Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân
Thời gian qua, hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả, đóng góp tích cực vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND.
Huyện Bình Lục đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh lựa chọn và giao nhiệm vụ triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao và đạt tiêu chí huyện NTM nâng cao vào năm 2025. Để đạt được các mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM, huyện đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể. Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND, các ban HĐND và các tổ đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã đã tổ chức 30 cuộc giám sát chuyên đề về xây dựng NTM. Qua giám sát cho thấy, hầu hết các chương trình, dự án cũng như công tác triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng NTM trên địa bàn huyện đều thực hiện đúng thời hạn theo quy định và phát huy được hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, qua giám sát thực tế, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu HĐND cũng phát hiện những vướng mắc, bất cập, khó khăn, kịp thời chỉ đạo và đề xuất, kiến nghị các giải pháp phù hợp để khắc phục, giải quyết; đồng thời, luôn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, nghị quyết của HĐND liên quan đến nội dung giám sát và tìm hiểu thông tin, kiểm chứng thông tin, xử lý thông tin về nội dung giám sát... Nhận thức về hoạt động giám sát và vai trò giám sát của HĐND không ngừng được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Đường giao thông tại xã Trung Lương (Bình Lục) được đầu tư xây dựng đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Trần Giang
Để phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử, thời gian qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tích cực đổi mới và vận dụng linh hoạt các hình thức, giải pháp trong quá trình hoạt động; trong đó, việc theo dõi, thực hiện tái giám sát chuyên đề để đánh giá kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát đối với các cơ quan, đơn vị luôn được Ban chú trọng và quan tâm, nhất là với những vấn đề đã được Đoàn giám sát kiến nghị, nhằm tăng cường nâng cao chức năng quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Với tinh thần giám sát đến cùng để đánh giá kết quả, hiệu quả giải pháp đã được đơn vị giám sát tổ chức thực hiện, sau khi rà soát, Ban Kinh tế - Ngân sách đã đề xuất tổ chức cuộc giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 25/3/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đầu tư nâng cấp hoàn thiện hạ tầng và xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong các giải pháp được đơn vị chịu sự giám sát thực hiện để khắc phục những vướng mắc, hạn chế đã được Đoàn giám sát kiến nghị tại Thông báo số 02/TB- KTNS ngày 23/4/2018. Qua giám sát, Đoàn giám sát đã ghi nhận: trên cơ sở các kiến nghị của Ban Kinh tế - Ngân sách, các cơ quan, đơn vị đã tập trung chỉ đạo, triển khai nội dung nghị quyết của HĐND về giải pháp khắc phục hạn chế đối với một số nội dung của Đoàn giám sát đã chỉ ra…
Trong quá trình triển khai hoạt động giám sát, HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh đã không ngừng cải tiến, đổi mới để phù hợp với thực tiễn, qua đó giúp hoạt động giám sát ngày càng đi vào thực chất, có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Hoạt động giám sát của HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã bao quát hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và tập trung vào các lĩnh vực cử tri, dư luận xã hội quan tâm. Hoạt động giám sát nhằm bảo đảm những quy định của Hiến pháp, pháp luật, cơ chế, chính sách được triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thống nhất; đồng thời, qua giám sát, HĐND cũng tự đánh giá những chủ trương, cơ chế, chính sách do mình ban hành để có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung kịp thời, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cùng với đó, việc giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước đã góp phần làm cho bộ máy nhà nước hoạt động nhịp nhàng, hiệu lực và hiệu quả, phòng, chống những biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Việc theo dõi kết quả thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát ngày càng được chú trọng.

Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thẩm tra các nội dung trình Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.
Tuy nhiên, hoạt động giám sát của HĐND các cấp thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập. Trong đó, việc giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề, nghị quyết về nhiệm vụ phát triển KT-XH có lúc, có nội dung chưa thường xuyên, sâu sát, quyết liệt để kịp thời tham mưu các giải pháp phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn tỉnh; vẫn còn tình trạng nội dung kết luận, yêu cầu kiến nghị giám sát còn chung chung, không rõ chỉ tiêu, thời hạn, không xác định được trách nhiệm cụ thể của các chủ thể chịu sự giám sát và các chủ thể có liên quan nên khó theo dõi, giám sát việc thực hiện, khó quy trách nhiệm, chưa bảo đảm việc giám sát đến cùng.
Bên cạnh đó, việc báo cáo kết quả thực hiện các kiến nghị, khắc phục những hạn chế, vướng mắc được chỉ ra sau giám sát còn chưa thực hiện nền nếp, đúng yêu cầu; việc đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kết luận giám sát có lúc chưa thường xuyên, chưa đạt hiệu quả. Hoạt động giám sát của các tổ đại biểu, đại biểu HĐND chưa thường xuyên, còn nội dung, vấn đề phức tạp phát sinh ở địa phương, cơ sở song chưa kịp thời nắm bắt, phát hiện để tham mưu với cấp ủy, chính quyền có giải pháp xử lý, tháo gỡ kịp thời. Việc lựa chọn các nội dung, vấn đề, đối tượng để chất vấn, giám sát chuyên đề, yêu cầu giải trình còn nhiều lúng túng. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện hoạt động giám sát có lúc chưa chặt chẽ, chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ, nhất là việc cung cấp báo cáo phục vụ giám sát…
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, thời gian tới, HĐND các cấp tiếp tục tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức về hoạt động giám sát của HĐND nhằm tạo sự đồng thuận cao của cả cơ quan giám sát và đối tượng chịu giám sát; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, nhất là đối với những nội dung giám sát có tính nhạy cảm, phức tạp; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học... Cùng với đó, tiếp tục nâng cao năng lực giám sát; chủ động linh hoạt đổi mới từ nội dung, phương thức tổ chức thực hiện giám sát theo hướng nhóm vấn đề đi vào trọng tâm, trọng điểm, công khai, dân chủ, hiệu quả, vì dân, sát dân và gắn với thực tiễn cơ sở. Các kết luận giám sát phải cụ thể, rõ trách nhiệm của các đơn vị, rõ lộ trình yêu cầu khắc phục để các đơn vị phải triển khai thực hiện tránh chung chung, hình thức.
Đồng thời, tăng cường tái giám sát, theo đến cùng việc thực hiện kết luận giám sát; kiến nghị nghiêm túc xử lý theo quy định nếu chủ thể chịu sự giám sát chưa triển khai thực hiện hoặc chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra; nâng cao năng lực dự báo tình hình, tiếp nhận thông tin phản ánh qua báo chí, truyền thông; sâu sát cơ sở, thực tiễn, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến của cử tri để thu thập, xử lý thông tin và quyết định các vấn đề cần thiết tổ chức giám sát chuyên đề chuyên sâu, tổ chức các hoạt động chất vấn, yêu cầu giải trình.
Thường trực HĐND, các Ban HĐND, tổ đại biểu và các đại biểu HĐND tập trung nâng cao năng lực giám sát; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách có năng lực, hiểu biết về lĩnh vực được phân công; nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy giúp việc cho HĐND tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động tham mưu, phục vụ; bố trí hợp lý các điều kiện vật chất cần thiết phục vụ cho hoạt động giám sát…