Ngân hàng bán lẻ: Chiến lược đa dạng nguồn thu
Nhìn lại bức tranh kinh doanh ngân hàng trong năm 2024 có thể thấy mảng bán lẻ tiếp tục giữ vai trò chủ chốt, đóng góp đáng kể vào nguồn thu của các ngân hàng. VIB và ACB là hai NHTMCP nổi bật với tỷ trọng tín dụng bán lẻ vượt trội, lần lượt đạt mức 80% và 65%/tổng dư nợ. Trong khi, các ngân hàng quốc doanh Vietcombank, BIDV và VietinBank duy trì mức tăng trưởng ổn định 40%-47%.
Theo thống kê của CTCK Vietcombank (VCBS), tỷ trọng tín dụng bán lẻ trên tổng dư nợ toàn ngành chiếm 44% vào cuối năm 2024 minh chứng cho sự hiệu quả của chiến lược bán lẻ của hệ thống ngân hàng. Thực tế trong nhiều năm nay, phát triển ngân hàng bán lẻ đang là xu hướng được nhiều nhà băng hướng tới. TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhận định, thông qua phát triển ngân hàng bán lẻ, nhà băng có cơ hội mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo nguồn vốn trung và dài hạn ổn định để phục vụ phát triển kinh tế. Ngoài ra, phát triển ngân hàng bán lẻ còn là chiến lược phát triển trọng tâm của nhiều ngân hàng nhằm đa dạng nguồn thu, giảm thiểu rủi ro hoạt động và đạt hiệu quả kinh doanh tối đa.
Sự thúc đẩy hướng tới phát triển mảng bán lẻ còn nằm ở việc khách hàng đang thay đổi cách thức sử dụng dịch vụ ngân hàng do mức độ thâm nhập của Internet và sự sẵn có của nhiều dịch vụ đa dạng trên điện thoại di động. Đơn cử như khách hàng chuyển dịch từ các hình thức thanh toán bằng tiền mặt sang các hình thức phi tiền mặt như thẻ ngân hàng, ví điện tử, qua tài khoản ngân hàng và thanh toán trực tuyến.
Hay sự thâm nhập của các công ty Fintech hay Bigtech (công ty công nghệ lớn) kết hợp với nguồn dữ liệu lớn, phân tích nâng cao, công nghệ kỹ thuật số hiện đại và văn hóa đổi mới đã mang lại sự trải nghiệm, đặc biệt cho người tiêu dùng, nhất là các khách hàng tiêu dùng dịch vụ bán lẻ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_59_51463902/35b20adc3a92d3cc8a83.jpg)
Tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; NHNN cũng đã ban hành “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đây chính là cơ hội để các ngân hàng đổi mới mô hình kinh doanh, đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển và hoàn thiện các dịch vụ tài chính cá nhân thích ứng với bối cảnh mới. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng tăng cường hợp tác, phát triển mở rộng hệ sinh thái ngân hàng số nhằm mang đến cho khách hàng những sản phẩm, dịch vụ tài chính số đa dạng. Hiện nay, các ngân hàng cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ mới, ngân hàng lõi để phục vụ chuyển đổi số và ứng dụng vào hoạt động như: Công nghệ chuỗi khối (Blockchain); ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI); công nghệ sinh trắc học, nhận diện giọng nói, khuôn mặt, vân tay, mống mắt… Trong thời gian tới, quá trình chuyển đổi số trong ngành tài chính ngân hàng sẽ tiếp tục tăng tốc. Xu hướng ngân hàng hợp tác với Regtech, Suptech, Proptech cũng bắt đầu được triển khai tại Việt Nam dưới các hình thức khác nhau. Nhờ đó, các dịch vụ ngân hàng bán lẻ sẽ ngày càng đa dạng, đem đến trải nghiệm liền mạch và thú vị dành cho người dùng.
Với quy mô hơn 100 triệu dân và mức chi tiêu của người dân ngày càng nâng cao, Việt Nam đang có rất nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ bán lẻ. Theo các chuyên gia, ngân hàng hoàn toàn có thể đặt mục tiêu đưa bán lẻ trở thành “đầu tàu” tăng trưởng trong dài hạn để đảm bảo sự phát triển bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu, trong thời gian tới, các TCTD sẽ tập trung phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán cung cấp cho khách hàng theo hướng đa kênh, đa tiện ích sử dụng. Đồng thời, tiếp tục phát triển sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích, giảm chi phí cho khách hàng trên cơ sở tăng cường hợp tác với các tập đoàn, tổng công ty, các công ty tài chính - công nghệ, trung gian thanh toán, sàn thương mại điện tử để xây dựng hệ sinh thái thanh toán khép kín phục vụ nhu cầu thanh toán của các giao dịch thương mại điện tử đảm bảo an toàn, nhanh chóng, bảo mật thông tin khách hàng.
Ngoài ra, tăng cường kết hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm truyền tải, phổ biến, lan tỏa và nâng cao nhận thức của khách hàng tại địa bàn nông nghiệp nông thôn, vùng sâu vùng xa về các sản phẩm dịch vụ tài chính ngân hàng, về dịch vụ ngân hàng bán lẻ. Xây dựng chiến lược mở rộng giáo dục tài chính đối với cộng đồng…
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-ban-le-chien-luoc-da-dang-nguon-thu-160372.html