Nâng cao hiệu quả quản lý chuyên ngành hàng hải
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải VN sớm triển khai Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng hải VN chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện công bố Quy hoạch theo quy định Nghị định số 56/2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.
Điều này nhằm để nội dung Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông tin chính xác, đầy đủ, rộng rãi, minh bạch đến các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân.
Cục Hàng hải VN có trách nhiệm kịp thời tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chuyên ngành hàng hải về đầu tư khai thác cảng biển, báo cáo Bộ GTVT về việc thực hiện công bố quy hoạch.
Cùng đó, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Bộ GTVT phê duyệt theo quy định.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, cảng biển Việt Nam được chia thành 5 nhóm. Đến năm 2030, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch khoảng 33.800 ha (bao gồm các khu vực phát triển cảng biển, khu bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng), trong đó cảng biển là 17.300ha.
Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 606.000ha (chưa bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải là 900.000ha).
Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 khoảng 351.500 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 72.800 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 278.700 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Để thực hiện quy hoạch, quy hoạch đề ra nhiều giải pháp để thực hiện đồng bộ. Trong đó, tập trung chủ yếu các giải pháp nha hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng, chuyên dùng từ nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước nhằm đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, khai thác có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của các cảng biển.
Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách sử dụng nguồn thu từ việc cho thuê khai thác kết cấu hạ tầng bến cảng biển được đầu tư bằng nguồn ngân sách Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng hàng hải công cộng.
Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định cụ thể về thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển theo hướng không thu phí hạ tầng đối với việc gom, rút hàng bằng đường thủy nội địa nhằm đẩy mạnh năng lực vận tải thủy nội địa, giảm áp lực cho vận tải bằng đường bộ.
Đồng thời, hoàn thiện cơ chế tổ chức giám sát thực hiện quy hoạch theo hướng tăng cường vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành trong hoạt động đầu tư cảng biển nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch; Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định hiện hành về thống kê hàng hải đảm bảo tính khoa học, thống nhất, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý Nhà nước chuyên ngành, đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin của các tổ chức, cá nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Nghiên cứu hình thành trung tâm dữ liệu chuyên ngành hàng hải, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thống kê.
Đặc biệt, rà soát, sửa đổi và ban hành chính sách khuyến khích đầu tư cảng biển có mô hình cảng xanh, thông minh, sử dụng công nghệ và nhiên liệu sạch, các bến cảng, bến cảng du lịch (bến khách, bến du thuyền) gắn kết chặt chẽ với vùng động lực về du lịch và hệ thống khu du lịch. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, giảm phát thải theo quy định. Nghiên cứu và phát triển công nghệ sử dụng điện, năng lượng xanh, giảm phát thải…