Nga chưa thanh toán, nhưng phủ nhận vỡ nợ

Hôm thứ Hai (27/6), Nga cho biết rằng hai trong số các khoản thanh toán nợ của họ đã bị chặn và không thể trả cho các chủ nợ. Nga cho rằng điều này là vì tác động của các lệnh trừng phạt từ phương Tây liên quan đến cuộc tấn công Ukraine.

Theo Điện Kremlin, các hình phạt kinh tế của phương Tây đã phần lớn cắt đứt Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế, khiến nước này gặp khó khăn trong việc trả nợ. Các nhà chức trách Nga khẳng định, họ có đủ tiền để giải quyết các khoản nợ của đất nước, gọi tình trạng khó khăn là một "trò hề" và cáo buộc phương Tây đang tìm cách đẩy Moscow vào tình trạng vỡ nợ một cách giả tạo.

Ảnh minh họa: AFP

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên: “Không có căn cứ nào để gọi tình trạng này là vỡ nợ… Những tuyên bố về việc vỡ nợ, chúng hoàn toàn sai", ông nói và cho biết thêm rằng Nga đã giải quyết khoản nợ vào tháng Năm.

Thời gian ân hạn 30 ngày đối với khoản thanh toán 100 triệu đô la Mỹ tiền lãi đã hết hạn vào đêm Chủ nhật vừa rồi, phần lớn số tiền này phải được thanh toán bằng ngoại tệ. Nga cho biết, họ cố gắng thực hiện các khoản thanh toán, nhưng Bộ Tài chính Nga nói vào hôm thứ Hai rằng số tiền chưa được chuyển cho các chủ nợ.

Bộ phận thanh toán quốc tế và hệ thống thanh toán bù trừ "đã nhận đầy đủ tiền trước" nhưng các khoản thanh toán không chuyển được đến người nhận cuối cùng do "hành động của các bên thứ ba", Bộ Tài chính Nga giải thích trong một tuyên bố.

"Hành động của các trung gian tài chính nước ngoài nằm ngoài khả năng xử lý của Bộ Tài chính Nga", tuyên bố giải thích thêm.

Một số chuyên gia bác bỏ sự kiện này và chỉ xem vấn đề chỉ là sự cố kỹ thuật, những người khác nói rằng nó vẫn gây ra những hậu quả sâu rộng.

Timothy Ash, chiến lược gia về các thị trường tại BlueBay Asset Management cho biết: “Việc vỡ nợ này rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng đến xếp hạng, khả năng tiếp cận thị trường và chi phí tài chính của Nga trong nhiều năm tới”.

Nhưng Liam Peach, nhà kinh tế châu Âu tại Capital Economics, cho biết vỡ nợ là một "sự kiện mang tính biểu tượng phần lớn không có khả năng tác động thêm đến kinh tế vĩ mô".

Peach nói trong một ghi chú: “Các lệnh trừng phạt đã gây ra thiệt hại và khiến Nga bị loại khỏi thị trường vốn toàn cầu”. Các biện pháp trừng phạt bao gồm việc đóng băng kho dự trữ ngoại tệ trị giá 300 tỷ USD của chính phủ Nga được giữ ở nước ngoài, khiến việc giải quyết các khoản nợ nước ngoài của Nga trở nên phức tạp hơn.

Nga từng được xem là vỡ nợ nước ngoài lần gần nhất là vào năm 1918, sau khi lãnh tụ Vladimir Lenin từ chối thừa nhận và trả các khoản nợ khổng lồ của chế độ Sa hoàng Nga vừa bị lật đổ.

Nga cũng từng bị cho rằng vỡ nợ trong nước vào năm 1998 khi nước này phải đối mặt với tình trạng siết chặt tài chính khiến không có đủ tiền rúp để trả các khoản nợ tích lũy cho cuộc chiến ở Chechnya.

Huy Hoàng (theo AFP, TASS, CNA)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/nga-chua-thanh-toan-nhung-phu-nhan-vo-no-post201434.html