Nền móng vững chắc cho tương lai
Tinh gọn bộ máy quản lý, tổ chức bộ máy chính quyền phục vụ người dân,… là nền móng vững chắc cho giai đoạn phát triển mới của đất nước
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG
Mở rộng không gian phát triển
Đất nước đang thực hiện cuộc cách mạng về cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy; đồng thời hoàn thành sáp nhập, điều chỉnh địa giới hành chính theo hướng mở rộng không gian phát triển cho các địa phương, phân cấp để địa phương được làm, tự quyết và tự chịu trách nhiệm.
Từ bước ngoặt trên, chính quyền địa phương cấp tỉnh sẽ có được dư địa lớn, đặc biệt trong bối cảnh thực hiện mục tiêu tăng trưởng trên 10%, mỗi địa phương sẽ phải có nhiều sáng kiến, sáng tạo hơn trong việc thực hiện giải pháp huy động, sử dụng và bố trí nguồn lực phát triển kinh tế. Trong đó, việc sáp nhập địa giới hành chính tạo ra các mô hình mới tại đô thị lớn trên cả nước, đó là sau khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu với TP HCM sẽ mở ra không gian phát triển lớn, không nơi nào bằng. TP HCM mở ra cơ hội, cơ cấu lại, phân bố lại lực lượng sản xuất. Quan điểm của tôi là có thể đưa cảng về địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu cũ; sắp xếp lại khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng công nghiệp chuyển nhiều hơn về Bình Dương cũ. Từ đó, TP HCM tập trung vào tăng trưởng dịch vụ, ngành công nghệ cao gắn với chuyên môn hóa.
Khi giới hạn về địa giới hành chính trong phát triển không còn, các địa phương có thể bố trí nguồn lực và không gian phát triển hợp lý hơn, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương.
Ông LÊ HỮU NGHĨA, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, Chủ tịch Hội DN Tây Sài Gòn:

Ông LÊ HỮU NGHĨA
Kỳ vọng bứt phá
Tôi tin rằng chính quyền địa phương 2 cấp vận hành thì các thủ tục hành chính sẽ nhanh hơn vì không còn cấp trung gian. Tất cả vấn đề của người dân, doanh nghiệp (DN) sẽ được chính quyền cấp phường giải quyết dứt điểm, khó khăn lắm mới chuyển lên thành phố.
Đối với các DN sản xuất - kinh doanh, đầu tư thêm dự án thì không mất nhiều thời gian vì không phải qua các cấp trung gian nhiều. Ví dụ trước đây DN xin giấy phép cho một dự án xây dựng phải nộp hồ sơ đến các sở: Quy hoạch Kiến trúc, Xây dựng, Giao thông Vận tải, UBND phường/xã, UBND quận/huyện thì nay chỉ phải nộp hồ sơ đến Sở Xây dựng và UBND phường/xã, là cơ sở để đẩy nhanh quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
Ngoài ra, TP HCM mới với diện tích mở rộng do sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ được cung cấp quỹ đất lớn để đầu tư phát triển. Việc mở rộng địa bàn TP HCM cũng mở rộng thị trường, thị phần cho DN. Bên cạnh đó, cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải giúp thành phố tăng thêm lợi thế trong xuất nhập khẩu, logistics…
Thực tế là từ đầu năm đến nay, mặc dù kinh tế Việt Nam ghi nhận tăng trưởng nhưng DN vẫn còn khó khăn. Hy vọng khi sáp nhập xong, đâu vào đó sẽ đẩy nhanh giải quyết thủ tục hành chính hỗ trợ DN kinh doanh - sản xuất.
Ông PHẠM VĂN VIỆT, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may thời trang TP HCM:

Ông PHẠM VĂN VIỆT
Mong chờ hệ sinh thái gắn kết chặt chẽ
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập sâu rộng, DN kỳ vọng việc sáp nhập, mở rộng địa giới hành chính sẽ mở ra không gian phát triển minh bạch, bền vững, có chiều sâu, biến TP HCM thành trung tâm kinh tế, giáo dục, công nghệ cao, du lịch… Khi thành phố có thêm quỹ đất, nhân lực, hạ tầng kết nối, chuỗi cung ứng… sẽ sớm tháo gỡ khó khăn về đất đai cho sản xuất, công nghiệp, dịch vụ.
Cộng đồng DN rất mong TP HCM sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ mới, phát triển khu công nghiệp hiện đại như Bình Dương, rút ngắn chi phí logistics, tiếp cận rộng rãi thị trường. Chúng tôi tin tưởng vào tầm nhìn, chiến lược đổi mới của Đảng, Nhà nước, cải cách thủ tục hành chính, tinh gọn bộ máy, chính quyền số. Đây là cơ hội tạo dựng hệ sinh thái bền vững, gắn kết giữa DN, chính quyền, hiệp hội, hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thực tế cho thấy DN không thể đơn độc, mà cần một hệ sinh thái được kết nối chặt chẽ với chính quyền, hiệp hội và thị trường. Chúng tôi kỳ vọng, với sự đồng thuận từ Trung ương đến địa phương, việc sáp nhập lần này sẽ trở thành một bước ngoặt chiến lược để DN, nhất là DN khu vực kinh tế tư nhân, phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tới.
Bà TRẦN THỊ PHƯỢNG (78 tuổi; Bí thư Chi bộ Khu phố 4, phường Bình Thới, TP HCM):

