Ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm an toàn thực phẩm dịp Tết

Những ngày cận Tết, nguồn thực phẩm từ các tỉnh đổ về Hà Nội càng nhiều, kéo theo nguy cơ mất an toàn thực phẩm (ATTP). Để đảm bảo đón Tết an toàn, Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP dịp Tết.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và Lễ hội Xuân, ngành Y tế Hà Nội đã thành lập 5 đội cơ động thực phẩm; 30 đội phòng, chống ngộ độc thực phẩm cơ động thuộc 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã sẵn sàng nhân lực tại các tuyến, các phương tiện, trang thiết bị điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm, thường trực bảo đảm ATTP. Từ nay đến hết ngày 15/3, TP tổ chức đợt cao điểm kiểm tra ATTP.

Những ngày giáp Tết, Công an quận Bắc Từ Liêm cùng Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã bất ngờ kiểm tra kho hàng thực phẩm đông lạnh trên địa bàn Tổ dân phố Trung 5, phố Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, thu giữ hàng tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội bất ngờ kiểm tra kho hàng thực phẩm đông lạnh trên địa bàn Tổ dân phố Trung 5, phố Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, thu giữ hàng tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội bất ngờ kiểm tra kho hàng thực phẩm đông lạnh trên địa bàn Tổ dân phố Trung 5, phố Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, thu giữ hàng tấn thực phẩm không rõ nguồn gốc.

Tại thời điểm kiểm tra, tổ công tác liên ngành phát hiện trong kho hàng chứa khoảng hơn 1 tấn thực phẩm gồm: chân gà, tràng lợn, trứng non, lòng lợn, lườn ngỗng được thu gom từ vùng biên giới tỉnh Lào Cai về tập kết tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Số thực phẩm không nguồn gốc này sẽ được đổ buôn cho các nhà hàng, quán ăn vỉa hè trên địa bàn TP.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết, số sản phẩm bị thu giữ và tiêu hủy chủ yếu là thực phẩm đông lạnh, xuất xứ từ nước ngoài, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu.

Đối với mặt hàng thực phẩm đông lạnh, thực phẩm bao gói sẵn, phương thức thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, qua kiểm tra có những trường hợp thực phẩm đã hết hạn nhưng chủ cơ sở không tiêu hủy. Thậm chí, không loại trừ khả năng có hiện tượng sản phẩm được tẩy, xóa hạn sử dụng.

Đề cập đến vấn đề tiêu thụ thực phẩm dịp Tết, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết, thời gian qua, Sở Công thương Hà Nội đã chủ động đôn đốc nhắc nhở địa phương về việc tiêu thụ rượu thủ công, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

Trên thực tế, không chỉ ở Hà Nội mà các tỉnh/TP đều vướng mắc trong quy trình thủ tục cấp phép các cơ sở sản xuất rượu thủ công do có sự chênh lệch giữa luật, quy định với thực tế.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP trực tiếp kiểm tra Nhà máy chế biến thực phẩm Công ty CP Ẩm thực Mặt Trời Vàng (cụm công nghiệp thực phẩm Hapro Lệ Chi, huyện Gia Lâm).

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP trực tiếp kiểm tra Nhà máy chế biến thực phẩm Công ty CP Ẩm thực Mặt Trời Vàng (cụm công nghiệp thực phẩm Hapro Lệ Chi, huyện Gia Lâm).

Những năm gần đây, giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp phép cho các cơ sở rất hạn chế. Hầu hết các quận, huyện đều không cấp được do vướng mắc các quy trình, thủ tục. Trong khi, hiện nay, tại các nhà hàng, ngoài rượu ngoại, còn có nguy cơ rượu lậu, rượu ngâm. Nhất là mỗi dịp Tết đến, mật độ các cuộc liên hoan tất niên ngày càng nhiều, khó kiểm soát rượu thủ công.

“Trong dịp Tết 2024, Sở Công thương Hà Nội yêu cầu các công ty đầu mối dự trữ hàng hóa rau củ quả, các loại thịt, thực phẩm, bánh kẹo, mứt, phục vụ Tết khoảng 40.000 tỉ đồng, dự tính tăng 10 % từ tháng 12/2023. Tuy nhiên, về lượng tiêu thụ thực phẩm, Sở Công thương đặc biệt lưu ý các siêu thị mặt hàng thịt lợn, hoa quả…

Bởi kinh nghiệm qua kiểm tra liên ngành cho thấy, nguy cơ hàng hóa gian lận như mặt hàng hoa quả hay việc kiểm soát giết mổ ở các chợ dân sinh ngày càng phức tạp, nhất là trong dịp Tết. Chúng tôi cũng nhắc nhở các đoàn kiểm tra liên ngành lưu ý các nội dung này” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.

