Nên chi bao nhiêu tiền cho robot hút bụi?

Với trên 10 triệu, người dùng có thể mua robot hút bụi đầy đủ chức năng cơ bản. Đây cũng là phân khúc được các hãng tập trung nhiều tính năng để tiếp cận khách hàng mới.

 Các mẫu robot hút bụi ở tầm giá trên 10 triệu hiện nay cũng đã có đầy đủ tính năng hút bụi, lau nhà và tự động làm sạch. Ảnh: Minh Khôi.

Các mẫu robot hút bụi ở tầm giá trên 10 triệu hiện nay cũng đã có đầy đủ tính năng hút bụi, lau nhà và tự động làm sạch. Ảnh: Minh Khôi.

Robot hút bụi đang trở thành món đồ gia dụng thông minh được nhiều người dùng lựa chọn. Sản phẩm này giúp căn hộ luôn được quét và lau thường xuyên, đặc biệt phù hợp với chung cư, nhà một sàn.

Tại thị trường Việt Nam, số liệu từ các hãng sản xuất cũng cho thấy thị trường đang có những bước tiến đáng kể. Chia sẻ vào đầu tháng 3, quản lý vùng của thương hiệu Ecovacs cho biết doanh thu tăng đến vài lần vào năm 2024, và mục tiêu năm 2025 vẫn là doanh số tăng gấp đôi.

Sự bùng nổ của robot hút bụi một phần đến từ tốc độ ứng dụng công nghệ. Nếu như cách đây 3 năm, trạm sạc robot, tự hút rác vào túi đựng, tự giặt và sấy giẻ là những tính năng chỉ có trên robot cao cấp, tầm giá xấp xỉ 30 triệu, thì hiện tại chỉ cần bỏ ra không đến 15 triệu, người dùng cũng có những lựa chọn với chức năng tương tự.

Phân khúc “đủ tính năng” giúp người dùng nhàn hơn

Đến năm 2025, ngoài hút bụi và lau nhà vốn đã phổ biến, robot hút bụi ở tầm giá 10-15 triệu còn có độ “tự động” cao để bớt việc cho người dùng. Cụ thể, robot cần có trạm xử lý để hút rác vào túi lớn sau mỗi lần làm sạch, có hộp chứa nước sạch và nước bẩn để tiếp nước, giặt giẻ sau khi lau, và có thêm bộ sấy khí nóng để làm khô giẻ lau, tránh bị mùi.

 Một số mẫu như N30 Pro của Ecovacs còn có thể tự thò giẻ ra khi lau nhà, giúp làm sạch hiệu quả hơn các cạnh tường. Ảnh: Minh Khôi.

Một số mẫu như N30 Pro của Ecovacs còn có thể tự thò giẻ ra khi lau nhà, giúp làm sạch hiệu quả hơn các cạnh tường. Ảnh: Minh Khôi.

Như vậy, sau bước thiết lập và tạo bản đồ, người dùng có thể cài đặt robot chạy theo ngày và không cần quan tâm việc bỏ rác trong hộc robot hoặc giặt giẻ sau mỗi lần chạy. Chủ nhà chỉ cần thay nước sạch, bẩn sau khoảng 3-4 ngày, và thay túi rác sau khoảng thời gian khoảng 3 tháng, giúp người dùng nhàn hơn nhiều.

Ở tầm giá này, người dùng cũng đang có nhiều lựa chọn. Ecovacs Deebot N30 Pro Omni, với giá niêm yết 11,9 triệu, có nhiều thông số đáng chú ý như lực hút bụi tối đa 10.000 Pa, miếng lau xoay, giặt giẻ lau tự động bằng nước nóng, có chức năng mở rộng chổi để lau ra sát chân tường, sấy khô bằng khí nóng.

Ngoài ra, sản phẩm này còn có một số tính năng trước đó được hãng đưa vào trên các mẫu cao cấp hơn, như chổi chống bám rối tóc, hay thông báo bằng tiếng Việt các trạng thái, vấn đề của robot, giúp người lớn tuổi, chưa có kinh nghiệm dùng các sản phẩm công nghệ dễ tiếp cận hơn.

 Nhiều mẫu robot ở tầm giá dưới 15 triệu đã có chổi chống rối tóc, tính năng trước đây chỉ có trên dòng cao cấp. Ảnh: Xuân Sang.

