Ngăn chặn tùy tiện nhập khẩu, sản xuất xe máy điện có số chạy lùi tốc độ cao

Quy chuẩn đang được sửa đổi, bổ sung giúp ngăn ngừa hiện tượng nhập khẩu, sản xuất xe mô tô, xe gắn máy điện có tính năng chạy lùi tốc độ cao, tiềm ẩn gây nguy hiểm.

Xe máy, mô tô điện ngày càng phổ biển - Ảnh internet minh họa

Xe máy, mô tô điện ngày càng phổ biển - Ảnh internet minh họa

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi các Bộ, ngành Trung ương, Liên đoàn Thương mại và công VN, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy VN, doanh nghiệp để lấy ý kiến đóng góp hoàn thiện Dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe mô tô, xe gắn máy (thay thế QCVN 14:2015/BGTVT).

Việc xây dựng quy chuẩn mới về mô tô, xe gắn máy nhằm phù hợp với sự thay đổi, dịch chuyển mạnh mẽ từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng điện; thay đổi công nghệ, thiết kế, các chi tiết và tính năng an toàn trên xe, cũng như phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong nước và châu Âu.

Theo đó, dự thảo quy chuẩn cập nhật, sửa đổi, thêm mới các nội dung liên quan đến giới hạn về kích thước, khối lượng và các yêu cầu kỹ thuật về các hệ thống, tổng thành khác như: hệ thống phanh, hệ thống chiếu sáng tín hiệu, hệ thống lại, đồng hồ đo vận tốc, bánh xe, hệ thống nhiên liệu, hệ thống điện…

So với hiện nay, nội dung giải thích về xe gắn máy, xe mô tô có chút thay đổi để phù hợp với Luật Trật tự ATGT. Bên cạnh đó, bổ sung một số yêu cầu: xe gắn máy, xe mô tô phải có số khung (hoặc số VIN), số động cơ, không bị tẩy xóa, đục sửa, đóng lại. Đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước, số khung phải thỏa mãn các yêu cầu trong TCVN 6578 và TCVN 6580. Xe phải có vị trí lắp đặt biển số, vị trí lắp đặt biển số không bị che bởi các chi tiết khác của xe và có thể quan sát từ phía sau.

Xe mô tô, xe máy chỉ được trang bị các loại đèn chiếu sáng và tín hiệu sau đây: đèn chiếu sáng phía trước, đèn báo rẽ, đèn cảnh báo nguy hiểm, đèn vị trí trước, đèn vị trí sau, đèn phanh, đèn lùi, đèn soi biển số sau, đèn sương mù phía trước, đèn ban ngày.

Xe gắn máy 2 bánh, xe mô tô 2 bánh có thể được trang bị đèn ban ngày nhưng chỉ được trang bị 1 – 2 đèn. Đèn chiếu sáng được lắp ở phía trước của xe và phải tự động tắt khi bật đèn chiếu sáng phía trước. Còn xe gắn máy, mô tô 3 bánh mà có số lùi phải có ít nhất một đèn lùi, tự bật sáng khi lùi xe.

Về hệ thống điện của xe, bổ sung yêu cầu: Hệ thống điện của xe phải có chức năng ngắt nguồn điện khi xảy ra ngắn mạch; động cơ của xe phải đảm bảo không thể được kích hoạt để di chuyển khi đang nạp điện (ngoại trừ xe sử dụng cáp nạp ngăn cản việc người lái có thể ngồi lên xe và điều khiển xe di chuyển).

Đáng chú ý, dự thảo quy chuẩn bổ sung yêu cầu chỉ xe gắn máy, mô tô 2 bánh hai bánh có trọng lượng từ 300 kg trở lên mới được trang bị cơ cấu lùi xe. Cụ thể, quy định tại mục động cơ, hệ thống truyền lực của xe: "Hộp số hoạt động nhẹ nhàng, không kẹt số, không nhảy số, không có tiếng kêu lạ. Chỉ xe nhóm L1, L3 ( xe gắn máy, mô tô 2 bánh) có khối lượng bản thân lớn hơn 300 kg được phép trang bị cơ cấu hoặc chức năng để hỗ trợ lùi xe hoặc quay đầu".

Về quy định trên, Ban soạn thảo (Cục Đăng kiểm VN; Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường) lý giải: "Một số xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đang trang bị cơ cấu/chức năng lùi với tốc độ cao tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi tham gia giao thông. Do đó, chỉ nên cho phép một số xe có khối lượng lớn được trang bị cơ cấu đảo chiều hộp số, lùi để hỗ trợ quay đầu xe".

Xe gắn máy được định nghĩa là xe có 2 hoặc 3 bánh, có vận tốc thiết kế không lớn hơn 50 km/h. Nếu động cơ dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc không được lớn hơn 50 cm3, còn động cơ điện thì công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW. Xe mô tô có 2 hoặc 3 bánh (không thuộc diện xe gắn máy): chạy bằng động cơ; riêng đối với xe ba bánh thì khối lượng bản thân không lớn hơn 400 kg.

Về phân loại xe, dự thảo quy chuẩn chia mô tô, xe máy thành 5 nhóm: L1 (xe gắn máy hai bánh); L2 (xe gắn máy ba bánh); L3 (xe mô tô hai bánh), L4 (xe mô tô ba bánh được bố trí không đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe (xe có thùng bên) và L5 (xe mô tô ba bánh được bố trí đối xứng qua mặt phẳng trung tuyến dọc xe).

Đối tượng áp dụng của quy chuẩn là các cơ sở sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thử nghiệm, kiểm tra chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe gắn máy, xe mô tô.

Huy Lộc

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/ngan-chan-tuy-tien-nhap-khau-san-xuat-xe-may-dien-co-so-chay-lui-toc-do-cao-183240821180552065.htm