Nên bỏ quy định 'tháng lương liền kề'
Luật Việc làm được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 16-11-2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015. Lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản luật quy định đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các quan hệ về việc làm và thị trường lao động.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng, luật đã bộc lộ những điểm bất cập, ít nhiều không còn phù hợp, thậm chí gây khó như quy định về "tháng lương liền kề" để người lao động đi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi chấm dứt hợp đồng hoặc bị mất việc làm và rơi vào tình cảnh bị thất nghiệp hoặc quy định thời gian tối đa (3 tháng) để người lao động đi đăng ký, làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp sau khi nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.
Nhiều trường hợp sau khi xin nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động người lao động không thể làm thủ tục để hưởng trợ cấp thất nghiệp vì bị vướng điều kiện "tháng lương liền kề".
Thực tế, nhiều người lao động vì có công việc đột xuất tại quê nhà nên sau đó đã thỏa thuận, xin doanh nghiệp được nghỉ làm việc không hưởng lương. Sau đó, người lao động đã gửi đơn qua đường bưu điện xin doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng lao động với lý do "Vì hoàn cảnh gia đình neo đơn, khó khăn, cần sự giúp đỡ của bản thân".
Doanh nghiệp giải quyết đơn cho người lao động, thế nhưng vướng điều kiện "tháng lương liền kề". Dù bản thân nhiều người lao động có thâm niên đóng bảo hiểm thất nghiệp gần chục năm nhưng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp sau khi nghỉ việc.
Đó là chưa kể có những trường hợp người lao động bị ốm đau dài ngày, thậm chí bị ung thư và sau một thời gian dài điều trị xin nghỉ việc, xin chấm dứt hợp đồng nhưng khi đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng vướng quy định này.
Thiết nghĩ, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Việc làm kỳ này nên nghiên cứu, xem xét bỏ điều kiện "tháng lương liền kề". Bởi lẽ đây là quy định vừa không phù hợp với thực tiễn của người tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp lại vừa thiếu tính nhân văn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nen-bo-quy-dinh-thang-luong-lien-ke-196240408213840139.htm