Ngàn dặm không mây

Tôi còn nhớ, trong chuyến hành trình, chặng đường xuôi về Nam Ấn như dài đến bất tận. Với một lãnh thổ rộng lớn, hệ thống giao thông của Ấn Độ cũng được xây dựng và kết nối khá quy mô nhưng cũng khá khó hiểu. Giao thông ở Ấn là một tập hợp của những điều kỳ quặc.

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1287 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Bài trên Báo Giác Ngộ số 1287 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn

Có một lần trên con đường cao tốc rời khỏi Agra, khi cả xe đang chợp mắt, tôi bỗng giật mình thức giấc và thấy có gì đó... sai sai. Xe của chúng tôi đang chạy bên làn đường cao tốc bên phải. Nhưng khoan, Ấn Độ là nước lái xe theo kiểu Anh, nghĩa là tay lái nằm bên trái, làn đường đúng là làn đường bên trái. Chiếc xe của chúng tôi đi trên cao tốc theo đúng tốc độ của... cao tốc, nhưng ngược chiều. Sau một hồi hoang mang, hỏi han mới biết, hóa ra xe đi bị “lố” đường và thay vì đến chỗ quay đầu sang làn bên kia, bác tài mạnh dạn quay luôn tại chỗ và đi ngược lại. Văn hóa xe cộ ở Ấn là như vậy, không có đúng sai. Cho đến cuối hành trình, tôi còn được trải nghiệm thêm vài lần kiểu văn hóa xe cộ kỳ quặc ấy.

Hay con đường cao tốc, theo trí nhớ của tôi, trên chặng từ Indore đến Mumbai, một con đường cao tốc mới và hoành tráng hơn mười làn xe, thay vì tráng nhựa lại được đổ bê-tông. Chuyến xe vì vậy cũng tha hồ dằn xóc. Cho đến khi kết thúc hành trình suốt hơn nửa tháng trên đất Ấn với hết hai phần ba chặng ngồi xe, tôi cũng không ngờ tới việc sức chịu của mình có thể tốt đến vậy. Mọi thứ khác với tưởng tượng khi chưa bắt đầu chuyến đi về việc sẽ “kiệt quệ” khi thường xuyên bị chứng đau cổ vai gáy, dây chằng kinh niên các kiểu của đa số dân văn phòng.

Nhưng những cung đường trên đất Ấn cũng là những cung đường thật đẹp. Như cung đường xoài rợp bóng ở Jetavana, hay những cung đường quê rợp màu hoa gạo đỏ. Những cung đường ngập nắng, chạy dọc theo sườn những sườn núi trơ trọi bằng phẳng như một bức trường thành khổng lồ, chạy dài bất tận theo chân trời; những con đường uốn lượn theo đồng cỏ với hai hàng cây lá neem kết tán thành vòm khiến chuyến xe như đang chạy giữa một hang động rợp màu xanh; những buổi hoàng hôn buông trên cánh đồng mênh mông với những hàng cây thốt nốt đứng lặng im trong ánh chiều đỏ rực,...

Tàn tích Đại học Nalanda, nơi ngài Huyền Trang thọ học với các bậc danh sư - Ảnh: Nguyễn Cường

Tàn tích Đại học Nalanda, nơi ngài Huyền Trang thọ học với các bậc danh sư - Ảnh: Nguyễn Cường

Những khung cảnh ngoạn mục, kỳ vĩ, tráng lệ, yên ả hay đượm buồn cứ lần lượt trôi qua trước mắt tôi, bên ngoài khung cửa kính xe. Ví chúng như những thước phim cũng được. Nhưng những thước phim ấy, có lẽ, chỉ có thể ghi lại bằng đôi mắt, và chẳng thể tua lại được lần nào.

Trong một khoảng lặng bất chợt, khi đi qua con đường đèo băng giữa cánh rừng giá tị xơ xác thay lá, khiến khung cảnh vốn khô cằn với những vách đá trơ trội càng trở nên xơ xác hơn, người bạn đồng hành, ngồi cạnh tôi trên suốt chuyến xe, chợt nhắc đến ngài Huyền Trang với sự thán phục.

Đứa con nít nào, lúc nhỏ cũng từng xem Tây du ký, từng mê mẩn với hành trình đi Tây Trúc thỉnh chân kinh của bốn thầy trò Đường Tam Tạng với chín chín tám mốt kiếp nạn trên đường. Mà chẳng riêng gì con nít, người lớn cũng mê chẳng kém. Hồi nhỏ về ngoại, cứ tối lại, trước cái ti-vi đời cũ ở nhà bà Bốn Thục, già trẻ lớn bé lại kéo tới ngồi la liệt từ trong nhà ra tới ngoài hiên. Đó là cái ti-vi duy nhất trong xóm, lâu lâu lại nhiễu hình do gió thổi làm chao đảo cái ăng-ten trên mái nhà. Đó cũng là niềm vui to bự của cả xóm quê. Giữa đêm tối mù u, cả một góc sân rộn tiếng nói cười.

Hồi nhỏ, tôi tin Đường Tam Tạng có thật trên đời, tôi cũng tin mọi thứ Phật thần, ma quái trong phim cũng có thật, ở bên Tàu. Lớn lên, tôi mới biết, Đường Tam Tạng quả là có thật. Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh cũng có thật, thần Phật quỷ ma cũng có thật nốt, chỉ là hiển hiện theo một cách khác, không hiện hình hiện ảnh như phim mà thôi.

Đường Tam Tạng trong phim là Đại sư Huyền Trang trong đời. Chuyến đi của ngài Huyền Trang dẫu chẳng kém ly kỳ, nhưng không ảo diệu như phim. Rời Trường An năm 629 trong sự đơn độc, bất chấp lệnh cấm từ Đường Thái Tông, một năm sau, ngài Huyền Trang đến được Ấn Độ sau nhiều gian nan và đôi phen suýt chết. Tại Ấn Độ, Đại sư Huyền Trang lưu trú tại Nalanda - trường đại học Phật giáo đầu tiên, thọ học với những bậc danh sư, rồi lên đường đi du hành khắp địa vực Ấn Độ, đến tận vùng cực Nam của Ấn Độ. Đến năm 645, ngài trở về trong vinh quang, được vua Đường nghinh đón và yểm trợ cho công cuộc phiên dịch kinh sách. Tháp Đại Nhạn còn sừng sững ở Tây An ngày nay chính là nơi lưu dấu Đại sư Huyền Trang và công cuộc dịch kinh kỳ vĩ ấy.

Nhưng Đại sư Huyền Trang không chỉ để lại những bản dịch kinh sách. Ngài còn lưu lại Đại Đường Tây Vực ký, ghi chép về những vùng đất mà mình đã đi qua. Đến ngày nay, Đại Đường Tây Vực ký vẫn là một tập bút ký du hành vô song, đặc biệt giá trị đối với giới nghiên cứu sử học, khảo cổ và địa lý. Sau này, nhờ vào sự “dẫn đường” của tập bút ký này, người ta đã xác định lại được rất nhiều những địa điểm đã chìm trong màn sương phủ của thời gian.

Đại Nhạn tháp tại Tây An

Đại Nhạn tháp tại Tây An

Lướt qua một danh sách dài dằng dặc những lãnh thổ và thành quốc trải dọc hành trình từ Trung Hoa, theo Con đường tơ lụa, qua khắp một địa vực rộng lớn của xứ Ấn, nói theo kiểu bây giờ, Đại sư Huyền Trang có lẽ là một trong những “phượt thủ” vĩ đại bậc nhất trong lịch sử. Trên chuyến xe bon bon giữa đất Ấn, nhìn những vùng đất mênh mông ngợp nắng gió, những dãy núi đá sừng sững trơ trọi, những cánh rừng hun hút xác xơ, tôi nhiều lần tự hỏi điều gì đã giúp cho một nhà sư Trung Hoa tìm cách trốn khỏi quê hương, một mình băng qua bao nhiêu gian khổ rồi ung dung rảo bước trên một cuộc lữ vô tiền khoáng hậu?

Cũng như rất nhiều người, tôi đã từng chỉ “thấy” Huyền Trang qua lăng kính huyền ảo của Tây du ký, mãi cho đến khi tôi tình cờ khi bắt gặp quyển Muôn dặm không mây của Tôn Thư Vân. Vô tình bắt gặp được trong gian hàng sách tồn kho giảm giá, không ngờ, cuốn sách ấy đã mang tới cho tôi cơ hội nhìn lại về một ngài Huyền Trang khác. Một Huyền Trang bằng xương thịt, đơn độc bước đi, trải qua đủ mọi cảnh buồn vui, đói khát, có lúc từng suýt bỏ mạng trong hoang địa mịt mùng. Chẳng biết trên con đường ngàn dặm độc hành ấy, ngài có bao giờ chạnh nhớ tới quê hương?

Cuộc truy tìm chân lý ngót nghét gần hai mươi năm ấy hẳn phải cần tới một ý chí sắt đá và niềm tin không lung lay. Một thứ niềm tin và ý chí mà chúng tôi bây giờ, với đủ mọi ê ẩm, kêu ca dù tiện nghi đầy đủ gấp bội, trong hành trình chưa đầy một phần nhỏ mà Đại sư Huyền Trang từng đi qua, không bao giờ có thể hiểu hết được.

Chuyến xe của chúng tôi đổ xuống một con đèo men theo sườn núi cằn cỗi. Mạng điện thoại chập chờn, định vị mất, tôi không biết chuyến xe của mình đang đi đến đâu. Một xứ sở hàng đầu thế giới về công nghệ thông tin, nhưng lại sở hữu hệ thống internet chán đến mức khó hiểu. Xe xuôi qua những khu rừng mênh mông vàng võ trong nắng chiều, không một dấu hiệu nào của nhà cửa, xóm làng.

Có lẽ cũng một năm tháng nào rất xa xôi, cũng trên con đường mòn băng qua những cánh rừng như thế, một vị du tăng gầy gò, nước da sạm đi vì nắng gió, trên lưng quảy hành lý, lặng lẽ dấn bước. Vị du tăng ấy, một mình, đi mải miết về phía trước. Tiếng lá xao xác dưới gót giày cỏ đi qua. Trong cánh rừng vắng ngắt, tiếng xao xác vang lên thật rõ, rồi lắng dần, lắng dần trước khi bặt đi theo bóng người dần xa khuất.

Xa thật xa, vượt trên tán rừng xơ xác, bầu trời xanh ngắt không một cụm mây.

Lương Hoàng/Báo Giác Ngộ

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/ngan-dam-khong-may-post74565.html