Nhiều mẫu robot ở tầm giá dưới 15 triệu đã có chổi chống rối tóc, tính năng trước đây chỉ có trên dòng cao cấp. Ảnh: Xuân Sang.

Trong phân khúc này, Roborock cũng có mẫu Q Revo (10,9 triệu), ra mắt năm 2023. Sản phẩm cũng có đủ tính năng tự động, hút và lau cơ bản, tự hút rác vào túi lớn và giặt, sấy giẻ. Ưu điểm của sản phẩm này còn ở túi rác và dung tích bình nước lớn. Tuy nhiên do ra mắt từ lâu, một số thông số của mẫu Q Revo thua kém các mẫu mới hơn như lực hút 5.500 Pa, hay không thể xòe giẻ để lau sạch hơn ở góc.

Bỏ thêm tiền, người dùng được gì

Ở tầm giá cao hơn, các robot thường được tích hợp những tiến bộ mới về công nghệ, từ tính năng hút, lau đến định hướng.

Từ cuối 2023, các hãng bắt đầu chạy đua về việc cắt giảm cụm LiDAR định hướng phía trên. Ecovacs đưa ra cụm định vị 3D, tích hợp vào phần thân, sau đó Roborock cũng đưa ra cụm định hướng “thò thụt”, có thể rút vào thân khi cần.

Việc bỏ cụm định hướng giúp giảm chiều cao tổng của robot, cho phép sản phẩm dễ đi vào những nơi như gầm giường, gầm tủ để làm sạch. Hiện tại mẫu mỏng nhất là Ecovacs Deebot T50 Pro (17,9 triệu) với chiều cao 8,1 cm, trong khi Dreame X50 Ultra (28,5 triệu) có chiều cao 8,9 cm khi rút cụm định hướng vào thân.

Ở phân khúc cao cấp, Dreame X50 Ultra cũng có tính năng đặc thù như chân cơ học để nâng robot, giúp sản phẩm đi qua được các gờ có chiều cao tới 6 cm. Roborock cũng có giải pháp tương tự với mẫu Saros 10, nhưng độ cao vượt qua được là 4 cm.

 Các mẫu cao cấp thường được tích hợp tính năng độc đáo, như chân để "trèo" qua gờ của mẫu Dreame X50 Ultra. Ảnh: Zdnet.

Các mẫu cao cấp thường được tích hợp tính năng độc đáo, như chân để "trèo" qua gờ của mẫu Dreame X50 Ultra. Ảnh: Zdnet.

Các robot tầm trung, cao thường được trang bị thêm camera để tăng khả năng nhận biết, tránh vật thể. Camera này cũng có thể sử dụng với chức năng giám sát, thậm chí là phát thông báo cho người ở nhà.

Với tính năng hút bụi, các mẫu cao cấp thường có lực hút lớn trên 10.000 Pa, giúp robot hút được rác có kích thước vừa phải tốt hơn. Ngoài ra, các hãng cũng đang tìm cách cải thiện khả năng lau. Cuối năm 2024, Ecovacs đưa con lăn giống như trên các cây lau nhà vào mẫu X8 Pro. Thiết kế này giúp tăng áp suất lau sàn, cùng với hệ thống làm sạch con lăn ngay khi đang di chuyển, có thể giúp tăng hiệu quả làm sạch của robot đáng kể. Con lăn lau sàn có thể được hãng đưa vào các mẫu tầm trung trong thời gian tới.

Để sở hữu những tính năng tiên tiến hơn, người dùng sẽ phải bỏ ra mức giá từ 20 triệu cho các mẫu tầm cận cao cấp, đến gần 30 triệu cho các mẫu đầu bảng của hãng. Đây là con số dành cho những người có điều kiện, hoặc đã có trải nghiệm công nghệ đủ để biết mình cần những tính năng gì.

Với phần lớn người dùng, các dòng sản phẩm ở tầm giá 15 triệu có giá trị cao nhất. Các hãng coi đây là phân khúc chủ lực, đưa các tính năng đã được tích hợp trên dòng trung cấp, cao cấp để tiếp cận những người dùng mới. Ở tầm giá thấp hơn, robot không đủ các tính năng tự động, người dùng vẫn phải dọn nhiều.

Minh Khôi

Nguồn Znews: https://znews.vn/nen-chi-bao-nhieu-tien-cho-robot-hut-bui-post1541987.html