Bà TRẦN THỊ PHƯỢNG
Tin tưởng vào sự vận hành của bộ máy mới
Sau khi nghỉ hưu, tôi tham gia công tác tại địa phương với nhiều vai trò khác nhau. Vì vậy khi có mặt trong buổi lễ sáng 30-6, tôi rất xúc động và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong công cuộc vận hành chính quyền địa phương 2 cấp và sẽ chính thức hoạt động vào ngày 1-7.
Tôi rất kỳ vọng những thay đổi từ hôm nay sẽ đưa phường Bình Thới nói riêng và TP HCM nói chung phát triển mạnh hơn, nhanh hơn và đẹp hơn, xanh hơn, đáng sống hơn. Khi cán bộ phường được thừa hưởng kinh nghiệm làm việc từ quận trước đây, có tăng cường, tinh lọc từ địa phương thì chắc chắn sẽ mạnh hơn, giỏi hơn và chuyên nghiệp hơn. Tôi mong rằng công tác phục vụ nhân dân sắp tới phải thật tinh gọn, ít thủ tục rườm rà phiền hà người dân. Quan trọng hơn là làm sao để người dân luôn được thuận lợi nhất khi làm các thủ tục hành chính.
Ông ĐỖ THÀNH QUÂN (phường Bắc Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa):

Ông ĐỖ THÀNH QUÂN
Nâng cao hiệu quả quản lý
Mong rằng sau lần sáp nhập này tỉnh Khánh Hòa sẽ có được bộ máy chính quyền vững mạnh, người dân đoàn kết, cùng nhau hội nhập và phát triển kinh tế, xây dựng tỉnh Khánh Hòa giàu mạnh hơn. Tôi cũng hy vọng việc tinh gọn bộ máy chính quyền sẽ nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch, tiết kiệm thời gian, giảm bớt gánh nặng giấy tờ thủ tục, lấy mục tiêu phục vụ cộng đồng, người dân làm tiêu chí hàng đầu.
Thời gian đầu tôi cho rằng người dân vẫn còn bỡ ngỡ, lúng túng khi áp dụng công nghệ mới vào các lĩnh vực, nhất là hành chính công. Tôi hy vọng chính quyền mới sẽ có các phương pháp để hỗ trợ người dân tiếp cận, hướng dẫn cụ thể, qua đó thấy rõ sự thay đổi trong cách phục vụ và tạo niềm tin với mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Tôi tin mô hình sẽ nhanh chóng đi vào vận hành ổn định, xây dựng nền hành chính hiện đại, minh bạch hơn.
Ông TRẦN MẠNH CƯỜNG (ngụ đặc khu Côn Đảo, TP HCM):

Ông TRẦN MẠNH CƯỜNG
Cơ hội phát huy tiềm năng, lợi thế
Tôi tin rằng việc chuyển đổi mô hình hành chính mới sẽ mở ra cơ hội để cải cách mạnh mẽ nền hành chính, ứng dụng công nghệ vào quản lý và phục vụ người dân, DN tốt hơn; đồng thời đưa Côn Đảo tiếp cận gần hơn với tiêu chuẩn của một đô thị thông minh, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và hấp dẫn về du lịch.
Tôi kỳ vọng bộ máy mới được sắp xếp gọn nhẹ nhưng sẽ hoạt động hiệu quả. Quan trọng nhất là phải gần dân, hiểu dân và hành động vì dân, là cầu nối giữa chính quyền TP HCM với nhân dân. Vì Côn Đảo là địa bàn đặc thù, xa đất liền, khó khăn trong việc đi lại, nhất là khi gặp biển động, thời tiết xấu. Đây là vùng đất có giá trị lịch sử, tâm linh và thiên nhiên đặc biệt. Tôi kỳ vọng mô hình chính quyền mới không chỉ giúp quản lý hiệu quả hơn mà còn góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa lịch sử, phát huy tiềm năng lợi thế, khai thác có hiệu quả đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững cho thế hệ mai sau.
Bà HỒ THỊ MỸ DUNG (70 tuổi; ngụ phường Cầu Ông Lãnh, TP HCM):

Bà HỒ THỊ MỸ DUNG
Lớn hơn, mạnh hơn
Sống hơn 30 năm trên địa bàn phường, đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến không khí người dân háo hức trước sự đổi mới về địa lý hành chính. Phường mới lớn hơn, mạnh hơn và đông dân hơn vì thế người dân chúng tôi rất mong thuận tiện hơn trong việc làm hồ sơ, giấy tờ. Mong sao Đảng ủy, HĐND, UBND… phường Cầu Ông Lãnh lãnh đạo, đưa ra nhiều chính sách để phường Cầu Ông Lãnh xứng đáng là phường trung tâm của TP HCM. Tôi cũng mong Đảng ủy, chính quyền phường quan tâm phát triển đời sống người dân, chỉnh trang đô thị, phát triển văn hóa, giáo dục... phục vụ người dân tốt hơn.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nen-mong-vung-chac-cho-tuong-lai-196250630231729859.htm