Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng, quốc phòng - an ninh đảm bảo

Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024, trong tuần làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (từ ngày 27 đến 31/5), các đại biểu Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ đã có những giải pháp, chỉ đạo điều hành quyết liệt, cùng với những quyết sách của Quốc hội đã giúp kinh tế - xã hội nước ta đạt được kết quả rất tích cực. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao so với các nước trên thế giới và những tháng đầu năm 2024 đạt 5,66%. Bốn trụ cột của nền kinh tế đều tăng trưởng, kinh tế vĩ mô ổn định, quốc phòng, an ninh đảm bảo, đời sống của nhân dân được cải thiện.

Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu tại phiên thảo luận ngày 29/5. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Phạm Đình Thanh phát biểu tại phiên thảo luận ngày 29/5. Ảnh: Phạm Thắng

Đánh thức tiềm năng phát triển của địa phương

Đề xuất giải pháp phát triển kinh tế địa phương, đại biểu Trần Thị Thu Phước, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum chỉ ra rằng, để đánh thức được tiềm năng phát triển của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn thì con đường đúng đắn nhất là phải có sự đầu tư, phát triển mạnh mẽ về văn hóa, du lịch.

Bà Phước cho biết, nhiều địa phương, trong đó có Tây Nguyên, tuy có những khó khăn về điều kiện đường sá, sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhưng bù lại, những nơi này có những cảnh quan tươi đẹp, nhiều di tích lịch sử, nhiều nét văn hóa đa dạng. Những điều kiện này nếu được quan tâm đầu tư, khai thác, không chỉ góp phần thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, phát triển kinh tế, xã hội, mà còn là con đường tất yếu để bảo tồn các di tích lịch sử, danh lam, thắng cảnh.

Do đó, cần quan tâm bố trí đúng, đủ nguồn lực cho Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026- 2030, tầm nhìn 2045. Có cơ chế khuyến khích người đứng đầu các địa phương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; chủ động nỗ lực hết mình để có chính sách, cách làm phù hợp, đột phá, giúp địa phương mình phát triển đi lên cùng đất nước. Quyết tâm cải thiện, đưa người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương mình vươn lên thoát nghèo bền vững.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Đình Thanh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đề xuất các giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Trong đó, về sản xuất nông nghiệp, cùng với việc tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng để có bước chuyển nhanh từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Có các cơ chế, chính sách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương tận dụng tối đa lợi thế hiện có phục vụ cho phát triển nông nghiệp đạt hiệu quả cao và bền vững.

Thực hiện tốt công tác đánh giá, phân tích, dự báo, nhất là dự báo về biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, từ đó, có định hướng và các giải pháp phù hợp cho từng năm, từng giai đoạn đối với từng vùng, miền. Điều này cũng giúp cho việc phát triển nông nghiệp đạt mức độ an toàn cao, phát huy hiệu quả, chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại trong trường hợp có thiên tai, sự cố xảy ra, khắc phục cho được tình trạng bị động ứng phó trong thời gian qua.

Về phát triển hạ tầng giao thông, cần tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, có giải pháp cụ thể để chủ động về nguồn vật liệu, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, giao thông liên kết vùng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, đề án được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 152 ngày 15/11/2022, nhất là đối với nhóm đề án về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên.

Quan tâm bố trí thỏa đáng về kinh phí để đầu tư các tuyến cao tốc, hệ thống quốc lộ theo quy hoạch vàng lưới giao thông đã được phê duyệt. Ưu tiên thỏa đáng đối với các tuyến quốc lộ đi qua vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, giúp cho các tỉnh Tây Nguyên phát huy tốt vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển vùng Tây Nguyên theo đúng quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về nuôi trồng, phát triển cây dược liệu trong các loại rừng. Chủ trương cho phép nuôi trồng, phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong các loại rừng đã được cụ thể hóa tại Điều 248 Luật Đất đai sửa đổi năm 2024...

Huy động tối đa nguồn lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Góp ý về vấn đề phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Đoàn Thị Lê An, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia. Đồng thời, rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong các dự án trọng điểm quốc gia.

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất tập trung đầu tư nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Bích Nguyên

Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất tập trung đầu tư nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: Bích Nguyên

Xuất phát từ thực tiễn công tác tại cơ sở và tiếp thu các kiến nghị của cử tri tại địa bàn ứng cử, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị, cần quan tâm đến vấn đề đầu tư nguồn lực cho chương trình phát triển điện lưới khu vực nông thôn, hải đảo, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội, đặc biệt là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Hoàng Thị Đôi, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La cho biết, theo báo cáo, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều ở các huyện nghèo và dân tộc thiểu số đều đạt chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao. Công tác xóa đói giảm nghèo có tiến bộ, song qua giám sát và nắm tình hình đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy, còn rất nhiều khó khăn, công tác giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Chênh lệch mức sống giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của cả nước chậm được thu hẹp ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Mức độ tiếp cận các dịch vụ về giáo dục, y tế, văn hóa tuy đã được nâng lên, nhưng so với mặt bằng chung còn thấp. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt còn chưa được giải quyết triệt để. Tình hình thiên tai, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, gây thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến kinh tế và đời sống của nhân dân...

Từ thực trạng trên, bà Đôi đề nghị, Chính phủ cần rà soát, đánh giá sát hơn về thực trạng nghèo ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Theo đó, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và phù hợp hơn.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nen-kinh-te-tiep-tuc-tang-truong-quoc-phong-an-ninh-dam-bao-post476528.html