Kiểm tra, giám sát cơ sở thường xuyên, liên tục

Sau 1,5 tháng các cơ quan chức năng của Hà Nội ra quân kiểm tra ATTP dịp Tết, hàng loạt vi phạm đã được phát hiện và xử lý. Điều đó cho thấy, dù đã được cải thiện nhưng thị trường thực phẩm vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn.

Theo Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP Hà Nội, sau 1,5 tháng ra quân (từ ngày 15/12/2023 cho đến nay), các đoàn đã kiểm tra được 5.725 cơ sở, qua đó phát hiện 899 cơ sở vi phạm và xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền phạt là hơn 4,75 tỷ đồng; đồng thời nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.

Đoàn kiểm tra khu vực đồ tươi sống tại siêu thị Aeon mall Long Biên.

Đoàn kiểm tra khu vực đồ tươi sống tại siêu thị Aeon mall Long Biên.

Qua kiểm tra, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong đánh giá, công tác thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm từ TP đến xã, phường được tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, hạn chế việc chồng chéo.

Việc tuân thủ các quy định về ATTP của các cơ sở đã chuyển biến tích cực. Nhiều cơ sở đã đầu tư trang thiết bị mới, đồng bộ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; ý thức về bảo đảm ATTP cũng đã tốt hơn.

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ làm công tác ATTP còn thiếu, đặc biệt ở các xã, phường. Ngoài phụ trách công tác ATTP, lực lượng này còn có nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đa số có quy mô nhỏ lẻ, phân tán, hoạt động ngoài giờ, phân phối qua nhiều khâu trung gian. Chủ cơ sở chưa quan tâm nhiều đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn về ATTP.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT Đào Văn Thanh cho rằng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ lại có thể gây ra những nguy cơ lớn đối với tình trạng mất ATTP, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, ý thức, kiến thức của người sản xuất, người kinh doanh về ATTP tại các cơ sở nhỏ lẻ còn hạn chế. Nhiều người vì lợi nhuận, họ bất chấp các quy định về ATTP, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và đời sống của người dân.

Theo Phó Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, không chỉ tập trung vào mỗi đợt cao điểm như dịp Tết. Từ đó, lực lượng chức năng mới kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm để bảo đảm ATTP, góp phần bảo vệ sức khỏe của người dân.

Theo các chuyên gia, vào dịp Tết, người tiêu dùng phải thông minh trong quá trình lựa chọn thực phẩm. Nhất là khi mua các sản phẩm bánh kẹo có nguồn gốc nước ngoài cần tìm hiểu kỹ, hoặc lựa chọn những sản phẩm có hạn sử dụng được dập nổi để tránh mua phải những hộp bánh kẹo đã hết hạn sử dụng từ lâu.

Người dân phải mua thực phẩm ở những khu vực, cửa hàng có uy tín trên địa bàn; không được dễ dãi trong việc lựa chọn thực phẩm, có thể lựa chọn thực phẩm bằng kinh nghiệm và thực tế mua bán, bằng mắt chúng ta có thể biết được thực phẩm tươi hay không tươi.

Thời điểm này là cao điểm các mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết tràn vào thị trường. Do đó, các đoàn kiểm tra cần tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra. Đặc biệt là tăng cường kiểm tra đột xuất bất kỳ mặt hàng nào, địa bàn nào, qua đó, bảo đảm ATTP Tết cho người dân.

3 sở, ngành: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tăng cường kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, phát hiện kịp thời các thực phẩm không bảo đảm chất lượng để cảnh báo đến người tiêu dùng.

Đặc biệt, các sở, ngành chức năng, địa phương cần tập trung cao độ, hành động quyết liệt trước, trong và sau Tết nhằm bảo đảm ATTP phục vụ người dân. Các ngành, địa phương cũng cần xác định rõ địa bàn trọng điểm cần tập trung bảo đảm ATTP, đồng thời chủ động tiến hành thanh, kiểm tra theo thẩm quyền.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngan-chan-xu-ly-kip-thoi-vi-pham-an-toan-thuc-pham-dip-tet.html