Nga công nhận Taliban - Bước ngoặt lịch sử với chính quyền Hồi giáo ở Afghanistan
Nga chính thức công nhận Taliban, trở thành cường quốc đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với chính quyền Hồi giáo tại Afghanistan.
Động thái quan trọng với Taliban

Tân Đại sứ Afghanistan tại Nga, ông Gul Hassan Hassan (trái), trao quốc thư cho Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga
Theo đài RT ngày 3/7, Tòa án Tối cao Nga đã gỡ Taliban khỏi danh sách các tổ chức khủng bố vào tháng 4, qua đó hợp pháp hóa các hoạt động của Taliban lần đầu tiên kể từ khi bị xếp vào danh sách này năm 2003. Phong trào Hồi giáo Taliban đã trở lại nắm quyền vào tháng 8/2021 sau khi Mỹ và lực lượng NATO rút đi trong hỗn loạn và đã đổi tên quốc gia thành Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.
Ngày 3/7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko đã chính thức tiếp nhận quốc thư từ ông Ghulam Hassan, đại sứ mới được bổ nhiệm của Afghanistan tại Moskva. Đây là một bước đi được coi là thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Bộ Ngoại giao Nga ra thông cáo cho biết: “Chúng tôi tin rằng hành động công nhận chính thức chính phủ Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan sẽ thúc đẩy sự hợp tác song phương hiệu quả giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực”.
Thông cáo tiếp tục: “Chúng tôi nhận thấy tiềm năng lớn trong hợp tác thương mại và kinh tế, đặc biệt trong các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, giao thông, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Kabul củng cố an ninh khu vực và chống các mối đe dọa từ khủng bố và tội phạm ma túy”.
Thông cáo được công bố kèm theo bức ảnh tân đại sứ Afghanistan tại Nga, ông Gul Hassan Hassan, trình quốc thư cho Thứ trưởng Ngoại giao Nga Andrey Rudenko.
Trả lời hãng tin RIA Novosti về việc liệu chính quyền Taliban đã được công nhận hay chưa, đặc phái viên tổng thống Nga về vấn đề Afghanistan, ông Zamir Kabulov, xác nhận điều này.
Theo truyền thông, lá cờ đen trắng của Taliban đã được kéo lên tại Đại sứ quán Afghanistan ở Moskva. Đây là lá cờ đầu tiên xuất hiện tại đây kể từ năm 2021. Taliban đã cấm sử dụng quốc kỳ ba màu đen, đỏ và xanh lá của chính phủ trước sau khi giành lại quyền lực.
Ngày 3/7, Đại sứ Nga tại Kabul, ông Dmitry Zhirnov, nói với kênh Rossiya 1 rằng quyết định công nhận Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan được Tổng thống Vladimir Putin đưa ra theo đề xuất của Ngoại trưởng Sergey Lavrov.
Ông Zhirnov cho biết Nga cũng là quốc gia đầu tiên công nhận nền độc lập của Afghanistan cách đây hơn một thế kỷ. Theo ông, những bước đi này cho thấy Nga thực sự mong muốn xây dựng quan hệ đối tác toàn diện với Afghanistan và phản ánh lập trường thân thiện với nhân dân Afghanistan.
Mặc dù chính quyền Taliban vẫn chưa được phần lớn cộng đồng quốc tế công nhận, nhưng một số quốc gia Trung Á gần đây đã nối lại quan hệ với nhóm này. Kazakhstan đã gỡ tên Taliban khỏi danh sách khủng bố vào tháng 6/2024, tiếp đó là Kyrgyzstan vào tháng 9. Turkmenistan đã nối lại hợp tác thông qua dự án đường ống dẫn khí TAPI, còn Uzbekistan đã ký một số thỏa thuận song phương với Taliban vào tháng 8/2024.
Đại sứ Afghanistan tại Qatar, ông Suhail Shaheen, nói với RIA Novosti rằng quyết định của Nga đã tạo ra cơ hội hợp tác chung và kêu gọi các quốc gia khác làm theo Nga.
Trên mạng xã hội X, Bộ Ngoại giao Taliban gọi quyết định của Nga là tích cực và quan trọng, đồng thời đăng ảnh Ngoại trưởng Amir Khan Muttaqi gặp Đại sứ Nga tại Kabul Dmitry Zhirnov.
Phá băng quan hệ với thế giới

Người đứng đầu ngoại giao của chính quyền Taliban Amir Khan Muttaqi. Ảnh: AFP/TTXVN
Việc Nga công nhận chính quyền Taliban mang ý nghĩa lịch sử. Liên Xô từng tham chiến tại Afghanistan trong 9 năm và phải rút quân vào năm 1989 trước sức ép từ các tay súng Mujahideen. Một số người trong đó sau này sáng lập nên Taliban hiện đại.
Sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan năm 2021, Nga là một trong số ít quốc gia vẫn duy trì hiện diện ngoại giao tại nước này. Tháng 4/2025, Nga đã không coi Taliban là tổ chức khủng bố.
Mặc dù Taliban đã trao đổi đại sứ với Trung Quốc và UAE, có văn phòng chính trị lâu năm ở Qatar, nhưng những nước này vẫn chưa công nhận Taliban là chính phủ hợp pháp của Afghanistan.
Dù chưa được công nhận nhưng điều này cũng không cản trở các nhà lãnh đạo mới của Afghanistan giao thương với thế giới. Năm 2023, một công ty dầu khí Trung Quốc đã ký thỏa thuận khai thác dầu với Taliban.
Ngoài ra, Taliban cũng đang muốn được Mỹ công nhận. Theo truyền thông, các nỗ lực này gia tăng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai hồi đầu năm nay. Vào tháng 3/2025, hai công dân Mỹ đã được trả tự do tại Afghanistan và Mỹ cũng đã gỡ bỏ khoản tiền thưởng trị giá hàng triệu USD dành cho ai truy tìm được ba quan chức Taliban.
Taliban đã đề xuất một loạt bước đi nhằm thuyết phục Mỹ công nhận, bao gồm thiết lập một văn phòng giống như đại sứ quán tại Mỹ để xử lý các vấn đề liên quan đến Afghanistan.
Theo một nguồn tin, trong cuộc họp vào tháng 3 nhằm đàm phán trả tự do cho một công dân Mỹ, phía Mỹ nói với Taliban: “Các ông cần minh bạch và chấp nhận rủi ro. Làm điều này có thể sẽ mở ra cánh cửa cho một mối quan hệ tốt đẹp hơn”.
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ đối thoại ngoại giao với Taliban. Trong năm cuối nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã đạt thỏa thuận với Taliban về việc rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Afghanistan trước năm 2021. Thỏa thuận này đã được thực hiện một cách hỗn loạn khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan vào mùa hè đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden.