Nâng cao vai trò của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe
Ngày 4/7, Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chương trình phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối tới các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu kết luận. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, sau 5 năm triển khai Chương trình, mạng lưới y dược cổ truyền được củng cố và phát triển đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, cả nước có 66 bệnh viện y dược cổ truyền công lập và 10 bệnh viện y học cổ truyền tư nhân, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Tỷ lệ giường bệnh y học cổ truyền đạt 16% trên tổng số giường bệnh chung, tăng 2,7% so với 5 năm trước.
Trong giai đoạn 2020–2025, đã có 30 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia về y dược cổ truyền được phê duyệt và triển khai. Đáng chú ý, lĩnh vực phát triển dược liệu đã có bước đột phá, Việt Nam hiện ghi nhận hơn 5.100 loài thực vật, nấm, hàng trăm loài động vật, khoáng vật và tảo biển có công dụng làm thuốc. Đã có 25 tỉnh xây dựng được quy hoạch vùng trồng cây thuốc, các đơn vị và cơ sở thu mua dược liệu trong nước tăng, cơ sở nuôi trồng dược liệu phát triển mạnh mẽ.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, công tác phát triển y dược cổ truyền trong 5 năm qua vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có. Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và đề án quan trọng chưa hoàn thành như kỳ vọng.
Cũng theo Bộ trưởng Y tế, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y dược cổ truyền – cả về ngân sách, nhân lực và cơ sở vật chất – còn khiêm tốn. Cơ chế chính sách chưa theo kịp với sự phát triển của y học cổ truyền, tính khả thi chưa cao. Đầu tư nguồn lực chưa tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của y học cổ truyền…
Nêu ý kiến tại hội nghị, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nam, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương cho rằng, quan điểm kết hợp hai nền y học cổ truyền và y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và điều trị, dự phòng các bệnh không lây nhiễm là hết sức đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên để đạt được kết quả như mong muốn cũng như kỳ vọng của nhân dân trong “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của khoa học công nghệ”, thời đại ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 và chuyển đổi số thì các nhà quản lý, các nhà chuyên môn cần quan tâm phát triển đồng bộ cùng lúc các nội dung như: chính sách, kinh phí đầu tư hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, văn hóa sở thích, trong đó phải kể đến yếu tố nhân lực của ngành y học cổ truyền là then chốt. Việc đánh giá và đào tạo nhân lực thực tế hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền là yếu tố cần thiết, nhằm kế thừa, phát triển, hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực của y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại. Những tiềm năng to lớn, những cơ hội, thách thức đã và đang được thực tế hóa cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, bộ, ngành, đặc biệt là các chính sách, quyết định định hướng phát triển y dược cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bên cạnh đó, ông Vũ Nam khuyến cáo vấn đề về một số tiêu chuẩn đánh giá chưa đồng nhất giữa y học cổ truyền và y học hiện đại; nhiều vị thuốc, nam dược còn gặp nhiều khó khăn về vấn đề nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng...
Tiến sĩ, Thầy thuốc nhân dân Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng chương trình đào tạo lương y, từ đó góp phần chuẩn hóa đội ngũ thầy thuốc đông y, góp phần hạn chế tình trạng hành nghề không phép, sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, kém chất lượng gây ảnh hưởng sức khỏe người dân.
Trao đổi về ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ được giao xây dựng dự thảo Chỉ thị về tăng cường kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo nhằm phát triển nền y học cổ truyền Việt Nam trong giai đoạn tới. Trong đó có trách nhiệm của các bộ, ngành trong xây dựng cơ sở dữ liệu về dược liệu, vị thuốc, bài thuốc cổ truyền; tăng cường công tác quản lý, tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra hoạt động thông tin, quảng cáo về y dược cổ truyền, xử lý nghiêm các vi phạm; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực y dược cổ truyền chuyên sâu, chất lượng cao; nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo lương y;...

Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì Hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh vai trò của y dược cổ truyền, một bộ phận quan trọng của nền y học Việt Nam. Y dược cổ truyền đã đi cùng lịch sử dân tộc với tứ chẩn (vọng, văn, vấn, thiết – 4 phương pháp khám bệnh cơ bản trong y học cổ truyền). Hệ thống pháp luật hiện hành bao giờ cũng có một mảng về y dược học, tuy nhiên mức độ ở từng thời kỳ có sự khác nhau.
