Nâng cao giá trị sản phẩm ốc nhồi

Với đặc tính dễ nuôi, chi phí thấp, phù hợp với đồng đất sâu trũng trồng lúa kém hiệu quả, mô hình nuôi ốc nhồi đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, để nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường, các cơ sở đã chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong quá trình nuôi, sản xuất các sản phẩm từ ốc được cấp chứng nhận đầy đủ về nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn, truy xuất nguồn gốc...

Cơ sở nuôi và chế biến ốc nhồi tại xã Hà Vinh (Hà Trung).

Năm 2019, nhận thấy diện tích đất trồng lúa của gia đình không mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Vũ Văn Hiệp, xã Hà Vinh (Hà Trung) đã trăn trở tìm hướng phát triển sản xuất mới cho gia đình. Qua tìm hiểu, anh Hiệp nhận thấy số lượng ốc nhồi ngoài đồng, trong ao ngày càng hiếm dần do biến đổi khí hậu và người dân sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ; trong khi nhu cầu tiêu thụ ốc nhồi ngày càng cao. Vì vậy, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 5 ao nuôi, 3 bể ươm giống, bể sinh sản, lắp đặt bóng điện để ấp trứng ốc... Anh Hiệp cho biết: “Chi phí nuôi ốc nhồi thấp, thức ăn từ tự nhiên như các loại rau, củ quả, bèo tấm... Tuy nhiên, khi nuôi phải chọn nước sạch không ô nhiễm, không cho các thiên địch như: cá, cua, ốc bươu vàng... vào ao nuôi. Đồng thời, thường xuyên vệ sinh ao nuôi, xử lý môi trường nước bằng nước vôi định kỳ tùy thời tiết, mật độ nuôi; thả nhiều lục bình làm nơi ở cho ốc, vừa tạo không gian xanh mát những ngày hè và ấm áp mùa đông. Sau khoảng 8 tháng, ốc nhồi bắt đầu sinh sản và thời gian sinh sản thường bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 8, mỗi con ốc mẹ đẻ từ 6 - 7 ổ trứng/năm”.

Cũng theo anh Hiệp, mỗi năm anh nuôi từ 2 đến 3 vụ, cung cấp từ 2 đến 3 tấn ốc nhồi thương phẩm cho các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh và hơn 100 vạn ốc giống cho các mô hình trong tỉnh. Tuy nhiên, sau thời gian cung cấp ốc nhồi thương phẩm, anh Hiệp nhận thấy nhu cầu của thị trường với những thực phẩm chế biến từ ốc nhồi là rất lớn, vì vậy, năm 2022, anh đã liên kết sản xuất với một số hộ nuôi ốc nhồi trên địa bàn huyện Hà Trung để thu mua ốc thương phẩm để chế biến các sản phẩm từ ốc, như: chả ốc nhồi ống nứa, ốc nhồi tách vỏ... và đầu tư các loại máy móc hiện đại và các thiết bị liên quan đến chế biến. Bên cạnh đó, anh xây dựng thương hiệu sản phẩm “Chả ốc nhồi ống nứa Hiệp Thu”.

Chia sẻ về sản phẩm của cơ sở, anh Hiệp cho biết: "Ốc được lựa chọn từ ao nuôi của gia đình và các hộ trong tổ hợp tác nuôi ốc nhồi thương phẩm của xã Hà Vinh; ống nứa là loại nứa bánh tẻ, ống nứa thon dài, sau đó cắt vát đều nhau độ dài từ 5 - 7cm, sau đó trộn cùng các nguyên liệu như gừng, sả, ớt, nấm hương...”. Với phương châm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, anh Hiệp đã từng bước khẳng định thương hiệu bằng chất lượng sản phẩm. Tháng 9 vừa qua, sản phẩm “Chả ốc nhồi ống nứa Hiệp Thu” đã được đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, các huyện Hà Trung, Quảng Xương, Như Xuân, Nông Cống..., mô hình nuôi ốc nhồi không còn xa lạ với người dân. Từ sản xuất hộ nhỏ lẻ, các địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ người dân đầu tư xây dựng thêm ao nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, thành lập tổ hợp tác, liên kết sản xuất bảo đảm đầu ra ổn định. Tại huyện Quảng Xương, từ năm 2021, thấy tiềm năng của mô hình, Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch “Mô hình phát triển sản xuất nuôi, chế biến ốc nhồi thương phẩm năm 2022” với các hộ dân ở các xã: Quảng Long, Quảng Trạch, Quảng Văn... Đồng thời, tham gia tổ hợp tác và được Công ty TNHH Thiên Bảo Thanh Hóa tư vấn kỹ thuật, cung ứng giống, tiêu thụ, chế biến sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm như ốc nhồi ống nứa, ốc nhồi tách vỏ... là những sản phẩm được chế biến từ ốc nhồi thương phẩm của Công ty TNHH Thiên Bảo Thanh Hóa được cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, tem, mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Có thể nói, việc nâng cao giá trị sản phẩm ốc nhồi đã thay đổi tư duy sản xuất của người dân, hướng tới hình thành vùng nuôi hàng hóa, các chuỗi liên kết nuôi ốc nhồi, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, còn góp phần bảo tồn và phát huy nguồn con giống đang dần cạn kiệt; đồng thời tạo nguồn nguyên liệu ốc tươi và cho sản xuất, chế biến. Cùng với việc chú trọng chất lượng sản phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất còn chú trọng thiết kế bao bì đẹp, bắt mắt, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương để tiêu thụ trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nang-cao-gia-tri-san-pham-oc-nhoi/202092.htm