Nâng tầm nông sản địa phương

Trên những triền núi, đồi xanh thẳm, từng quả na, hồng được người dân thu hoạch, đóng gói cẩn thận, xếp ngay ngắn vào thùng in logo thương hiệu, sẵn sàng để chuyển tới các tỉnh, thành trong cả nước, nhiều nông sản khác cũng vậy. Ít ai biết rằng, chỉ vài năm trước, những sản phẩm này giá cả còn bấp bênh, thị trường tiêu thụ hẹp. Sự thay đổi ấy là minh chứng rõ nét cho hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) mà tỉnh đang tích cực triển khai.

Sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản được trưng bày tại Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng năm 2024

Sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản được trưng bày tại Ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng năm 2024

Trong những năm qua, cùng với sự chủ động của người dân, các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để xây dựng các sản phẩm OCOP.

Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2019 và nhanh chóng trở thành “cú hích” quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững, gia tăng giá trị. Đến nay, toàn tỉnh có 129 sản phẩm được chứng nhận OCOP còn thời hạn (3 sản phẩm 4 sao và 126 sản phẩm 3 sao), đó là những sản phẩm đặc trưng, mang đậm dấu ấn địa phương.

Từ những sản phẩm tươi như hồng không hạt Bảo Lâm, hồng Vành khuyên, na Chi Lăng, rau cải ngồng, rau cải làn... đến những sản phẩm được chế biến công phu như: tinh bột nghệ Hồng Nhung, trà diếp cá Lụa Vy, rượu men lá Hữu Lễ, vịt quay Hồng Xiêm... đều có những thay đổi rõ rệt. Các sản phẩm này không chỉ được đầu tư bao bì, mẫu mã mà còn được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và được dán tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Khách hàng tham quan, mua sắm tại gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh tại Hội chợ thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung (12/2024)

Khách hàng tham quan, mua sắm tại gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của tỉnh tại Hội chợ thương mại, du lịch quốc tế Việt - Trung (12/2024)

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Liên MC, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc cho biết: Trước đây, sản phẩm mắc ca của công ty chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Năm 2021, khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm macadamina Hoàng Liên được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và có bao bì, tem, nhãn mác rõ ràng, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, sản phẩm được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trên cả nước, đem lại doanh thu 4 – 6 tỷ đồng/năm.

Để có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương. Cụ thể, thực hiện các văn bản quy định, định hướng của Trung ương, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1533/QĐ-UBND ngày 13/8/2019 về việc phê duyệt Đề án “Chương trình OCOP tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2030 tiêu chuẩn hóa từ 135 đến 140 sản phẩm... Để triển khai hiệu quả chương trình, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 167/KH-UBND ngày 25/10/2019 về việc thực hiện Đề án Chương trình OCOP tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020; Kế hoạch số 129/KH-UBND ngày 5/6/2021 thực hiện Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025.

Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan đã chủ động thực hiện. Ông Hoàng Văn Chiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình OCOP, hằng năm, sở đều ban hành kế hoạch để thực hiện đề án chương trình OCOP và các văn bản tăng cường thực hiện chương trình OCOP, tiếp nhận hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng, ban, đơn vị trực thuộc sở; đồng thời, đề nghị các sở, ban, ngành UBND các huyện phối hợp triển khai thực hiện chương trình.

Cùng với đó, UBND các huyện, thành phố cũng đã chủ động ban hành kế hoạch triển khai hằng năm; kế hoạch thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm chủ lực, thế mạnh ở địa phương như: na, hồng, vịt quay, gà 6 ngón, thạch đen...

Bên cạnh đó, để thực hiện chương trình, các cấp, ngành đã tích cực phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về sự cần thiết, các nguyên tắc triển khai thực hiện, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, các cấp, ngành đã tổ chức, lồng ghép tổ chức trên 1.266 hội nghị tuyên truyền cho hơn 55.600 lượt người; cấp phát trên 55.600 bộ tài liệu; phối hợp tuyên truyền hơn 1.200 chuyên đề, tin, bài về xây dựng sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Thông qua công tác tuyên truyền, các cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân đã nâng cao nhận thức về ý nghĩa và lợi ích khi tham gia chương trình OCOP, khơi dậy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dân, từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tạo hướng đi mới cho các sản phẩm cũ có lợi thế ở khu vực nông thôn, từ đó góp phần tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Đến nay, toàn tỉnh có 129 sản phẩm được chứng nhận OCOP còn thời hạn (3 sản phẩm 4 sao và 126 sản phẩm 3 sao), đó là những sản phẩm đặc trưng, mang đậm dấu ấn địa phương. Theo đánh giá từ các chủ thể OCOP, các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP giá trị tăng trung bình từ 20 - 30% so với sản phẩm truyền thống.

Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Các sản phẩm OCOP hiện nay đã và đang có chuyển biến về quy mô, chất lượng, quy trình sản xuất cũng như bao bì, hệ thống nhận diện thương hiệu, từ đó, góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm. Theo đánh giá từ các chủ thể OCOP, các sản phẩm sau khi được chứng nhận OCOP giá trị tăng trung bình từ 20 - 30% so với sản phẩm truyền thống.

Vươn ra thị trường lớn

Không dừng lại ở việc chuẩn hóa sản phẩm, chương trình OCOP còn mở ra cơ hội lớn để nông sản của tỉnh vươn xa, khẳng định vị thế trên thị trường. Xác định rõ điều này, các cấp, ngành chuyên môn trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại nhằm đưa sản phẩm OCOP “ra khỏi lũy tre làng”. Từ các hội chợ, hội nghị cấp tỉnh, kết nối giao thương vùng miền, đến việc đưa sản phẩm vào siêu thị, cửa hàng nông sản sạch, đều được các đơn vị liên quan quan tâm, thực hiện thường xuyên.

Cụ thể từ năm 2019 đến nay, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho hơn 100 chủ thể với trên 100 loại sản phẩm OCOP tham gia trên 70 hội chợ, hội trợ triển lãm, diễn đàn, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài tỉnh... Việc tham gia các chương trình này là cơ hội để sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh được mở rộng ra thị trường các tỉnh, thành trong nước.

Điển hình như Hợp tác xã Dịch vụ và sản xuất nông nghiệp Đồng Bành, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Ông Hứa Quốc Công, Giám đốc hợp tác xã cho biết: Tháng 6/2021, hợp tác xã được thành lập với 56 thành viên liên kết với nhau để trao đổi kinh nghiệm chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 34,59 ha. Cuối năm 2021, được sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn huyện, hợp tác xã đã đăng ký sản phẩm na Chi Lăng tham gia chương trình OCOP và đạt sản phẩm OCOP 3 sao. Năm 2022, hợp tác xã tiếp tục cải tiến bao bì sản phẩm, nâng cao chất lượng để nâng sao giá trị sản phẩm, kết quả, sản phẩm na Chi Lăng đã đạt sản phẩm OCOP 4 sao. Từ khi “có sao” OCOP, sản phẩm na của hợp tác xã được UBND huyện hỗ trợ, đưa đi trưng bày, quảng bá tại các hội chợ. Nhờ đó, giá thành sản phẩm tăng (tăng 10.000 - 20.000 đồng/kg so với sản phẩm thông thường), thị trường tiêu thụ mở rộng đến các tỉnh, thành trong cả nước và được đưa vào hệ thống siêu thị tại Hà Nội. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, sản lượng na của hợp tác xã đạt khoảng 200 tấn, giá trị đạt 7 tỷ đồng.

Cùng đó, thời gian qua, các ngành, đơn vị liên quan đã triển khai hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP. Hiện toàn tỉnh có 13 điểm, cửa hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, trong đó có 3 điểm bán hàng được các đơn vị liên quan hỗ trợ chi phí thiết kế, mua sắm trang thiết bị và 10 điểm bán hàng do các doanh nghiệp, hợp tác xã tự đầu tư xây dựng. Từ các địa điểm này không chỉ tiêu thụ sản phẩm mà còn góp phần quan trọng quảng bá sản phẩm khi các du khách đến Lạng Sơn du lịch. Đồng thời, các chủ thể cũng tự quảng bá các sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội.

Nhờ đó, thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh được mở rộng ra khắp các tỉnh, thành như: thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang... thậm chí vươn ra thị trường quốc tế như: Đài Loan, Trung Quốc... Sự kết nối giữa sản phẩm với thị trường không chỉ tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, nâng tầm nông sản địa phương mà còn góp phần nâng cao giá trị vùng nguyên liệu, tạo việc làm tại chỗ, cho lao động nông thôn.

Chương trình OCOP đã và đang mở ra hướng đi bền vững cho lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ giúp nông sản của tỉnh “lên đời” về mẫu mã, chất lượng, mà còn xây dựng được thương hiệu mang đậm bản sắc vùng miền, đưa sản phẩm nông sản của tỉnh vươn xa. Thời gian tới, để chương trình OCOP thực sự là động lực trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, các cấp, ngành chuyên môn trên địa bàn tỉnh tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP về vốn, khoa học công nghệ, quảng bá và kết nối thị trường. Đồng thời, mỗi người dân, cán bộ cơ sở đến doanh nghiệp đều cần đóng vai trò là “đại sứ” cho sản phẩm quê hương mình. Bởi lẽ, khi nông sản mang bản sắc địa phương vươn tới thị trường rộng lớn, đó cũng chính là lúc hình ảnh vùng đất và con người Xứ Lạng được lan tỏa xa hơn, bền vững hơn.

CÁT TIÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/phat-trien-san-pham-ocop-nang-tam-nong-san-dia-phuong-5045155.html