Nếu không may thất nghiệp, người lao động đã có 'phao cứu sinh'
Bảo hiểm thất nghiệp được đánh giá là 'phao cứu sinh' hiệu quả nếu người lao động không may rơi vào tình cảnh mất việc làm. Song, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu tập trung vào nhóm nhận tiền trợ cấp, số tham gia học nghề còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Đây cũng là vấn đề đặt ra để phát huy tốt nhất lợi ích mà chính sách đem đến.
Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là chế độ bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì và tìm kiếm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ BHTN.
Giải quyết chế độ cho hàng nghìn lao động mất việc
Trong thời buổi kinh tế khó khăn, BHTN được xem là “phao cứu sinh” giải quyết không ít khó khăn cho người lao động. Theo Điều 42 Luật Việc làm năm 2013, chính sách BHTN bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Lựa chọn học nghề kỹ thuật pha chế đồ uống miễn phí dành cho lao động thất nghiệp thay vì nhận tiền trợ cấp, anh Trần Hữu Nguyên, trú tại thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cũng có việc làm mới từ tháng 8/2023, ngay sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng, các cơ quan chức năng giải quyết chế độ, tư vấn, kết nối việc làm, đào tạo nghề cho hơn 7.000 người hưởng BHTN.
Nếu nhận tiền trợ cấp, người lao động dùng số tiền này bù đắp cho phần thu nhập mất đi trong giai đoạn không có việc làm, giúp cuộc sống ít bị biến động hoặc tự học nghề nhằm chuyển đổi công việc. Những người không nhận tiền, mà tham gia các khóa đào tạo nghề miễn phí, họ có thêm kỹ năng nghề để tìm việc mới hoặc tự tạo việc làm.
“Dù lựa chọn cách nào thì người lao động tham gia BHTN cũng có nhiều yếu tố thuận lợi để trở lại thị trường lao động hơn những người không tham gia chính sách”, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Thị Thanh Liễu nhấn mạnh.
Tương tự Hà Nội, các tỉnh, thành phố khác cũng quan tâm bảo đảm quyền lợi cho người lao động tham gia BHTN. Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, từ đầu năm đến nay, ngành giải quyết chế độ BHTN cho khoảng 90.000 người/tháng, tăng khoảng 10% so với năm 2022. Tất cả người hưởng chế độ đều được các cơ quan chức năng tạo thuận lợi để sớm trở lại thị trường lao động
Người lao động vẫn chủ yếu nhận tiền trợ cấp thất nghiệp
Đánh giá về việc thực hiện chính sách BHTN, ông Trần Tuấn Tú, Trưởng phòng BHTN, Cục Việc Làm (Bộ LĐ-TB&XH) cho rằng, sau hơn 14 năm triển khai, chính sách BHTN đã khẳng định vai trò là chính sách an sinh xã hội, bệ đỡ cho người lao động bị giảm thu nhập, mất việc.
Theo ông Tú, kể từ khi chính sách được thực hiện vào năm 2009, ban đầu dự kiến có khoảng 4,5 triệu người tham gia, nhưng ngay năm đầu tiên đã có 5,9 triệu người tham gia. Hiện nay, cùng với lộ trình mở rộng đối tượng, công tác tuyên truyền, thì số người tham gia BHTN hàng năm đều tăng. Do đó, ngày càng nhiều người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy vậy, một trong những “nút thắt” cũng được chỉ ra. Mặc dù chính sách bảo hiểm thất nghiệp có 4 chế độ, song phần lớn người lao động khi nộp hồ sơ đề nghị hưởng đều chủ yếu chọn nhận trợ cấp bằng tiền, số học nghề rất thấp. Năm 2022, trong số gần 1 triệu người hưởng trợ cấp thì số học nghề chỉ chiếm hơn 2%...
Theo Luật Việc làm năm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp; cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng TCTN, sau đó cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Ước kết dư Quỹ BHTN của năm 2022 chuyển sang năm 2023 là hơn 59.000 tỷ đồng. Song, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp chủ yếu tập trung vào nhóm nhận tiền trợ cấp, số tham gia học nghề còn chiếm tỉ lệ khá khiêm tốn... Điều này khiến quyền lợi của người lao động ít nhiều bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khuyến nghị người lao động nên chủ động lựa chọn hình thức hưởng bảo hiểm thất nghiệp sao cho phù hợp và có lợi nhất; đồng thời yêu cầu hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm nâng cao hiệu quả kết nối người lao động bị mất việc với thị trường lao động.
Đề xuất nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp
TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, thực tế là có trường hợp người lao động đến các Trung tâm Dịch vụ việc làm không thiết tha với 3 chế độ đầu của bảo hiểm thất nghiệp, mà chỉ muốn được hưởng trợ cấp.
Ngoài ra, còn là vấn đề tái hòa nhập thị trường lao động. Những người hưởng BHTN đã có kinh nghiệm lao động, song vì gánh nặng mưu sinh lớn, nếu không tái hòa nhập thị trường lao động, mà chỉ nhìn thấy lợi nhỏ trước mắt thì có khả năng sẽ làm sai lệch, không phát huy được vai trò của chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
“Cần nhanh chóng hỗ trợ họ tái hòa nhập thị trường lao động chứ không phải chỉ trợ cấp tiền để tạo nguồn thu nhập nào đó cho người lao động”, bà Hương nêu ý kiến.
Theo đó, bà Hương đề xuất, để việc thực hiện chính sách hiệu quả hơn, cần tăng cường tư vấn dịch vụ pháp lý cho người lao động; tiếp tục hoàn thiện Luật Việc làm. Từ đó, hình thành văn hóa tuân thủ, thực hiện pháp luật của người sử dụng lao động trước các biến cố của thị trường lao động. Các chính sách hỗ trợ cũng cần đồng bộ hơn, đặc biệt cần tập trung vào chức năng cơ bản của Trung tâm giới thiệu việc làm là giới thiệu, kết nối việc làm.
“Các Trung tâm Dịch vụ việc làm cần liên kết với hệ thống đào tạo nghề, các trường nghề hỗ trợ người lao động học nghề... Hệ thống Trung tâm Dịch vụ việc làm cần thực hiện tốt hơn vai trò đào tạo, tư vấn, hỗ trợ việc làm”, bà Hương nhấn mạnh.
Để chính sách phát huy hiệu quả hơn nữa, trong lần sửa đổi Luật Việc làm tới, người lao động mong muốn giảm mức đóng BHTN; mở rộng đối tượng tham gia; tăng quyền lợi như hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề. Người lao động cũng kiến nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm, do thiên tai, dịch bệnh từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Trong khi đó, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng nhận định, BHTN phải hướng tới đảm bảo việc làm, bảo đảm tay nghề cho người lao động.
“Hầu hết người lao động mất việc thời gian vừa qua là lao động tay nghề thấp. Những trường hợp người lao động ngoại tỉnh, nuôi con nhỏ, mang thai… càng gặp nhiều khó khăn. Tôi mong muốn thời gian tới, các chính sách phải duy trì, tạo ra việc làm bền vững, chất lượng cao cho người lao động” , ông Quảng cho hay.