Nẻo về nguồn cội báo chí chiến khu

Với việc hoàn thiện xây dựng Di tích lịch sử cấp Quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng tại xã Tân Thái (Đại Từ) vào tháng 8-2024, Thái Nguyên cơ bản đã 'vẽ xong' bản đồ báo chí cách mạng ra đời và phát triển trên mảnh đất này. Người ta thường nói, du lịch Thái Nguyên là du lịch lịch sử thì báo chí là một điểm nhấn quan trọng, ý nghĩa và hết sức sinh động…

Nhà trưng bày Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, rộng 80m2, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu về nhà dạy học làm báo.

Nhà trưng bày Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, rộng 80m2, phỏng dựng theo tài liệu ghi chép và một số hình ảnh tư liệu về nhà dạy học làm báo.

Câu chuyện của lớp hậu sinh chúng ta hôm nay bắt đầu từ việc Đảng, Bác Hồ dù khi cách mạng chưa thành công hay trong cam go của các cuộc kháng chiến luôn coi tuyên truyền qua báo chí là một ưu tiên. Với nhà báo Hồ Chí Minh thì đó là tầm vóc của người sáng lập cả một nền báo chí cách mạng.

Kể từ viết bài báo đầu “Quyền của các dân tộc thuộc địa” đăng trên Báo Nhân đạo ở Pháp ngày 18/6/1919 và bài báo cuối cùng là Thư trả lời Tổng thống Mỹ đăng trên báo Nhân Dân ngày 25/8/1969, Bác đã viết khoảng 2.000 bài báo các loại, sử dụng 150 bút danh. Bác Hồ còn là người sáng lập ra 9 tờ báo: Người cùng khổ (Le Paria) năm 1922; Quốc tế nông dân (1924); Thanh Niên (1925); Công Nông (1925); Lính Cách Mệnh (1925); Thân Ái (1928); Đỏ (1929); Việt Nam Độc Lập (1941); Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh (1942)… Bác tham gia đặt tên và định hướng tôn chỉ cho nhiều tờ báo.

Chuyện kể lại rằng: Đầu năm 1950, tại Định Hóa - Thái Nguyên, các đồng chí lãnh đạo quân đội xin gặp Bác trình bày: Đến lúc ấy lực lượng vũ trang có 3 tờ báo: Vệ Quốc Quân, Quân Du Kích và Tiếng Súng Reo, trong khi chưa có một tờ báo chung cho quân đội. Bác đồng ý chủ trương sáp nhập, sau khi nghe các đồng chí lãnh đạo Tổng cục Chính trị báo cáo về dự kiến tên tờ báo, Bác hỏi lại: Quân đội chúng ta từ đâu ra? Trả lời từ nhân dân. Bác góp ý luôn: Vậy thì đặt tên là Báo Quân đội nhân dân. Và, ngày 20/10/1950, tại xóm Khau Diều, xã Thanh Định (Định Hóa), Báo Quân đội nhân dân ra số đầu.

Hay năm 1951, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, thấy cần thiết có một nghị quyết cho tờ báo chính thức của Đảng, Bác gợi ý đặt tên là Báo Nhân Dân và ngày 11/3/1951, tại xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa), Báo Nhân Dân trên cơ sở Báo Sự Thật trước đó đã phát hành số đầu.

Công trình trùng tu, tôn tạo Nhà bia Di tích lịch sử Quốc gia Báo Nhân Dân ra số đầu tiên (11/3/1951) tại xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa), được khánh thành ngày 10/7/2024.

Công trình trùng tu, tôn tạo Nhà bia Di tích lịch sử Quốc gia Báo Nhân Dân ra số đầu tiên (11/3/1951) tại xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ (Định Hóa), được khánh thành ngày 10/7/2024.

Chúng ta đang hướng về kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), tôi xin giới thiệu vài nét về Báo Việt Nam Độc Lập - tờ báo đầu tiên Bác thành lập trong nước để thay lời tri ân nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh và các thế hệ làm báo của một thời chưa xa, không thể lãng quên.

