Nếu nhà báo chỉ đơn thuần tường thuật sẽ bị AI thay thế
Theo các chuyên gia, có hai thứ AI không có được là sáng tạo và cảm xúc. Nếu nhà báo chỉ đơn thuần thuật lại sự việc sẽ bị AI thay thế.
Ngày 29/11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo “Ứng dụng công nghệ AI trong xây dựng nội dung tuyên truyền, truyền thông”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và báo chí, nhằm thảo luận về tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức khi áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào công tác tuyên truyền và truyền thông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, PGS.TS Phạm Quang Thao cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là xu thế toàn cầu. Trong đó, trí tuệ nhân tạo đang dần trở thành một yếu tố không thể thiếu trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là truyền thông.
“Ứng dụng công nghệ AI trong xây dựng nội dung tuyên truyền, truyền thông” là hội thảo đầu tiên do VUSTA tổ chức về đề cập tới lĩnh vực này.
Có hai thứ AI không có được là sáng tạo và cảm xúc
TS Phan Văn Kiền. Viện trưởng Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho hay, không thể phủ nhận vai trò của AI và chuyển đổi số. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Sau AI sẽ là cái gì khi dòng phát triển của công nghệ liên tục biến đổi? Liệu AI có thay được con người hay không?
Theo TS Kiền, AI rất quan trọng, giúp chúng ta nhiều công việc, nhưng hiện tại, AI chưa thay thế được con người. AI chỉ là công cụ phục vụ, là phương tiện chuyển tải nội dung. Chúng ta không nên tuyệt đối hóa vai trò của Ai. Ông Kiền cũng không đồng ý với quan điểm: “Chuyển đổi số hay là chết”, dù biết rằng, câu này nhằm nhấn mạnh vào chuyển đổi số.
Ông Kiền cho biết, trong bối cảnh hiện tại với chuyển đổi số và những kênh online, công chúng bị “chết đuổi” giữa thông tin nhưng “chết đói” về tri thức. Mỗi sáng, mở mắt ra, người đọc đã “ngập ngụa” giữa rừng thông tin. Nhưng những thông tin khiến họ tốt hơn không nhiều, mà chủ yếu là những thông tin khiến họ “ngộ độc”. Điều đó dẫn tới, thậm chí, một bộ phận công chúng có xu hướng từ chối tiếp nhận thông tin, nghi ngờ mọi thông tin tiếp nhận.
Vấn đề là những thông tin giả, không chính thống lại hấp dẫn. Vì thế, thông tin chính thống vẫn làm theo cách cũ thì chúng ta thua trên chính mặt trận lẽ ra chúng ta làm chủ.
Vậy trong bối cảnh này, cơ quan truyền thông phải làm gì? Theo ông Kiền, có hai yếu tố quan trọng, đó là làm sao để độc giả mất ít thời gian để tiếp nhận, nhưng lại nhận được nhiều thông tin; Và cung cấp thông tin hữu ích, có tính phản biện, hướng dẫn công chúng rõ ràng.
Ông Kiền cho biết, có hai thứ mà nhà báo không lệ thuộc vào AI, đó là sáng tạo và cảm xúc. Việc thuật lại sự kiện chỉ cần một AI, nhưng nếu truyền cảm hứng, cảm xúc, nêu quan điểm, tư duy trước thông tin đó thì AI không làm được. Nếu nhà báo chỉ đơn thuần thuật lại sự việc thì sẽ bị thay thế bởi AI.
Xu hướng cơ bản của nội dung truyền thông hiện nay là chuyển từ tin tức sang phong cách, ấn tượng về tin tức (từ đưa tin sang kể chuyện). Độc giả muốn vào một tờ báo để kiểm chứng thông tin từ mạng xã hội và xem nhà báo thể hiện quan điểm, tư duy thế nào trước thông tin đó.
“Chứ báo chí không thể đua thông tin với mạng xã hội. Như vậy là cần tăng “lever” về thông tin chứ không phải tăng “lever” về kỹ năng”, ông Kiền khẳng định.
Ngoài ra, ông Kiền cho biết, còn là xu hướng chuyển từ tin tức sang dữ liệu. Nhà báo phải có tin tức mà mạng xã hội hay nền tảng khác không có được. Chuyển từ văn hóa đọc sang văn hóa nghe nhìn (tác phẩm, siêu tác phẩm, sản phẩm). Chuyển từ đơn phương tiện, đa nền tảng sang đa phương tiện, đa nền tảng, đòi hỏi phóng viên phải đa kỹ năng. Và cuối cùng là chuyển từ báo chí sang mạng xã hội.
Con người vẫn là yếu tố quyết định
Phó Viện trưởng Viện sáng tạo và chuyển đổi số Hoàng Nguyễn Văn cho biết, AI có tầm quan trọng với các lĩnh vực. AI mô phỏng trí thông minh của con người trong các lĩnh vực như Machine Learning, Deep Learning, Natural Language Processing. AI làm tăng hiệu suất, giảm chi phí quan trị, vận hành; cải thiện trải nghiệm khách hàng.
Dự báo giá trị thị trường AI toàn cầu đến năm 2030 đạt 1.345 tỷ USD (nguồn: Grand View Reseacrch).
AI được ứng dụng trong rất nhiều ngành, là cơ hội cho nhiều đơn vị truyền thông. Chẳng hạn, có thể ứng dụng AI hoàn chỉnh từ xây dựng đến phân phối nội dung. Trong đó,, AI giúp cá nhân hóa được cho từng nhóm đối tượng người xem, người nghe, khán giả, khách hàng… điều cực kỳ quan trọng.
TS Phí Công Huy, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng, việc sử dụng công nghệ AI để tự động sản xuất nội dung giúp nội dung được tạo ra liên tục và đa dạng hơn, không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn gia tăng tính tương tác và nâng cao hiệu quả truyền thông, đặc biệt trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo. Tuy nhiên, việc tự động tạo ra nội dung vẫn cần sự giám sát và can thiệp của con người để bảo đảm tính chính xác, thông tin chính thống và không gây hiểu lầm.
Từ thực tiễn hoạt động báo chí, ông Trần Trọng An, Phó tổng biên tập Tạp chí điện tử Gia Đình Mới cho biết, ứng dụng AI đã làm tăng 40% sản xuất nội dung cho Tạp chí; giảm 50% chi phí vận hành; tăng 35% lượng tương tác của độc giả; mở rộng phạm vi tiếp cận người dùng.
Chuyển đổi số, đặc biệt là ứng dụng AI, là xu hướng không thể đảo ngược trong ngành truyền thông. Việc áp dụng AI không chỉ giúp tăng tốc độ và hiệu suất sản xuất nội dung mà còn mở ra nhiều cơ hội sáng tạo mới.
Tuy nhiên, theo ông Trần Trọng An, AI chỉ là một công cụ hỗ trợ và con người vẫn là yếu tố quyết định trong việc đảm bảo chất lượng nội dung, đặc biệt là đối với sự sáng tạo, tạo ra nội dung độc đáo, phù hợp với văn hóa và thị hiếu độc giả.
Ngoài ra, khi sử dụng AI còn có nguy cơ tiềm ẩn khi AI cung cấp thông tin sai lệch hoặc không phù hợp, vì vậy cần có sự kiểm tra, thẩm định kỹ lưỡng từ con người trước khi đưa nội dung đến công chúng.
Mời độc giả xem thêm video ChatGPT, trí tuệ nhân tạo, nhiều ngành nghề sẽ trở nên lỗi thời: