Nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ chăn nuôi

Là địa phương có tiềm năng phát triển ngành chăn nuôi, thời gian qua, tỉnh ta triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.

Có địa hình phức tạp và chia cắt, Hà Giang mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa kết hợp á nhiệt đới nên tạo ra sự phong phú cho việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, đặc biệt là chăn nuôi. Nổi bật, các sản phẩm khẳng định thương hiệu của Hà Giang như: Bò Vàng, mật ong Bạc hà, lợn đen bản địa, gà xương đen, cá đặc sản. Những năm gần đây, ngành chăn nuôi ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, tỷ trọng chiếm 32,8% cơ cấu ngành Nông nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 140.608 con trâu, bò 128.910 con, ngựa 1.118 con, dê 157.667 con, lợn 588.584 con, trên 6 triệu con gia cầm; tỷ lệ xuất chuồng tăng 7,79% so với cùng kỳ 2023.

Phát triển chăn nuôi gia cầm ở thị trấn Yên Minh (Yên Minh) theo hình thức đầu tư – thu hồi.

Phát triển chăn nuôi gia cầm ở thị trấn Yên Minh (Yên Minh) theo hình thức đầu tư – thu hồi.

Xác định các chính sách hỗ trợ chăn nuôi là đòn bẩy sản xuất bền vững, ngành Nông nghiệp và các địa phương tích cực triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ của T.Ư, của tỉnh. Trong đó, có thể kể đến: Chương trình hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ; Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; Nghị quyết số 17 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị; đầu tư có thu hồi… Triển khai các chính sách theo từng giai đoạn đã giúp cải thiện tỷ trọng chăn nuôi; đàn gia súc, gia cầm tăng, sản lượng thịt hơi xuất chuồng, tầm vóc, chất lượng đàn trâu, bò được nâng lên. Từ đó mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho hàng nghìn hộ chăn nuôi ở các địa phương, giải quyết việc làm ổn định.

Việc thực hiện hiệu quả các chính sách đã thúc đẩy các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa phát triển, nhất là 3 con chủ lực là bò Vàng, lợn địa phương, ong Bạc hà. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, chuỗi giá trị sản phẩm mật ong Bạc hà; xây dựng thương hiệu, khai thác chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bò Vàng và mật ong Bạc hà. Tại các địa phương vùng thấp, chăn nuôi trang trại, bán công nghiệp và liên kết đã bước đầu phát triển. Các huyện vùng cao chú trọng phát triển các giống vật nuôi bản địa, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất theo hướng tạo sản phẩm đặc sản hữu cơ. Cùng với đó, ghi nhận sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào các chuỗi giá trị chăn nuôi. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 14 hợp tác xã và 8 doanh nghiệp đầu tư vào các chuỗi giá trị với tổng giá trị phê duyệt trên 71 tỷ đồng; trong đó, có 5 dự án chăn nuôi bò Vàng và 2 dự án nuôi ong Bạc hà.

Phát triển chăn nuôi bò Vàng hàng hóa tại các huyện vùng Cao nguyên đá.

Phát triển chăn nuôi bò Vàng hàng hóa tại các huyện vùng Cao nguyên đá.

Ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên, thường xuyên đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh, biến đổi khí hậu, giá đầu vào tăng cao, thị trường không ổn định. Bên cạnh đó, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, điều kiện cơ sở, kỹ thuật hạn chế; xử lý chất thải chưa triệt để, tình trạng ô nhiễm môi trường còn xảy ra... Đây là một trong những nguyên nhân gây nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Để phát triển bền vững, tháng 8.2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 106 quy định chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi với 3 chính sách hỗ trợ nổi bật: Hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi; hỗ trợ phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi; hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép.

Đồng chí Nguyễn Thị Oanh, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh nhận định: Các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 106 sẽ là cơ hội phát triển ngành chăn nuôi bền vững, trong đó người được hưởng lợi trực tiếp là các hộ dân và tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đặc biệt, chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ mới, an toàn sinh học và xử lý chất thải giúp ngành chăn nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đảm bảo an ninh lương thực.

Thời gian tới, để thực hiện hiệu quả Nghị định số 106 nói riêng và các chính sách hỗ trợ chăn nuôi nói chung, các ngành, địa phương tiếp tục chủ động tham mưu triển khai hiệu quả các chính sách đúng đối tượng, công khai, minh bạch; tăng cường truyền thông, phổ biến chính sách để người chăn nuôi nắm được nội dung hỗ trợ; tiếp tục phát triển chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhân rộng các mô hình hiệu quả.

Bài, ảnh: PHẠM HOAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/kinh-te/202412/nang-cao-hieu-qua-chinh-sach-ho-tro-chan-nuoi-bcd4927/