Nên ăn ruột non hay ruột già?
Nhiều người thắc mắc ăn ruột non hay ruột già thì tốt hơn?
Theo BS Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ruột non là phần ruột đầu của con vật, thường được coi là phần mềm và có cấu trúc mỏng.
Ruột non chứa nhiều dưỡng chất như: protein, chất béo, vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, ruột non cũng có thể chứa các chất gây ô nhiễm từ thức ăn hoặc môi trường, đặc biệt khi con vật không được nuôi và chế biến đúng cách.
Trong khi đó, ruột già là một phần của hệ tiêu hóa động vật, có chức năng hấp thụ nước và chất dinh dưỡng dư thừa. Ruột già có thể chứa các chất cặn bã và chất thải, mang lại rủi ro ô nhiễm hoặc gây bệnh nhiều hơn.
"Bất kể chúng ta ăn loại nào thì cũng cần quan tâm đến an toàn và vệ sinh thực phẩm, bởi cả ruột non và ruột già đều tiềm ẩn rủi ro đối với sức khỏe", BS Thiệu nói.
Chuyên gia khuyến cáo rằng, người dân nên mua nội tạng tại những địa điểm uy tín, lựa chọn phần ruột từ các con vật khỏe mạnh và sơ chế thật sạch trước khi chế biến.
Việc ăn ruột non hay ruột già của động vật có thể liên quan đến các vấn đề về an toàn thực phẩm, vệ sinh và sở thích. Do đó, dù là ruột non hay ruột già thì cũng nên hạn chế.
Khi chế biến, các gia đình cần đảm bảo nội tạng được nấu chín hoàn toàn, sử dụng nhiệt độ cao và thời gian nấu đủ để diệt khuẩn, giun sán có thể tồn tại.
Nên chế biến và thưởng thức nóng để giảm nguy cơ nhiễm khuẩn. Nếu không dùng ngay, nên bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ phù hợp để ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn.
"Các loại thực phẩm giàu chất đạm như ruột nong hay ruột già là môi trường rất lý tưởng để các loại vi khuẩn gây ngộ độc sinh sôi. Do đó, dù đã nấu chín nhưng để ngoài môi trường thời gian dài cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn", BS Thiệu nói.
Nên ăn bao nhiêu nội tạng một tuần?
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, phần lớn các loại nội tạng đều chứa nhiều chất đạm, chất béo, các loại tim, gan chứa nhiều sắt và vitamin A. Nhưng nhược điểm chủ yếu là chứa nhiều chất béo, đặc biệt hàm lượng cholesterol rất cao nhất là trong óc, gan và bầu dục.
Tim, gan, bầu dục có tác dụng cung cấp sắt để chống thiếu máu thiếu sắt rất tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai cũng như phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Những loại này cung cấp nhiều vitamin A có tác dụng bổ mắt tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng ở trẻ em.
Nhưng ngược lại vì các loại nội tạng đều chứa nhiều cholesterol nên không phù hợp với người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh gút, bệnh thận, người thừa cân - béo phì...
Ngoài ra nếu không được chế biến hoặc nấu chín đúng cách, ruột có thể chứa vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc các chất gây hại khác, dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ngộ độc hoặc các bệnh nguy hiểm.
Do đó, các khuyến cáo cho thấy người lớn chỉ nên ăn nội tạng động vật 2-3 bữa/tuần, tương đương 50-70g mỗi lần. Trẻ em ăn 1-2 bữa/tuần, tương đương 30-50 g. Ngoài ra, nếu bạn bị gout thì nên tiết chế bởi các loại thịt nội tạng đặc biệt chứa nhiều purin, ăn nhiều sẽ nguy cơ tăng axit uric, khiến bệnh nặng thêm.
Khi ăn, nên lựa chọn các nội tạng còn tươi từ động vật không bị bệnh, sơ chế cẩn thận, rửa sạch bằng muối, trần nước sôi trước khi nấu. Nấu chín kỹ, không nên ăn tái. Người cao tuổi, béo phì, bệnh tim mạch, người mắc bệnh gan không nên ăn.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nen-an-ruot-non-hay-ruot-gia-ar878673.html