Nâng cao giá trị ngành công nghiệp thời trang Việt Nam

Ngày 9/7, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức Hội chợ quốc tế Da và Giày lần thứ 25, với sự tham gia của hơn 800 doanh nghiệp ngành da giày từ các nước trên thế giới.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ quốc tế da và giày lần thứ 25.

Các đại biểu cắt băng khai mạc Hội chợ quốc tế da và giày lần thứ 25.

Phát biểu ý kiến tại hội thảo “Phát triển , nâng cao năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp thời trang Việt Nam” trong khuôn khổ hội chợ, Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn cho biết, ngành công nghiệp dệt may, da giày là hai ngành hàng chủ lực của nền kinh tế Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 72 tỷ USD trong năm 2024, tăng trưởng trung bình 10%, thu hút gần 5 triệu lao động, đóng góp đáng kể vào phát triển thị trường lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Trải qua hơn 40 năm phát triển, mặc dù hai ngành đã khẳng định được vị trí tốp đầu của thế giới nhưng vẫn phải đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Phần lớn chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu ngành thời trang Việt Nam vẫn phụ thuộc vào sự chỉ định của khách hàng và nhập khẩu từ bên ngoài. Điều này hạn chế sự chủ động sáng tạo và phát triển mẫu mã của các nhà máy trong nước, dẫn tới giá trị gia tăng thấp, lợi nhuận chỉ tập trung vào giá nhân công lao động và một số nguyên phụ liệu hiện có trong nước, trong đó lợi thế về nhân công sẽ dần mất đi trong vòng vài năm tới.

“Nhằm hướng tới mục tiêu xuất khẩu hơn 100 tỷ USD trong thời gian tới, bắt buộc phải chủ động được nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước. Khi chủ động được mới có thể tiết giảm các khâu trung gian, giảm các khoản chí phí, qua đó gia tăng giá trị và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường”, Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn nhấn mạnh.

 Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn phát biểu khai mạc hội thảo.

Chủ tịch Lefaso Nguyễn Đức Thuấn phát biểu khai mạc hội thảo.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thuấn, triển khai Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2035 và Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành, sẽ nâng cấp chuỗi cung ứng của ngành thời trang Việt Nam theo hướng đa dạng hóa nguồn cung, chủ động và bền vững, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hiện thực hóa chiến lược trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Lefaso đã đệ trình giải pháp xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ngành công nghiệp thời trang Việt Nam giai đoạn 2026-2030 với các mục tiêu kết nối và phát triển chuỗi cung ứng thời trang; trưng bày, giới thiệu, thử nghiệm nguyên phụ liệu và công nghệ mới,… Qua đó, thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ một cách hiệu quả nhất, giúp ngành thời trang Việt Nam và hai ngành dệt may, da giày có những bước đi đột phá, tạo ra giá trị ngày càng cao, mang lại lợi ích và góp phần vào sự phát triển của đất nước.

Theo Cục trưởng Công nghiệp (Bộ Công thương) Trần Việt Hòa, trong xu thế đẩy mạnh phát huy nội lực cũng như tự chủ về nguồn nguyên liệu, trong đó có lĩnh vực dệt may và da giày, Cục Công nghiệp sẽ tham mưu cho lãnh đạo bộ triển khai, xây dựng chính sách phù hợp với xu thế phát triển mới, đặc biệt sẽ xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ngành công nghiệp thời trang Việt Nam để chuyển giao công nghệ và là cầu nối cho các doanh nghiệp với các thị trường nước ngoài cũng như có thể tiếp cận nhanh nhất công nghệ tiên tiến và tự chủ được nguồn nguyên liệu.

Theo mục tiêu đề ra, khi trung tâm được đưa vào vận hành, sẽ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp với bảy chức năng chính như kết nối và phát triển chuỗi cung ứng thời trang; trưng bày, giới thiệu, thử nghiệm nguyên phụ liệu và công nghệ mới; tạo không gian sáng tạo và nghiên cứu phát triển cho ngành thời trang; tổ chức hội chợ triển lãm, sự kiện của ngành thời trang; đào tạo, tư vấn, nâng cao năng lực ngành; thúc đẩy xu hướng thời trang bền vững và ứng dụng công nghệ; thúc đẩy hợp tác quốc tế và xuất khẩu,...

Trung tâm cũng sẽ thực hiện các hoạt động đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm nguyên phụ liệu dệt may, da giày và vận hành kênh thông tin cập nhật xu hướng, công nghệ sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhằm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, qua đó hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp chủ động nguồn cung, giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, khẳng định thương hiệu, vị trí của ngành công nghiệp thời trang Việt Nam trên trường quốc tế.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Tổng Thư ký Vitas Nguyễn Thị Tuyết Mai khẳng định: Mặc dù ngành dệt may Việt Nam đứng tốp 2 thế giới, năm 2024 xuất khẩu hơn 44 tỷ USD, thu hút hơn 2,5 triệu lao động trực tiếp,… nhưng vẫn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, khó đáp ứng quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại thế hệ mới hay các yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt từ các thị trường khó tính như Mỹ, EU,…

Đặc biệt, do tỷ lệ nội địa hóa mới chiếm khoảng 50%, thiếu nguyên liệu xanh đạt chuẩn quốc tế, thiếu khu công nghiệp chuyên biệt cho dệt nhuộm, thiếu doanh nghiệp phụ trợ công nghệ cao,… dẫn đến giá trị mang lại thấp. Do đó, cần phải có chiến lược quốc gia cho công nghiệp phụ trợ, khung pháp lý cho nguyên liệu xanh, tuần hoàn để thúc đẩy ngành thời trang Việt Nam vươn cao.

 Các đại biểu nghe giới thiệu định hướng quy hoạch trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ngành công nghiệp thời trang Việt Nam.

Các đại biểu nghe giới thiệu định hướng quy hoạch trung tâm nghiên cứu phát triển chuỗi cung ngành công nghiệp thời trang Việt Nam.

Phó Chủ tịch Lefaso Diệp Thành Kiệt cho biết thêm, đã đến lúc phải tính bài toán chủ động về nguồn nguyên phụ liệu, làm sao chậm nhất trong 5 năm nữa phải đạt được tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa hơn 70%. Điều đó không chỉ đáp ứng được yêu cầu của các nước nhập khẩu, mà còn giúp doanh nghiệp chủ động ở nguồn cung nguyên phụ liệu và chủ động ở đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.

HOÀNG ANH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nang-cao-gia-tri-nganh-cong-nghiep-thoi-trang-viet-nam-post892598.html