Nâng cao ý thức trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

Hiện nay, trong quá trình canh tác nông nghiệp, nhiều nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, khiến môi trường bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng.

Nông dân xã Hòa Tân Tây phun thuốc trên ruộng lúa. Ảnh: VĂN NAM

Nông dân xã Hòa Tân Tây phun thuốc trên ruộng lúa. Ảnh: VĂN NAM

Lúa hè thu đang trong giai đoạn trổ đòng, ông Trần Văn Cường ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa mua thuốc dưỡng hạt về phun 5 sào ruộng của gia đình. Ông Cường cho biết, không chỉ chờ đến khi lúa trổ mới phun thuốc, mà ngay từ khi gieo sạ nông dân đã phun thuốc để bảo vệ cây lúa. Nào là thuốc diệt ốc bươu vàng, chuột, cỏ dại, các loại sâu gây hại. Cả vụ lúa có ít nhất 4 lần phun các loại thuốc bảo vệ thực vật.

Tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác nông nghiệp được xem là thói quen khó bỏ của nhiều nông dân. Hễ họ thấy hoa màu bị sâu bệnh là dùng thuốc. Điều này rất dễ để lại lượng tồn dư thuốc do sử dụng không đúng liều lượng, chủng loại. Chưa hết, sau khi sử dụng, nhiều người vô tư vứt vỏ thuốc bừa bãi ra kênh mương, ao hồ, gây ô nhiễm môi trường - dù chính quyền địa phương bố trí nhiều bi bê tông trên các cánh đồng, tuyên truyền vận động để nông dân tập kết vỏ thuốc bảo vệ thực vật.

Theo điều tra của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), hằng năm có trên 5.000 trường hợp nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật phải cấp cứu tại bệnh viện và có trên 300 trường hợp tử vong. Tác hại của thuốc bảo vệ thực vật đối với cơ thể con người và môi trường xung quanh xảy ra khi thuốc được sử dụng không đúng các tiêu chuẩn quy định. Vì vậy, mọi người cần nâng cao ý thức

Chính quyền địa phương và ngành Nông nghiệp - Môi trường đã ban hành nhiều quy định hướng dẫn nông dân về cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, tuân thủ 4 đúng: đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc và đúng kỹ thuật. Đặc biệt, sau khi sử dụng xong, bao bì phải được thu gom và tiêu hủy đúng nơi quy định. Nông dân nên chuyển dần sang các loại thuốc sinh học, ít độc hại; không nên sử dụng liều lượng đậm đặc, vì đây là nguyên nhân chính khiến sâu bệnh kháng thuốc khó tiêu diệt được.

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và chính quyền địa phương, thì yếu tố quan trọng là người dân cần nâng cao nhận thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, có như vậy mới giảm thiểu những tác hại do thuốc bảo vệ thực vật gây ra.

NGUYỄN VĂN NAM

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/toa-soan-ban-doc/202504/nang-cao-y-thuc-trong-su-dung-thuoc-bao-ve-thuc-vat-1713bbc/