Theo Phó Thủ tướng, Chương trình phát triển y dược cổ truyền được triển khai nghiêm túc, với 4 kết quả tích cực. Một là, mạng lưới khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền được đầu tư xây mới, nâng cấp và mở rộng. Hai là, chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh ngày càng tốt hơn; tỷ lệ người bệnh được chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bằng y học cổ truyền ngày càng tăng; chất lượng dược liệu, thuốc y học cổ truyền được nâng lên. Ba là, xã hội hóa trong y học cổ truyền ngày càng phát triển; công tác đào tạo cán bộ y học cổ truyền và nghiên cứu khoa học được chú trọng. Giai đoạn 2017 - 2018 có 850 sinh viên tốt nghiệp, trong khi đó, giai đoạn 2022 - 2024 là 1.350 sinh viên. Bốn là, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền được quan tâm hơn.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế. Hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong Quyết định 1893 chưa đạt được. Phó Thủ tướng lấy ví dụ, số lượng tỉnh, thành phố (tính đến trước ngày 1/7) có bệnh viện y dược cổ truyền mới đạt 92% (mục tiêu là 95%). Tỷ lệ lượt khám bệnh bằng y dược cổ truyền, kết hợp y dược cổ truyền với y học hiện đại trên tổng số lượt khám, chữa bệnh chung chiếm 3,3%, trong khi mục tiêu đề ra là 15%.
“Có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi cho rằng một trong những nguyên nhân hết sức quan trọng là về nhận thức. Chưa có sự quan tâm đúng mức tới y dược cổ truyền. Đầu tư cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách chưa tiếp kịp yêu cầu", Phó Thủ tướng nói.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu quán triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư tại buổi làm việc với Bộ Y tế nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, đó là: “Phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Cần nâng cao vai trò của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong điều trị bệnh mãn tính và phục hồi chức năng; kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chẩn đoán và điều trị; đẩy mạnh nghiên cứu các bài thuốc dân gian, nâng cao tính khoa học của y học cổ truyền; đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu đông y, phát triển các phương pháp chữa bệnh hiệu quả bằng thảo dược; hỗ trợ đào tạo bác sĩ y học cổ truyền, mở rộng mô hình kết hợp đông - tây y”.
Dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong đào tạo nhân lực y tế, phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt trong điều trị các bệnh mãn tính, phục hồi chức năng, phòng bệnh bằng các phương pháp dưỡng sinh, thực dưỡng…
Cơ sở chính trị, quyết tâm, ý chí của người đứng đầu đã rõ thì bây giờ trách nhiệm của chúng ta là phải tổ chức thực hiện, làm sao y dược cổ truyền phải thực sự phát triển đúng tầm, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu kết luận. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Phó Thủ tướng đề nghị, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy; có những giải pháp hết sức cụ thể, khả thi, mang tầm chiến lược lâu dài; rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến y dược học cổ truyền.
Về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, Phó Thủ tướng đề nghị, phải có vị trí xứng đáng về mặt nghề nghiệp đối với y dược cổ truyền. Sớm hoàn thành thủ tục để xây dựng mới cơ sở 2 Học viện Y - Dược học cổ truyền Việt Nam.
Về khoa học công nghệ, Phó Thủ tướng cho rằng, phải có các nghiên cứu khoa học mang dấu ấn, nhấn mạnh ủng hộ ý tưởng có các sản phẩm tương tự như sản phẩm OCOP của y học cổ truyền Việt Nam. Phải có sự chuyển động đồng bộ của cơ quan bảo hiểm trong việc đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm này.
Về nguồn dược liệu, theo Phó Thủ tướng, nên học tập mô hình của Quảng Nam trước đây (nay là Đà Nẵng), với Đề án phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam, với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.
Phó Thủ tướng nhất trí với ý kiến về kết hợp 4 nhà, trong đó Nhà nước tạo điều kiện về cơ chế chính sách. Nhấn mạnh phải có khoa học công nghệ, theo Phó Thủ tướng, “có khi sản phẩm mình sản xuất ra rất tốt nhưng không biết vận chuyển, bảo quản, chế biến thì chất lượng lại giảm. Mà chỉ lệch một chút về quy trình, không đúng về mặt khoa học là mình không bán được”.
Khẳng định không thể thiếu vai trò của doanh nghiệp, Phó Thủ tướng nêu rõ, phải có các tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này, để hỗ trợ người nông dân, nhà khoa học tạo ra dược phẩm cụ thể.
Phó Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ liên quan; đề nghị Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến tại hội nghị để hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển y dược cổ truyền.