Ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên

Khảo sát thực tế tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên trên địa bàn thành phố Hà Nội, Ban Pháp chế HĐND thành phố đánh giá số vụ và số lượng đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội ngày càng tăng với nhiều diễn biến phức tạp.

Vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên diễn biến phức tạp

Theo Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Duy Hoàng Dương, trong giai đoạn từ năm 2018 - 2023, Công an thành phố phát hiện 858 vụ với 3.150 đối tượng là người dưới 18 tuổi vi phạm pháp, chiếm 3,4% tổng số vụ phạm pháp hình sự xảy ra (858/29.268). Trong đó, các số liệu thống kê cho thấy thực trạng tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên trên địa bàn Thủ đô đang diễn biến phức tạp. Theo đó, số vụ và số lượng đối tượng trẻ vị thành niên phạm tội ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2018 phát hiện 100 vụ, 204 đối tượng thì đến năm 2023 đã tăng lên 231 vụ với 1.309 đối tượng (tăng 642% so với năm 2018). "Đáng chú ý, qua đánh giá, phân loại có thể thấy hiện nay đang có tình trạng gia tăng học sinh vi phạm pháp luật. Cụ thể, trong số 3.150 đối tượng vi phạm pháp luật dưới 18 tuổi thì đã bỏ học là 1.278 đối tượng (40,6%); còn lại là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường (59,6%)", Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố cho biết.

Công tác tuyên truyền, giáo dục được xem là giải pháp quan trọng phòng ngừa trẻ vị thành niên phạm tội

Công tác tuyên truyền, giáo dục được xem là giải pháp quan trọng phòng ngừa trẻ vị thành niên phạm tội

Qua khảo sát tại nhiều đơn vị, Ban Pháp chế HĐND thành phố đánh giá: mặc dù, công tác ngăn ngừa đã được Công an thành phố và các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp quan tâm với nhiều giải pháp được triển khai song tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ và mức độ phạm tội. Ngoài ra, công tác quan tâm, trao đổi thông tin về trẻ vị thành niên giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội còn chưa chặt chẽ dẫn đến việc không kịp thời phát hiện ngăn chặn trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật; công tác phối hợp quản lý, giáo dục lý tưởng, đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm công dân cho học sinh ở một số đơn vị chưa hiệu quả, chưa phát huy được vai trò của các tổ chức đoàn thể trong nhà trường.

Trong khi đó, công tác quản lý, giáo dục người chưa thành niên phạm tội còn một số thiếu sót; việc phân công, giao nhiệm vụ theo dõi, quản lý trẻ em phạm tội, đi trường, trại về, nghiện hút, cờ bạc cho các tổ dân phố, cụm dân cư, gia đình, đoàn thể không thường xuyên; công tác quản lý dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ vị thành niên sau khi ra trường còn chưa được quan tâm đúng mức. Hiệu quả các mô hình chương trình đào tạo, tập huấn, truyền thông về giáo dục pháp luật, phòng chống tội phạm trẻ vị thành niên chưa cao.

Mặt khác, một số đơn vị chưa chú trọng công tác nắm tình hình địa bàn, quản lý đối tượng, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm có hoạt động tội phạm. Việc triển khai thực hiện các kế hoạch, chỉ đạo của cấp trên về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm hình sự nói chng và tội phạm do người chưa thành niên gây ra của một số đơn vị chưa nghiêm, thực hiện còn mang tính hình thức; chưa chú trọng rà soát, lập danh sách các đối tượng là người chưa thành niên có nguy cơ cao phạm tội để có biện pháp quản lý, phòng ngừa.

Ngăn ngừa hành vi phạm tội ngay từ gia đình

Nguyên nhân dẫn tới những tín hiệu đáng báo động nêu trên được khảo sát chỉ rõ một phần là do trẻ vị thành niên là lứa tuổi đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần, lứa tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Đặc biệt, là khả năng nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế nên dễ bị lôi kéo kích động tham gia thực hiện các hành vi trái đạo đức, trái pháp luật. Ngoài ra, còn do môi trường xã hội (sự du nhập văn hóa nước ngoài, sự phát triển của kinh tế thị trường...); sự bùng nổ của công nghệ thông tin (nhất là từ mạng xã hội, trò chơi điện tử, phim, ảnh có tính chất đồi trụy, bạo lực, kích động, thiếu kiểm soát) đã ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ vị thành niên.

Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở một số địa bàn chưa được duy trì thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao, chưa thực sự đi sâu vào cuộc sống. Bên cạnh đó, vấn đề giáo dục con cái trong nhiều gia đình chưa thực sự được chú trọng, quan tâm. Trong khi công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường dù được triển khai rộng rãi nhưng còn mang tính hình thức nên hiệu quả mang lại chưa cao...

Để có thể khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Ban Pháp chế HĐND thành phố kiến nghị, về phía các cơ quan trung ương, cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật về thanh niên, trẻ em. Trong đó, bao gồm cả hoàn thiện chính sách, pháp luật về hình phạt đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về thanh niên, trẻ em. Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện để áp dụng các quy định đặc thù, dành riêng cho người chưa thành niên phạm tội, như: tòa án chuyên biệt, chế độ giam giữ...

Về phía UBND thành phố, cần chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp quản lý xã hội, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh doanh, giáo dục có liên quan đến đạo đức, nhận thức và phát triển hình thành nhân cách của trẻ em; tăng cường quản lý trên không gian mạng... Đồng thời, chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã quan tâm, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở để có khả năng giải quyết các tình huống ngay từ địa bàn; kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ và bảo vệ trẻ em khi trẻ em bị xâm hại đến quyền; làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm trong từng hộ gia đình...

Long Huỳnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/ngan-chan-tinh-trang-vi-pham-phap-luat-o-tre-vi-thanh-nien-i380623/