Như chúng ta đều đã biết: Sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, Bác Hồ về tới Pác Bó (Cao Bằng) xây dựng căn cứ địa cách mạng. Từ ngày 10 đến 19-5 năm đó, Bác tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 để thống nhất nhiều quyết sách lớn: Thành lập Mặt trận Việt Minh, mở rộng căn cứ địa, đánh đuổi phát xít Nhật và thực dân Pháp.

Hội nghị đã quyết định ra đời một tờ báo làm cơ quan tuyên truyền, cổ động cho Mặt trận Việt Minh, lấy tên theo mục tiêu của cách mạng là Việt Nam Độc lập. Lúc đầu báo Việt Nam Độc lập là của Tỉnh hội Việt Minh Cao Bằng, sau là của liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng, sau nữa là cơ quan ngôn luận của Khu tự trị Việt Bắc: Thái - Tuyên - Hà - Cao - Bắc - Lạng.

Báo Việt Nam Độc lập ngừng xuất bản vào năm 1976, cùng với việc giải thể Khu Việt Bắc, với 35 năm đóng góp cho báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Việt Nam Độc lập có những số đặc biệt quan trọng trong lịch sử nội dung của báo chí cách mạng. Số 226 phát hành ngày 20/8/1945 là một trong những số như vậy: “Giờ giải phóng đã đến! Ngày giải phóng của hết thảy 25 triệu đồng bào đã tới… Hỡi những ai biết yêu nước thương nòi! Hãy mau mau hưởng ứng Việt Minh dưới ngọn cờ chỉ đạo sao vàng năm cánh, mau đứng lên cướp chính quyền thành lập chính phủ lâm thời nhân dân hết sức rộng rãi trên nền tự do tân dân chủ. Lúc này ai còn do dự là đắc tội với quốc dân”.

Số báo 230 ra ngày 10/10/1945 đăng tin làm nô nức lòng người: “Tuần lễ vàng ở khắp nơi đạt kết quả mỹ mãn. Hà Nội quyên được 2.549 lạng vàng, 2 triệu 551 ngàn đồng, 9.200 tấn thóc. Hải Phòng 626 lạng vàng, 590 lạng bạc. Nam Định 252 lạng vàng. Hà Tĩnh 163 lạng vàng. Huế 200kg vàng. Quảng Trị 250 lạng vàng. Các nơi tiếp tục quyên”...

Trước đòi hỏi từ thực tiễn trong cuộc Kháng chiến chống Thực dân Pháp, ngày 18/11/1949, Đoàn nhiếp ảnh Việt Bắc được thành lập với các hạt nhân: Đinh Đăng Định, Vũ Năng An… Các nhà làm phim nổi tiếng sau này cũng chủ yếu trưởng thành từ nhiếp ảnh, như Nguyễn Đăng Bảy, Hoàng Tích Chỉ, Hồng Nghi... Rồi lập trụ sở trên một đồi cọ thuộc Bản Bắc, xã Điềm Mặc (Định Hóa), do nhà nhiếp ảnh, đạo diễn Phạm Văn Khoa phụ trách, trong ban lãnh đạo còn có các đồng chí: Nguyễn Hùng, Nguyễn Ngọc Chung, Vũ Phạm Từ, Mai Lộc; sau thêm Phan Nghiêm, Phan Trọng Quang, Quốc Huy, Nguyễn Quốc Phi…

Và một sự kiện lịch sử đã diễn ra tại Đồi Cọ: Lễ công bố Sắc lệnh số 147/SL ngày 15/3/1953 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính thức khai sinh ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng. Đốm lửa đầu tiên được nhóm và bùng cháy chỉ bằng 2 máy quay phim 16 ly, 2 máy chiếu phim 35 ly và 3 chiếc máy nổ. Đồi Cọ đã hội tụ và nuôi nấng những tên tuổi lớn, sau này phụng sự đắc lực cho nghề.

