Nắng nóng cao điểm, nguy cơ gia tăng bệnh suy thận cấp do mất nước

Những ngày gần đây, cả nước đang phải trải qua đợt nắng nóng gay gắt, kéo dài, nhiệt độ tăng cao khiến nhiều bệnh nhân nhập viện cấp cứu do mất nước dẫn đến biến chứng nguy hiểm như rối loạn điện giải, suy thận cấp…

Suy thận cấp do nắng nóng

Mới đây, Khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đã tiếp nhận, điều trị một nam bệnh nhân bị suy thận cấp do mất nước khi lao động ngoài trời nắng nóng liên tục nhiều ngày.

Bệnh nhân T.T.A., 71 tuổi, sống tại Hà Nội nhập viện trong tình trạng mệt mỏi khi ăn uống bị nôn. Trước nhập viện 3 ngày, bệnh nhân đi làm ruộng từ 7 giờ đến trưa, giữa thời tiết nắng nóng. Suốt thời gian này, bệnh nhân chỉ mang theo 500ml nước để uống.

Nam bệnh nhân bị suy thận cấp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội).

Nam bệnh nhân bị suy thận cấp điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội).

Sang hôm sau, bệnh nhân xuất hiện tình trạng mệt mỏi, khó chịu, nôn khi ăn và uống nước. Bệnh nhân được đưa vào cơ sở y tế gần nhà để theo dõi, điều trị suy thận cấp do thiếu nước.

Sau điều trị, bệnh nhân xuất hiện biến chứng của suy thận cấp, tăng kali máu, tiên lượng phải lọc máu nên được chuyển đến Khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Sau 2 ngày điều trị, tình trạng của bệnh nhân dần ổn định, chức năng thận có dấu hiệu phục hồi.

Theo TS Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, với bệnh nhân suy thận cấp trong giai đoạn phục hồi sẽ tiểu nhiều hơn.

Do đó, trong giai đoạn này, các bác sĩ phải theo dõi sát việc tiểu tiện của bệnh nhân để có kế hoạch bù nước và điện giải phù hợp. Nếu không bù đủ dịch, điện giải trong giai đoạn này, bệnh nhân có nguy cơ rơi vào tình trạng rối loạn điện giải, mất nước.

Phân tích rõ hơn về cơ chế gây suy thận cấp của bệnh nhân, TS Nguyễn Văn Tuyên cho hay, trời nắng nóng khiến cơ thể mất nước nhiều, mất điện giải. Nếu không được bù nước đúng mức sẽ dẫn tới giảm thể tích tuần hoàn. Điều này đồng nghĩa với việc giảm cung lượng máu đến mô và các cơ quan, đặc biệt là thận sẽ gây ra tình trạng suy thận cấp.

“Trời nắng nóng, nếu người dân chỉ làm việc trong môi trường bình thường, không quá nặng nhọc thì mỗi ngày, chúng ta đã phải bù 3-4 lít nước. Với trường hợp phải làm việc trong môi trường nắng nóng khắc nghiệt như bệnh nhân trên thì mức bù nước phải nhiều hơn. Trong khi đó, bệnh nhân chỉ uống 500ml nước xuyên suốt buổi sáng” - TS Nguyễn Văn Tuyên phân tích.

Phòng tránh nguy cơ, biến chứng nặng do mất nước

Ngay những ngày đầu thời tiết nắng nóng, Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng đã tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhân bị rối loạn điện giải, suy thận cấp do cơ thể mất nước nhiều khi lao động ngoài trời nhiều giờ mà không bù đủ nước.

Điển hình như bệnh nhân L.V.T. (46 tuổi, trú tại huyện Bắc Yên, Sơn La) làm nghề xây dựng, lao động thời gian dài ngoài trời nắng nóng, cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng co rút các cơ toàn thân, đặc biệt vùng bắp chân, huyết áp tăng.

Trường hợp khác là bệnh nhân Đ.V.T. (64 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) làm nghề đi biển, nhập viện với biểu hiện triệu chứng tê bì chân tay, chuột rút liên tục, đau cơ.

Bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) khám cho bệnh nhân bị rối loạn điện giải, suy thận cấp do nắng nóng.

Bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) khám cho bệnh nhân bị rối loạn điện giải, suy thận cấp do nắng nóng.

Hai bệnh nhân trên đều có kết quả xét nghiệm máu cô đặc, tăng men gan, suy thận cấp. Sau 3 ngày điều trị tích cực, chức năng thận của các bệnh nhân đã ổn định, sức khỏe hồi phục tốt.

Bác sĩ Lương Minh Tuyến – Phó Trưởng Khoa Thận Lọc máu, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, trong thời tiết nắng nóng, người bệnh có thể bị mất nước, rối loạn điện giải với biểu hiện triệu chứng như: nhức đầu, mệt mỏi, lả người, ù tai, hoa mắt, tụt huyết áp, buồn nôn, tim đập nhanh và mạnh, chuột rút, tay chân co quắp, co giật… Nguy hiểm hơn là biến chứng suy thận cấp, sốc nhiệt, hôn mê và có thể tử vong.

Những trường hợp nhập viện do nắng nóng ở mức độ nhẹ có thể được điều trị tại khoa thường, bù nước và điện giải, tránh suy thận cấp. Bệnh nhân nặng bị sốc nhiệt có thể phải lọc máu, điều trị hồi sức tích cực.

Để phòng tránh tác hại nguy hiểm của nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân nên hạn chế đi ra ngoài trong khoảng thời gian nhiệt độ tăng cao từ 10 giờ đến 17 giờ. Người lao động hoặc di chuyển ngoài trời phải cần trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, các biện pháp chống nắng nóng.

Mỗi người cần cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày, hàng giờ để bù lượng nước mất đi. Đặc biệt, những trường hợp làm việc ngoài trời có thể phải bù 3 – 4 lít nước và nên bổ sung thêm điện giải tránh biến chứng suy thận cấp do mất nước. Cùng với đó, tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả hoặc uống nước ép trái cây để đảm bảo đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

Đặc biệt, các chuyên gia lưu ý, hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Khi sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại.

Nếu phát hiện người bị say nắng, cần đưa người bệnh ra khỏi môi trường nắng, đặt nằm ở nơi thoáng mát có bóng râm càng sớm càng tốt, nới lỏng quần áo, chườm mát bằng nước lạnh, bổ sung nước uống hoặc orezol... và chuyển ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để tránh nguy cơ, biến chứng nặng do mất nước, mất điện giải.

Giai đoạn nắng nóng cao điểm tiềm ẩn nguy cơ gia tăng suy thận cấp do mất nước. Trên thực tế, chỉ trong 2 tháng cao điểm nắng nóng của năm 2023, Khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cũng đã tiếp nhận 5 bệnh nhân suy thận cấp do mất nước. Do đó, trong điều kiện nắng nóng hiện nay, người dân cần đảm bảo bổ sung đủ nước và điện giải để tránh các vấn đề về sức khỏe, đặc biệt là suy thận cấp.

TS Nguyễn Văn Tuyên - Trưởng khoa Nội thận tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nang-nong-cao-diem-nguy-co-gia-tang-benh-suy-than-cap-do-mat-nuoc.html