Nâng cao năng lực nội sinh để tận dụng cơ hội trong chuyển dịch chuỗi cung ứng

Việc phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và thế giới được dự báo sẽ là hình chữ U và đáy rất dài, đây là thách thức rất lớn, ảnh hưởng nặng nề, tuy nhiên Việt Nam vẫn có cơ hội trong chuyển dịch các chuỗi cung ứng. Vì vậy, Việt Nam cần tìm cách nâng cao năng lực nội sinh trong việc cộng sinh với nền kinh tế toàn cầu cũng như trong chính các doanh nghiệp FDI.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việt Nam cơ bản đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức trước “những cơn gió ngược” và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Từ thực tế vươn lên trong đại dịch khi đối diện với những khó khăn, thử thách khắc nghiệt như 3 năm vừa qua, một trong những bài học quan trọng nhất là xây dựng và thúc đẩy nội lực mạnh mẽ để ứng phó với những thách thức và tính bất định của các yếu tố bên ngoài.

Nỗi lo doanh nghiệp nội suy yếu

"Chúng ta cần tăng cường, phát huy “nội lực”, vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực” để thích ứng và phát triển. Đây được coi là nhiệm vụ hàng đầu và xuyên suốt, đặc biệt trong bối cảnh, tình hình mới với nhiều biến động, rủi ro ngày càng gia tăng", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Doanh nghiệp bán lẻ nội lo mất thị phần vào tay khối ngoại.

Doanh nghiệp bán lẻ nội lo mất thị phần vào tay khối ngoại.

Trên thực tế, củng cố nội lực cũng là mong muốn của các doanh nghiệp, HTX. Đại diện tiêu biểu của mô hình kinh tế hợp tác, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại Tp.HCM (Saigon Co.op), cho biết: ngành bán lẻ và thương mại hiện đại của Việt Nam sau khi chịu những tác động của đại dịch COVID-19 đang dần được vực dậy, dần đạt lại mức quy mô trước đại dịch...

Tuy vậy, điều lãnh đạo Saigon Co.op lo ngại nhất là phát triển nguồn lực nội sinh trong ngành bán lẻ hiện đại. Ông cho biết nỗi lo lớn nhất hiện nay là đóng góp của khối nội trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại giảm xuống, với con số 40% về thị phần. Điều này sẽ tác động tới tỷ trọng sản phẩm Việt Nam trong chuỗi giá trị. Cùng với đó, ngành bán lẻ trong thời gian tới tiếp tục chịu tác động của biến động chính trị - xã hội, sự thay đổi hành vi tiêu dùng.

Với động lực tăng trưởng xuất khẩu, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) dẫn chứng từ thị trường Mỹ cho thấy tác động tiêu cực đang ảnh hưởng tới ngành hàng xuất khẩu tỷ USD này của Việt Nam. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đạt 6,74 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giảm 6 tháng lớn nhất kể từ năm 2019 trước đại dịch. So với 6 tháng đầu năm 2022, Việt Nam giảm 0,9% thị phần, trong khi đối thủ cạnh tranh là Bangladesh giữ nguyên được thị phần 10,1%, khu vực Trung Mỹ tăng 0,6% lên 10,5%.

Trong giai đoạn từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2023, Việt Nam cùng với Trung Quốc là hai nước đánh mất thị phần nhiều nhất tại Mỹ: Việt Nam mất 2,6% trong khi Trung Quốc mất 1,9%. Ngược lại, Bangladesh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng thị phần.

Theo Chủ tịch Vinatex, sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may của Việt Nam, ngoài lý do khách quan về sự ảm đạm trong thị trường chung, xu hướng dịch chuyển đơn hàng, còn do năng lực cạnh tranh của ngành dệt may bị suy giảm, nguyên nhân đến từ các yếu tố cả về vĩ mô và vi mô.

Về vĩ mô, trong khi đồng tiền của Việt Nam ổn định, gần như không giảm giá so với đồng USD, thì các quốc gia xuất khẩu dệt may khác duy trì đồng nội tệ rẻ để kích thích xuất khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp (DN) dệt may Việt Nam còn gặp khó khăn trong lãi suất vay, tiếp cận tín dụng. Hiện nay, lãi suất cho vay của Trung Quốc ở mức 3,5%, Bangladesh: 7%, Indonesia: 5,7%, nhưng Việt Nam ở mức 10 - 12%/năm.

‘Bắt bệnh’ vì sao ‘chậm lớn’?

Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sau 3 năm trải qua đại dịch Covid và vượt qua nó theo một logic “nghiệt ngã” không hoàn toàn giống nhiều nước khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng phát triển nhìn chung là tích cực. Các con số phản ánh thành tích tăng trưởng ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút đầu tư nước ngoài, đặt trong sự so sánh quốc tế, là minh chứng tốt cho nhận định này.

Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng chỉ ra rằng, nhìn xuyên suốt quá trình thực tiễn, có hai vấn đề lớn: Xu hướng suy giảm động lực tăng trưởng kinh tế liên tục và kéo dài. DN Việt Nam giỏi chống chịu, "sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành".

