máy đạt 25%, thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp đạt 83%, vận chuyển 84% diện tích. Tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất rau màu ở khâu làm đất đạt 81%, gieo hạt đạt 26%, vận chuyển đạt 80% diện tích...

Cũng theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã góp phần làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi lên khoảng 10 - 15%, giảm chi phí sản xuất từ 0,7 đến 2,8 triệu đồng/ha/vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch khoảng 5%, tăng thu nhập cho các hộ dân sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất bình quân của toàn tỉnh. Các diện tích cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất ngày càng được mở rộng, góp phần đảm bảo lịch thời vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao năng suất cây trồng, giảm sự dồn nén về thời vụ ở vụ mùa và tình trạng thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Nhằm nâng cao diện tích ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp, hiện ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực thực hiện các biện pháp theo Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 3/10/2022 của UBND tỉnh về phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư máy móc và thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Bài và ảnh: Hải Đăng

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nang-cao-dien-tich-nong-nghiep-nbsp-duoc-co-gioi-hoa-dong-bo-237215.htm