Nâng cao hiểu biết về an toàn khi làm việc cho người lao động

Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động diễn ra từ ngày 1/5 đến 31/5, đang được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tích cực hưởng ứng, nâng cao nhận thức và đảm bảo an toàn trong sản xuất, kinh doanh cho người lao động.

Việc phát động và đẩy mạnh tuyên truyền đã giúp người lao động quan tâm hơn đến vấn đề an toàn, vệ sinh lao động. Tại các cuộc đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách do Liên đoàn Lao độn cac quận, huyện, ngành phối hợp với Báo Lao động Thủ đô tổ chức, nhiều đoàn viên Công đoàn, người lao động đã nêu lên các vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách về an toàn, vệ sinh lao động.

Khi đang làm việc mà thấy nguy cơ mất an toàn thì nên làm gì, cần làm gì là băn khoăn của nhiều người lao động, cũng là câu hỏi của chị Nguyễn Thị Nhung, Công ty TNHH dược phẩm Fusi. Chị muốn biết, trong quá trình làm việc, nếu người lao động phát hiện môi trường làm việc có nguy cơ cao, không đảm bảo an toàn lao động thì có quyền từ chối công việc đó không?

Ông Nguyễn Việt Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp luật và Phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động đã nêu rõ: Người lao động có quyền rời khỏi nơi làm việc khi phát hiện rõ nơi đó có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến sức khỏe và an toàn của mình.

Tuy nhiên, khi người lao động rời khỏi nơi làm việc đó thì phải có trách nhiệm thông báo với người quản lý biết để họ khắc phục những mối nguy hại đó. Và người quản lý cũng có trách nhiệm phải khắc phục môi trường làm việc sao cho đảm bảo an toàn. Khi môi trường an toàn mới cho người lao động làm việc trở lại.

Người lao động có quyền được làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa

Người lao động có quyền được làm việc trong môi trường đảm bảo an toàn. Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thị Thanh, Công ty Tanaphar lại không rõ, khi công nhân chưa ký hợp đồng lao động, đang trong thời gian thử việc, nếu xảy ra tai nạn lao động thì họ có được hưởng các chế độ, quyền lợi gì không?

Theo ông Nguyễn Việt Đức, Luật An toàn vệ sinh lao động có nói rõ, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mà bị tai nạn lao động, sẽ được hưởng hai nguồn hỗ trợ: Từ người sử dụng lao động và chi từ Quỹ Bảo hiểm lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người lao động đang thử việc, theo quy định không bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội, không bắt buộc đóng bảo hiểm tai nạn lao động. Vì vậy người lao động thử việc sẽ không được hưởng chế độ hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm lao động, bệnh nghề nghiệp, mà sẽ được hưởng hỗ trợ từ người sử dụng lao động.

Ông Đức cũng cho biết, đối với người lao động khi có hợp đồng lao động với nhiều đơn vị, nhiều người sử dụng lao động, thì mỗi người sử dụng lao động thì đều phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Nếu trong trường hợp người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động, mà người lao động bị tai nạn lao động thì ngoài việc chi trả trợ cấp theo trách nhiệm, người sử dụng lao động sẽ phải thay Quỹ bảo hiểm lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả toàn bộ nội dung mà Bảo hiểm xã hội sẽ phải chi trả cho người lao động. Ngoài bồi thường trợ cấp, người lao động có thể được hưởng chế độ trợ cấp 1 lần, trợ cấp hằng tháng…

Bên cạnh đó, đoàn viên Công đoàn bị tai nạn lao động sẽ được Công đoàn thăm hỏi; người lao động tại doanh nghiệp có đóng đoàn phí Công đoàn, nếu bị tai nạn lao động, bệnh hiểm nghèo… không may tử vong thì người nhà được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng từ tổ chức Công đoàn.

Dưới góc độ của một giảng viên về an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, TS Đỗ Thị Lan Chi, Phó trưởng Khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, Trường Đại học Công đoàn cho rằng, hiện nay, vấn đề an toàn về sức khỏe được người lao động ngày càng được quan tâm, nhưng vẫn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền.

Người lao động cần nắm rõ, nếu có ký kết hợp đồng lao động thì sẽ được doanh nghiệp đảm bảo các quyền lợi như: Đảm bảo quyền lợi an toàn; được cung cấp các thông tin về yếu tố nguy hại trong môi trường lao động; được thực hiện các chế độ bảo hộ lao động, được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đồng thời, người lao động được quyền yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi bị tai nạn lao động; được quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc nếu nơi làm việc có nguy cơ gây mất an toàn lao động, chỉ trở lại làm việc khi môi trường làm việc đảm đảm an toàn. Người lao động cũng có quyền khiếu nại và tố cáo nếu người sử dụng lao động làm sai luật...

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nang-cao-hieu-biet-ve-an-toan-khi-lam-viec-cho-nguoi-lao-dong-170748.html