Nắng nóng khiến châu Á càng phụ thuộc vào năng lượng của Nga
Nhiệt độ thiêu đốt tấn công một loạt nước châu Á trong những tuần gần đây. Và Moscow hiển nhiên hưởng lợi khi khu vực này cần năng lượng giá rẻ của Nga hơn bao giờ hết để đáp ứng nhu cầu điện tăng đột biến.
Giới chức trách ở các nền kinh tế châu Á đang lo lắng về việc đảm bảo các máy phát điện của họ được cung cấp đủ nhiên liệu trong năm có thể được xem là nóng nhất trong lịch sử. Khi họ sốt sắng tìm mua nguồn cung than, khí đốt và dầu nhiên liệu để duy trì các hoạt động kinh tế giữa lúc nhu cầu điện tăng cao trong làn sóng nhiệt, năng lượng bị phương Tây xa lánh của Nga đang ngày càng trở nên hấp dẫn.
“Nơi chịu tác động tồi tệ nhất hiện nay trong bối cảnh nhiệt độ thiêu đốt như thế này là khu vực Nam Á, đặc biệt là các nước nghèo như Pakistan hay Bangladesh. Khi bạn thậm chí không thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người dân, bạn khó có thể quan tâm đến các vấn đề quốc tế”, John Driscoll, giám đốc của JTD Energy Services, có trụ sở tại Singapore, nhận định.
Xuất khẩu than nhiệt lượng cao và khí đốt của Nga sang châu Á, hai loại nhiên liệu thường được sử dụng để sản xuất điện, tăng rõ rệt trong năm nay, theo số liệu từ Công ty dữ liệu hàng hóa Kpler.
Khối lượng than xuất khẩu của Nga sang châu Á tăng mạnh lên 7,46 triệu tấn trong tháng 4, cao hơn khoảng 1/3 so với một năm trước đó. Các lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga đến châu Á cũng đã tăng lên trong những tháng gần đây nhờ giá giảm mạnh.
Trong khi đó, khối lượng dầu mazut , một loại dầu bẩn hơn và rẻ hơn để sản xuất điện, mà châu Á nhập khẩu từ Nga lên các mức cao nhất trong tháng 3 và tháng 4, theo Kpler.
Động lực để châu Á mua nhiều hơn năng lượng của Nga có thể sẽ tăng lên do hiện tượng thời tiết El Ninõ đang hình thành, khiến nhiệt độ tăng vọt ở một số nơi trong khu vực trong thời gian gần đây. Việt Nam đối mặt nguy cơ thiếu điện trong tháng này, trong khi Myanmar đang vật lộn với tình trạng mất điện ngày càng trầm trọng.
Aniket Autade, nhà phân tích năng lượng của Rystad Energy, cho biết tại Ấn Độ, nhu cầu năng lượng tăng thêm do nhiệt độ cao có thể sẽ được đáp ứng chủ yếu từ nhiệt điện than.
Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước mua phần lớn dầu giá rẻ của Nga, cũng đang mua than, khí đốt và dầu nhiên liệu (dầu mazut) của nước này nhiều nhất. Họ mua hơn 2/3 lượng than của Nga bán sang châu Á vào tháng trước, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu của Kpler. Hàn Quốc chiếm 15% các lô hàng than xuất khẩu của Nga trong tháng 4. Trong khi đó, Việt Nam, Malaysia và Sri Lanka cũng nổi lên như những khách mua than đáng kể từ Nga.
Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cũng mua lượng dầu mazut lớn từ Nga. Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka có thể sẽ nhập khẩu thêm dầu mazut của Nga để sản xuất điện, theo dự báo Emma Li, nhà phân tích của Vortexa. Bà nói rằng khu vực Trung Đông gần đây đã tăng nhập khẩu dầu mazut của Nga và có sẽ tiếp tục như vậy trong mùa hè.
Pakistan cho biết trong tháng này họ muốn thanh toán dầu nhập khẩu từ Nga bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Gần đây, Pakistan đã đặt mua một lô hàng dầu thô của Nga và thanh toán bằng đô la Mỹ, nhưng nước này muốn có một thỏa thuận dài hạn để mua dầu Nga bằng đồng tiền Trung Quốc, Bộ trưởng Điện lực Pakistan Khurram Dastgir Khan cho hay
Theo Chris Wilkinson, nhà phân tích cấp cao về năng lượng tái tạo của Rystad, ngay cả Nhật Bản, đồng minh thân cận của Mỹ, cũng có thể tăng mua năng lượng của Nga trong thời gian tới.
“Nhật Bản có thể xem xét mua thêm LNG từ Nga theo các hợp đồng dài hạn hiện có, vì điều này tiết kiệm chi phí hơn so với mua trên thị trường giao ngay”, Wilkinson nói.
John Driscoll, giám đốc của JTD Energy Services, cho rằng việc nhiều nước châu Á ngày càng tăng mua năng lượng của Nga cho thấy ảnh hưởng đang suy giảm của Nhà Trắng và tình thế rủi ro của họ.
“Họ (các nước châu Á) đang tự hỏi nên mạo hiểm làm mất lòng Mỹ hay từ bỏ qua năng lượng giảm giá của Nga? Nhưng khi có một giao dịch hời, làm sao các nước nghèo có thể từ chối?”, Driscoll nói.
Theo Bloomberg