Chấn thương hàm mặt: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và biện pháp dự phòng

Chấn thương hàm mặt gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân, cơ chế khác nhau. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu nhất là do tai nạn giao thông, sinh hoạt hàng ngày bị ngã, vật nuôi tấn công…

Nội dung

1. Tổng quan về chấn thương hàm mặt

2. Nguyên nhân gây chấn thương hàm mặt

3. Triệu chứng chấn thương hàm mặt

4. Chẩn đoán và điều trị chấn thương hàm mặt

5. Phòng ngừa chấn thương hàm mặt

1. Tổng quan về chấn thương hàm mặt

Tình trạng bị chấn thương hàm mặt xảy ra khi bạn gặp phải tai nạn ngoài ý muốn trong sinh hoạt hoặc các hoạt động như tham gia giao thông, tập luyện, bị vật nuôi cắn, bị ngã…

Chấn thương hàm mặt gồm nhiều loại khác nhau vô cùng đa dạng, có thể kể tới như tình trạng gãy xương khu vực ổ răng, thân răng hoặc chân răng, gãy xương gò má… Bên cạnh đó, một số bệnh nhân sau khi gặp tai nạn được chẩn đoán gãy xương hàm dưới, hàm trên, gò má.

Ở người lớn tuổi do tuổi cao, sức yếu và mắc bệnh nền như tăng huyết áp, hạ đường huyết…rất dễ bị choáng, vấp ngã khi đi lại.
Ở trẻ em, chấn thương hàm mặt có thể xảy ra do tai nạn sinh hoạt té ngã, do các vật dụng, đồ chơi sắc nhọn, hay cũng có thể do bị vật nuôi tấn công.

Chấn thương hàm mặt gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân, cơ chế khác nhau. Ảnh minh họa

Chấn thương hàm mặt gặp ở mọi lứa tuổi, do nhiều nguyên nhân, cơ chế khác nhau. Ảnh minh họa

2. Nguyên nhân gây chấn thương hàm mặt

Đa phần đều là nguyên nhân chủ quan, do đó các bạn có thể chủ động phòng tránh, bảo vệ bản thân mình.

Tai nạn giao thông được cho là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương hàm mặt, nhất là với những người tham gia giao thông bằng xe máy, xe đạp và không đội mũ bảo hiểm. Thói quen phóng nhanh, vượt ẩu kèm chất lượng cơ sở vật chất là yếu tố làm gia tăng tỷ lệ gặp tai nạn giao thông.
Tai nạn lao động. Tình trạng này xảy ra do người lao động chưa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong quá trình lao động hoặc doanh nghiệp chưa đảm bảo sự an toàn cho người lao động.
Tai nạn trong sinh hoạt hoặc do động vật cắn, đánh nhau, ngã, do hỏa khí có thể khiến bạn phải đối mặt với chấn thương ở vùng hàm mặt.

3. Triệu chứng chấn thương hàm mặt

Đặc điểm của chấn thương hàm mặt được chia làm 2 phần:

Chấn thương phần mềm

Vết thương sây sát da. Vết thương làm tổn thương các mao mạch gây chảy máu và đứt các đầu mút dây thần kinh cảm giác ở mặt da làm bệnh nhân rất đau.
Vết thương đụng giập: do vật đầu tù đụng chạm tổn thương phần mềm gây xuất huyết và tụ máu dưới da.
Vết thương rách da: Do vật sắc tác động gây rách da, hình thái tổn thương có thể đơn giản, phức tạp, từ nông đến sâu sát xương.
Vết thương xuyên: do các vật nhọn xuyên qua tổ chức dưới da và thường tận cùng gây vỡ các hốc tự nhiên như xoang hàm trên, khoang miệng, hốc mũi...
Vết thương do hỏa khí: như đạn bắn vào... thường lỗ vào nhỏ, lỗ ra to, gây mất tổ chức, vết thương bị xé toác rộng.
Vết thương thiếu hổng tổ chức: tổn thương gây mất tổ chức, có thể mất một diện da, cơ bám da hay xương hàm.
Vết thương bỏng: có thể do lửa, nước sôi, hóa chất (acid).

