Nếu Bộ GD biên soạn sách giáo khoa, ĐBQH lo ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa
Công tác đổi mới chương trình, SGK đang đi đến chặng cuối của chu trình đầu tiên tuy nhiên vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất Bộ GDĐT biên soạn SGK.
Đến nay, công tác đổi mới chương trình, sách giáo khoa đang đi đến chặng cuối của chu trình đầu tiên, tuy nhiên câu chuyện nên hay không việc Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa vẫn đang là chủ đề có nhiều ý kiến trái chiều.
Trong phiên thảo luận tại Nghị trường Quốc hội ngày 24/10 (Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV) vừa qua, đề xuất giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm một bộ sách giáo khoa của Đoàn giám sát Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa ở phổ thông hồi tháng 8 lại tiếp tục được đưa ra bàn luận.
Bà Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng), Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, việc chi 400 tỷ đồng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo làm một bộ sách vừa lãng phí vừa không phù hợp về pháp lý, thậm chí có nguy cơ dẫn đến tình trạng độc quyền.
Cần ưu tiên kiểm soát tốt chất lượng, giá cả những bộ sách giáo khoa hiện hành
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Châu Quỳnh Dao - đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa riêng theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở thời điểm này có thể gây lãng phí.
Nhằm khắc phục tình trạng độc quyền về sách giáo khoa, Nghị quyết 88/2014/QH13 đã chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.
Ngoài ra, việc xem sách giáo khoa là học liệu, chương trình là pháp lệnh và thực hiện chủ trương một chương trình nhiều bộ sách nhằm huy động đa dạng nguồn lực chất xám, giúp thầy cô giáo và học sinh có nhiều tài liệu tham khảo trong quá trình dạy và học.
Nghị quyết 88 có nêu nhiệm vụ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện 1 bộ sách giáo khoa với ngân sách thực hiện là hơn 16 triệu USD (khoảng 400 tỷ đồng). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, do không huy động được đủ số lượng tác giả cần thiết nên Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xin không tiếp tục thực hiện việc này. Và Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lại 16,5 triệu USD xây dựng bộ sách giáo khoa, để trong tài khoản của Ngân hàng thế giới và chưa sử dụng khoản tiền này.
Đến nay, chúng ta chỉ còn 1 năm học nữa, quá trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa sẽ được thực hiện đồng bộ ở cả 3 cấp học. Đại biểu Châu Quỳnh Dao bày tỏ lo ngại, nếu ở thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục biên soạn thêm 1 bộ sách sẽ khá lãng phí và ảnh hưởng đến chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa.
“Những bộ sách đang được sử dụng hiện hành cũng là tâm huyết của các đơn vị. Nếu có thêm 1 bộ sách do Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn, phát hành, theo tâm lý chung các địa phương phần lớn sẽ lựa chọn sách của Bộ. Như vậy, điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới tâm lý và quyền lợi của các nhà đầu tư, đặc biệt khi nhà nước đã có chủ trương xã hội hóa ngay từ ban đầu”, Đại biểu Quỳnh Dao phân tích.
Bên cạnh đó, Đại biểu Quỳnh Dao cũng cho rằng, nếu Bộ biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa thì tình trạng độc quyền sách giáo khoa sẽ dễ lặp lại nếu chúng ta kiểm soát không tốt.
Do vậy, vị đại biểu cho rằng, trong tình hình hiện nay, để đảm bảo quyền lợi người dạy, người học, việc kiểm soát kiểm soát tốt chất lượng sách giáo khoa, kiểm soát tốt về giá sách trong điều kiện mức thu nhập đại đa số người dân còn khó khăn là công việc cần được ưu tiên. Đồng thời, Đại biểu Châu Quỳnh Dao nhận định, đây là giải pháp trước mắt tạo sự đồng tình cao trong dư luận xã hội.
Nếu Bộ biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa thì nên ở thời điểm khác
Cùng bàn luận về vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương lại cho rằng, đề xuất giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa cần được xem xét nghiên cứu thực hiện, song vào thời điểm khác chứ không phải ngay bây giờ.
“Nếu chúng ta thực hiện việc biên soạn thêm 1 bộ sách ngay ở thời điểm này sẽ hiệu quả không cao, vì còn quá nhiều công việc cần Bộ Giáo dục và Đào tạo làm trong việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 như:
Rà soát, thẩm định, thậm chí yêu cầu chỉnh sửa những nội dung trong sách giáo khoa mà chưa phù hợp với thực tiễn.
Tập trung đào tạo đội ngũ giáo viên, bổ sung cơ sở vật chất cơ sở vật chất, thiết bị dạy học bảo đảm yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ ba, sớm thống nhất phương án tổ chức thi tốt nghiệp năm 2025 để thầy cô giáo, học sinh an tâm", Đại biểu Nga nêu ý kiến.
Chia sẻ với phóng viên, vị đại biểu khẳng định, chủ trương một chương trình nhiều bộ sách là chủ trương đúng đắn, hợp lý, theo kịp sự tiến bộ của thế giới.
Phân tích thêm, Đại biểu Việt Nga cho rằng, trong luật không có quy định giới hạn “nhiều” là bao nhiêu, do vậy càng nhiều sách giáo khoa càng tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục có thêm lựa chọn, tạo sự cạnh tranh về giá cả, nội dung sách.
Những lo ngại về tình trạng độc quyền sách giáo khoa như trước đây, theo vị đại biểu là vấn đề có thể xảy ra nếu không cẩn thận.
Chỉ ra nguyên nhân sâu xa, Đại biểu Việt Nga cho rằng vướng mắc chính là do công tác tuyên truyền chưa đủ sâu, rộng và đủ thời gian để toàn xã hội hiểu sâu sắc về ý nghĩa của việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (nay là Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) nêu quan điểm: Chúng ta nên xã hội hóa, để nhiều đơn vị, tổ chức biên soạn sách giáo khoa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, phải phối hợp với các chuyên gia ngành giáo dục thực hiện giám sát, thẩm định và lựa chọn những bộ sách giáo khoa chuẩn mực trên cơ sở chương trình chuẩn đã được phê duyệt.
Còn nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tự đứng ra biên soạn một bộ sách sẽ dẫn tới lo ngại tình trạng độc quyền trong biên soạn sách giáo khoa như trước đây. Bộ đứng ra biên soạn, tự Bộ thẩm định, đánh giá và lựa chọn thì không hợp lý và không thể thuyết phục.