“Câu hỏi đặt ra là tại sao với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy mà đa số DN Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa” trở thành xu hướng xuyên suốt quá trình phát triển của DN Việt, mặc dù chúng là một trong những thành tố quan trọng nhất cấu thành “nội lực”, quyết định sự phát triển nền kinh tế Việt Nam?”, TS Trần Đình Thiên nêu.

Trong khi đó, TS. Trần Du lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XII và XIII, dẫn số liệu cho thấy đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 860.000 DN hoạt động theo Luật DN và có khoảng 5,3 triệu hộ sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. Với mức bình quân khoảng 115 người dân/1 DN, tỷ lệ này khá thấp so với mức bình quân 80 - 90 người dân/1 DN ở các nước ASEAN, và phần lớn lại là các DN nhỏ và vừa.

Đáng lo ngại, thương hiệu Việt, DN Việt đang đuối tầm trong môi trường hội nhập. Theo số liệu năm 2022, khu vực FDI đóng góp khoảng 20% GDP, nhưng chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu (năm 2001 chiếm 45,2%); còn khu vực 100% vốn trong nước (kinh tế tư nhân) chỉ chiếm 6,8%.

“Con số trên cho thấy, với chiến lược hướng về xuất khẩu, chủ động và tích cực hội nhập, nỗ lực ký kết và thực thi các hiệp định FTA song phương và đa phương chưa mang lại lợi ích nhiều cho các DN thuần Việt so với khu vực FDI”, ông Lịch nêu quan điểm.

Theo đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần định vị vai trò của DN Việt trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. “Việc tăng cường năng lực nội sinh, tạo động lực cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới cần tập trung vào 2 nhóm chính sách trọng tâm gồm: nâng cao quản trị nền hành chính công và xây dựng hệ sinh thái cho DN Việt phát triển”, ông nhấn mạnh.

Nhìn nhận củng cố năng lực nội sinh rất quan trọng, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ KH&ĐT đang rà soát điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục không cần thiết, làm sao phải giảm chi phí cho DN từ khởi sự đến sản xuất kinh doanh, giảm càng nhiều cho DN càng tốt.

TS.Vũ Tiến Lộc

Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam

Hiện, Việt Nam có 900 nghìn DN, có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Số lượng DN không ít, tuy nhiên chất lượng DN không cao, chưa đáp ứng yêu cầu, năng suất lao động đang tụt hậu và chưa đáp ứng nhu cầu của giai đoạn phát triển mới. Trong khi đó, việc phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và thế giới sẽ là hình chữ U và đáy rất dài, đây là thách thức rất lớn, ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có cơ hội trong chuyển dịch các chuỗi cung ứng. Vì vậy, Việt Nam cần nâng cao năng lực nội sinh trong việc cộng sinh với nền kinh tế toàn cầu cũng như trong chính các DN FDI. Do đó, thời gian tới cần có chính sách thúc đẩy liên kết các DN FDI với Việt Nam, đảm bảo cắm rễ sâu trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các DN Việt Nam.

TS. Nguyễn Đình Cung

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương

Để đạt mục tiêu đến năm năm 2030 có 2 triệu DN đang hoạt động, thì trong giai đoạn 2024 – 2030, mỗi năm trung bình phải tăng thêm ít nhất khoảng 14.300 DN. Chính phủ phải xác định số lượng DN tăng thêm hàng năm nói trên là một mục tiên ưu tiên, cũng như muốn đạt mục tiêu đầy thách thức trên thì phải có hàng loạt giải pháp tương ứng nhằm tăng số DN thành lập mới hàng năm, tăng số DN quay lại hoạt động sau thời gian tạm ngừng vì các lý do khác nhau, giảm số DN tạm ngưng kinh doanh và đặc biệt là giảm đến mức tối đa số DN giải thể, phá sản.

Ông Đậu Anh Tuấn

Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI)

DN tư nhân trong nước còn gặp bất lợi so với DN xuyên biên giới. Do sự phát triển của internet, Việt Nam đã bắt đầu xây dựng rất nhiều quy định quản lý các dịch vụ trên mạng như quy định quản lý mạng xã hội, game online, phim, trang thông tin điện tử, thương mại điện tử… Đây là các quy định cần thiết để chống tin giả, thông tin xấu độc, khiêu dâm, bạo lực trên internet. Tuy nhiên, khi thực thi các quy định này thì thường các cơ quan nhà nước yêu cầu các DN Việt Nam tuân thủ triệt để, trong khi các DN cung cấp dịch vụ xuyên biên giới lại không đáp ứng các quy định này. Điều đó gây bất bình đẳng trong kinh doanh, khiến các DN trong nước bị đội chi phí, kéo dài thời gian, công sức khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Thậm chí còn gây hiện tượng nhiều người ra nước ngoài mở DN, hoặc các DN trong nước lập công ty con ở nước ngoài, rồi cung cấp dịch vụ ngược về Việt Nam nhằm né các quy định trong nước.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/nang-cao-nang-luc-noi-sinh-de-tan-dung-co-hoi-trong-chuyen-dich-chuoi-cung-ung-1095429.html