Cũng cần nhắc nhớ: Trong những năm 2001-2015, Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình Thái Nguyên liên tiếp sản xuất các phim tài liệu có tiếng vang: “Bác Hồ với chiến khu” (1 tập), “Những nẻo đường Việt Bắc” (100 tập), “Đất và người Phương Nam” (100 tập), “Những địa danh mang dấu ấn thi ca” (50 tập), “Hành trình theo Nhật ký Vũ Xuân” (10 tập, do Báo Thái Nguyên và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh kết hợp sản xuất); các phim truyện: “Dưới cờ phục quốc” (4 tập), “Tể tướng Lưu Nhân Chú” (5 tập), “Lửa thiêng Tràng Xá” (4 tập) đều có chất lượng tốt, được nhiều nơi sử dụng và quảng bá...

Như đã nói ở phần đầu bài viết, sau nửa thế kỷ lần tìm, những địa chỉ đỏ của báo chí cách mạng và kháng chiến tại Việt Bắc dần dần phát lộ. Yêu nghề và tri ân lịch sử, các địa chỉ đỏ ấy dần được đầu tư nhờ nỗ lực của các nhà báo. Tấm bản đồ về với cội nguồn báo chí Thái Nguyên, Việt Bắc đã vẽ xong, hoàn toàn có thể phục vụ cho du lịch lịch sử, cho học tập và tri ân.

Đoàn nhà báo Đồng bằng sông Cửu Long tại Bia Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trước khi tôn tạo.

Đoàn nhà báo Đồng bằng sông Cửu Long tại Bia Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trước khi tôn tạo.

Hành trình theo tấm bản đồ ấy gần như trở lại với hành trình về chiến khu năm xưa, đó là: Rời cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên tại nút giao Thịnh Đán để về trung tâm Khu du lịch Núi Cốc là Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Bảo tàng Báo chí Việt Nam đầu tư nên khang trang và có nội dung sâu sắc. Ngoài phần giới thiệu về mái trường xưa là trưng bày, giới thiệu toàn cảnh về báo chí ra đời và phát triển trước cách mạng, trong kháng chiến 9 năm tại Thái Nguyên - Việt Bắc.

Rời Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng để ngược hướng Tây Bắc chừng 15km là Di tích Hội văn nghệ - cơ sở bồi dưỡng văn nghệ sĩ và Tạp chí Văn nghệ Cứu quốc tại xóm Chòi, xã Mỹ Yên (Đại Từ).

Vẫn hành trình ấy, theo đường Thái Nguyên - Tuyên Quang, đến ngã ba Khuôn Ngàn rẽ phải đi huyện Định Hóa, sau khi dâng hương tưởng nhớ Bác Hồ tại Đền thờ Người trên đỉnh đèo De, mọi người hành hương về nơi thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (ngày 21/4/1950) tại xóm Roòng Khoa; thăm Di tích nơi thành lập ngành Điện ảnh - Nhiếp ảnh tại Đồi Cọ - Bản Bắc, xã Điềm Mặc (ngày 15/3/1953), rồi sang xóm Khau Diều, xã Thanh Định kề bên để thăm nơi thành lập Báo Quân đội nhân dân (ngày 20/10/1950).

Rời Khau Diều, cứ theo tỉnh lộ 276, qua các địa danh gợi nhớ những nẻo đường kháng chiến: Quán Vuông, Chợ Chu, đèo So... khách đến với xóm Khuôn Nhà, xã Quy Kỳ thăm nơi in và phát hành số báo Nhân Dân đầu tiên (ngày 11/3/1951). Vượt đèo So sang đất Chợ Đồn (Bắc Kạn), khu vực có nhiều hang động nơi đóng quân của Đài Tiếng nói Việt Nam xưa. Hành trình tiếp tục qua hồ Ba Bể, đèo Giàng, đèo Gió, Tài Hồ Xìn... thăm nơi xuất bản tờ Việt Nam Độc Lập tại núi rừng Hà Quảng (Cao Bằng) năm 1941...

Hành trình ấy giúp chúng ta hiểu hơn về một thời oanh liệt đã qua của báo chí nước nhà.

Hữu Minh

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/chinh-tri/202408/neo-ve-nguon-coi-bao-chi-chien-khu-4a30424/