Chấn thương xương

Gãy xương hàm trên. Sưng nề nhanh ở tầng giữa mặt nhất là má và xung quanh ổ mắt. Đau ở vùng bị gãy xương, đau tăng khi há miệng, ngậm miệng, khi cắn chặt hai hàm răng với nhau. Chảy máu mũi…
Gãy xương hàm dưới. Gãy xương hàm dưới có thể kết hợp với gãy xương hàm trên hoặc gãy xương gò má hoặc kết hợp với đa chấn thương mà có các triệu chứng cơ năng, toàn thân, thực thể khác nhau. Đau, sưng nề nhanh vùng hàm dưới bị tổn thương, đau tăng khi vận động hàm dưới (há, ngậm miệng, nhai).
Hạn chế hoặc không thể vận động được hàm dưới (do đau, sưng nề, do di lệch sai khớp cắn).

4. Chẩn đoán và điều trị chấn thương hàm mặt

Các biện pháp chẩn đoán

Khám ngoài mặt: Ấn vùng bờ dưới, bờ trong ổ mắt, mặt trước xoang hàm thấy điểm đau chói, gờ bất thường hoặc thấy dấu hiệu lạo xạo của xương gãy.
Chụp X-quang để phát hiện đường gãy và đánh giá chính xác mức độ di lệch của đường gãy cần cho chụp X quang.

Các biện pháp điều trị bệnh

Xử trí cấp cứu chấn thương hàm mặt

Điều này phụ thuộc vào chấn thương cụ thể của người bệnh, mức độ nghiêm trọng của nó và liệu người bệnh có bất kỳ vấn đề nào khác vào thời điểm đó không thì bác sĩ sẽ có nhiều phương pháp điều trị khác nhau như:

Rửa vết thương, cắt lọc vết thương và băng bó.
Phương pháp điều trị bảo tồn: nắn chỉnh và cố định hàm, áp dụng cho các trường hợp gãy đơn giản, di lệch ít.
Chỉ định phẫu thuật chấn thương hàm mặtđược áp dụng cho trường hợp cụ thể, dựa vào vị trí xương gãy, mức độ di lệch và tình trạng chung của bệnh nhân. Phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng trong trường hợp gãy xương phức tạp, gãy xương di lệch nhiều hay nắn chỉnh đơn thuần không có kết quả, gãy xương đến muộn có khớp giả, gãy xương có can lệch.

Sau khi nắm được các loại chấn thương hàm mặt thường gặp, chúng ta nên tìm hiểu cách sơ cứu, xử trí khi gặp phải bệnh nhân bị chấn thương.

Sau khi nắm được các loại chấn thương hàm mặt thường gặp, chúng ta nên tìm hiểu cách sơ cứu, xử trí khi gặp phải bệnh nhân bị chấn thương.

5. Phòng ngừa chấn thương hàm mặt

Chấn thương hàm mặt do nhiều nguyên nhân, trong đó do tai nạn giao thông chiếm tỷ lệ cao nhất. Để đề phòng chấn thương vùng hàm mặt cần:

Mọi người tham gia giao thông đường bộ đều phải chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông.
Tăng cường giáo dục luật giao thông đường bộ cho học sinh và cộng đồng.
Lao động được bảo hộ an toàn, đặc biệt là trong sử dụng các máy cơ khí nông nghiệp, công nghiệp.
Không cho học sinh thiếu niên chơi súng cao su, pháo nổ.
Tham gia thể thao các loại có chế độ bảo hiểm an toàn, quản lý và không sử dụng các loại vật liệu nổ trái pháp luật.

Kinh nghiệm sơ cứu cho bệnh nhân chấn thương hàm mặt hay gặp

Để xử trí đúng cách, trước tiên bạn phải biết được bệnh nhân đang gặp phải triệu chứng như thế nào. Với những người gặp chấn thương hàm mặt và chảy máu, việc cầm máu tạm thời là vô cùng cần thiết. Sau đó, người bệnh cần được đưa ngay tới cơ sở y tế uy tín để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Sau khi gặp chấn thương, nhiều bệnh nhân sẽ cảm thấy choáng váng, hãy để họ nằm nghỉ ngơi, hạn chế vận động. Tốt nhất, người bệnh nên được đặt nằm thấp đầu tại không gian rộng, thoáng đãng.

Nếu phát hiện bệnh nhân ngạt thở, hãy cố gắng khai thông đường thở để tăng chỉ số sinh tồn cho bệnh nhân, hạn chế những biến chứng xấu xuất hiện.

Bs. Trịnh Thu Thủy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chan-thuong-ham-mat-nguyen-nhan-trieu-chung-dieu-tri-va-bien-phap-du-phong-16925020715240407.htm