Nên ăn quả vải vào thời điểm nào để có lợi cho sức khỏe?

Quả vải là loại trái cây nhiệt đới cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa lành mạnh. Thêm loại trái cây này vào chế độ ăn uống là một lựa chọn lành mạnh nhưng nên ăn vào thời điểm nào để có lợi cho sức khỏe?

1. Giá trị dinh dưỡng của quả vải

Nội dung

1. Giá trị dinh dưỡng của quả vải

2. Lợi ích sức khỏe của quả vải

3. Thời điểm tốt nhất để ăn vải

4. Tác dụng phụ của việc ăn quả vải

Quả vải chủ yếu bao gồm 85% nước và 16,5% carbohydrate. Một khẩu phần vải tươi 100g cung cấp các chất dinh dưỡng như sau:

Lượng calo: 66kcal
Chất đạm: 0,8g
Carb: 16,5g
Đường: 15,2g
Chất xơ: 1,3g
Chất béo: 0,4g

Quả vải giàu giá trị dinh dưỡng có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Quả vải giàu giá trị dinh dưỡng có nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Ngoài nước, quả vải còn có thành phần chủ yếu là carbs. Một quả vải tươi hoặc khô chứa 1,5 – 1,7g carbs. Phần lớn carbs trong quả vải có nguồn gốc từ loại đường tạo nên vị ngọt của chúng, quả vải tương đối ít chất xơ.

Quả vải là nguồn cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất:

Vitamin C: Vitamin có nhiều nhất trong quả vải. Một quả vải thiều cung cấp khoảng 9% lượng vitamin C tham chiếu hàng ngày.
Đồng: Vải là nguồn cung cấp đồng dồi dào.
Kali: Một chất dinh dưỡng thiết yếu có thể cải thiện sức khỏe tim mạch khi ăn đủ lượng.

Các hợp chất thực vật khác:

Giống như các loại trái cây khác, quả vải là nguồn cung cấp nhiều hợp chất thực vật chống oxy hóa. Trên thực tế, chúng đã được báo cáo là có chứa hàm lượng polyphenol chống oxy hóa cao hơn một số loại trái cây thông thường khác.

Chất chống oxy hóa trong quả vải:

Epicatechin: Một loại flavonoid có thể cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ ung thư và đái tháo đường.
Rutin: Một loại flavonoid có thể giúp bảo vệ chống lại các bệnh mạn tính, chẳng hạn như ung thư, đái tháo đường và bệnh tim mạch.
Oligonol: Oligonol là một loại polyphenol trọng lượng phân tử thấp dồi dào trong trái vải. Oligonol có các đặc tính chống oxy hóa và chống virus cúm... Một số nghiên cứu chỉ ra rằng oligonol có thể làm giảm mỡ bụng, mệt mỏi và viêm nhiễm...

2. Lợi ích sức khỏe của quả vải

Tăng cường khả năng miễn dịch

Quả vải là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào, có tác dụng kỳ diệu trong việc xây dựng khả năng miễn dịch. Trong 100g vải, tức là ăn khoảng 10 quả, nhận được 71,5mg vitamin C, góp phần rất lớn vào nhu cầu hàng ngày (75 - 90mg). Điều này cũng giúp xây dựng khả năng miễn dịch.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food Research International cho thấy nước ép vải thiều probiotic rất tốt cho chức năng điều hòa miễn dịch và hệ vi sinh vật đường ruột. Người ta thấy rằng nước ép vải thiều làm giảm bớt rối loạn chức năng miễn dịch và cải thiện vi khuẩn đường ruột.

Làn da khỏe mạnh

Quả vải cũng giúp làn da trông khỏe mạnh hơn vì nó giúp hỗ trợ sản xuất collagen. Collagen cần thiết để làm cho da trông săn chắc hơn cũng như cải thiện độ đàn hồi. Nó cũng giúp da mau lành hơn và bảo vệ da khỏi tác hại của ánh nắng mặt trời. Ngoài ra, còn giúp làm ẩm da, nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Acta Horticulturae.

Giúp gan khỏe mạnh

Polyphenol có trong quả vải giúp hỗ trợ điều trị tổn thương gan. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nutrients cho biết quả vải có thể giúp làm giảm tình trạng gan nhiễm mỡ hoặc tích tụ mỡ trong gan, cũng như rối loạn sinh lý đường ruột, vi khuẩn trong đường tiêu hóa ở những bệnh nhân mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Giảm nguy cơ ung thư

Quả vải có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư vú, ung thư ruột kết và ung thư gan. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports, cho thấy chiết xuất hạt vải thiều cũng có thể giúp làm giảm sự tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt, ngăn ngừa ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, ung thư đại trực tràng, ung thư gan và vòm họng...

Giàu chất chống oxy hóa

Chiết xuất quả vải chứa tỷ lệ polyphenol cao và có khả năng chống oxy hóa cao. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Food Chemistry cho biết quả vải có chứa epicatechin, giúp ích cho sức khỏe tim mạch và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cũng như đái tháo đường. Nó cũng giàu rutin là chất giúp chống lại các bệnh mạn tính.

3. Thời điểm tốt nhất để ăn vải

Trẻ em, người đái tháo đường, phụ nữ đái tháo đường thai kỳ không nên ăn nhiều vải.

Trẻ em, người đái tháo đường, phụ nữ đái tháo đường thai kỳ không nên ăn nhiều vải.

Mặc dù quả vải mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng chúng cũng có hàm lượng carbohydrate cao và cần được ăn đúng số lượng, đúng thời điểm. Thời điểm tốt nhất để ăn vải là vào buổi sáng. Điều này giúp hấp thụ tối đa chất dinh dưỡng. Có thể dùng nó như một bữa ăn nhẹ vào giữa buổi sáng. Tuy nhiên, nên ăn vải ở mức vừa phải vì quả vải có chứa đường.

Một người trưởng thành có thể ăn khoảng 10 - 12 quả vải trong một ngày. Nếu mắc bệnh đái tháo đường thì không nên ăn quá 6 - 8 quả vải mỗi ngày. Quả được tiêu thụ tốt nhất ở dạng trái cây tươi, vì nước trái vải đóng hộp thường có nhiều đường và chất bảo quản.

4. Tác dụng phụ của việc ăn quả vải

Có một số nhược điểm của việc ăn quá nhiều vải. Chúng có thể gây ra phản ứng dị ứng trong một số trường hợp.

Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, Hội Đông y Hà Nội, quả vải chứa nhiều chất dinh dưỡng, có tác dụng tốt cho sức khỏe, tuy nhiên vải có tính nóng, vị ngọt, chứa nhiều đường... nên một số người cần hạn chế ăn vải như trẻ em, người đái tháo đường, phụ nữ mang thai bị đái tháo đường thai kỳ, người thừa cân...

Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, mặc dù là loại quả ngon được nhiều người ưa chuộng nhưng chỉ nên tiêu thụ vải với lượng hợp lý để phòng tránh những tác hại từ loại quả này khi ăn quá nhiều.

Bảo Châu

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nen-an-qua-vai-vao-thoi-diem-nao-de-co-loi-cho-suc-khoe-169240623170028004.htm