Nên cân nhắc đưa phân bón vào nhóm chịu thuế 5%

Thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các đại biểu thuộc Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nam Định, Phú Thọ, Bình Dương) cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng khi áp thuế suất 5% một số hàng hóa, nhóm hàng hóa không chịu thuế GTGT sang chịu thuế suất thuế GTGT 5% đối với mặt hàng phân bón; tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) chuyển phân bón, tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển, các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ diện không chịu thuế sang nhóm hàng hóa áp dụng mức thuế suất 5%.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách có 2 luồng ý kiến về vấn đề này. Một luồng ý kiến đồng tình với nội dung của dự thảo Luật để giải quyết vướng mắc, bất cập kéo dài của chính sách thuế giá trị gia tăng hiện hành đối với các ngành sản xuất trong nước về các hàng hóa này. Một luồng ý kiến không tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc áp dụng thuế suất 5% sẽ làm tăng chi phí đầu vào của sản xuất nông nghiệp, tăng giá thành sản phẩm, giảm tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trong nước.

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nam Định, Phú Thọ, Bình Dương)

Các đại biểu thảo luận tại Tổ 19 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Nam Định, Phú Thọ, Bình Dương)

Theo ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ), việc đề xuất đưa nhóm hàng hóa này sang nhóm chịu thuế 5% là chưa phù hợp. Bởi với áp lực thuế suất 5% này sẽ làm tăng chi phí đầu vào cho sản xuất phân bón, dẫn đến tăng giá thành sản phẩm. Đầu ra của các dịch vụ này lại là đầu vào của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, do đó sẽ làm tăng giá thành của sản xuất nông nghiệp.

ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phát biểu

ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) phát biểu

Tuy nhiên, trong lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, Đảng và Nhà nước đang có rất nhiều chính sách ưu tiên để phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp. Cùng với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chúng ta phải giảm giá thành của các sản phẩm, tăng tính cạnh tranh. Chính vì vậy, nếu áp dụng 5% thuế giá trị gia tăng đối với phân bón sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp trong nước.

ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định) phát biểu

ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định) phát biểu

ĐBQH Khương Thị Mai (Nam Định) cũng đề nghị Chính phủ nên cân nhắc quy định này. Nếu tăng thuế suất lên 5% thì chi phí đầu vào mặt hàng phân bón của người nông dân sẽ cao lên, nhất là loại hình máy móc, thiết bị dùng cho nông nghiệp mà đối tượng sản xuất này được áp dụng đối với các chính sách miễn giảm thuế theo quy định của Luật hiện hành.

Về quy định hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với trường hợp người nộp thuế có tuân thủ không thuộc đối tượng rủi ro cao, đại biểu Khương Thị Mai cho rằng, cũng cần nghiên cứu lại. Vì theo Luật hiện hành, đối với người nộp thuế mà thuộc trường hợp tuân thủ không thuộc đối tượng thì hiện nay không phải được hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Lý do bởi cơ quan thuế cũng không đủ nhân lực để thực hiện toàn bộ việc kiểm thuế để phù hợp với nội dung hoàn thuế của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn lại chờ thêm thời gian để ngành thuế kiểm tra trước rồi hoàn sau thì sẽ mất nhiều thời gian, hoàn thuế chậm cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Khương Thị Mai, nên quy định ngay vào trong các tiêu chí phân loại người nộp thuế dựa trên các khung quản lý rủi ro để xây dựng hồ sơ được hoàn thuế. Nếu Chính phủ vẫn quy định nội dung này thì phải có quy định; nếu cơ quan thuế kiểm tra sau mà không bảo đảm thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp thì cũng phải có quy định rõ ràng; còn nếu tất cả đều hoàn thuế trước và kiểm tra sau thì nhân sự ngành thuế sẽ rất khó khăn.

Tin và ảnh: Hồ Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/nen-can-nhac-dua-phan-bon-vao-nhom-chiu-thue-5--i375645/