Ngân hàng sinh học cứu người
Sản phẩm tế bào gốc lưu trữ của Việt Nam được công nhận đủ tiêu chuẩn quốc tế, khẳng định được vị thế y học nước nhà
Cách nay khoảng 10 năm, một bệnh nhân (19 tuổi, ở Yên Bái) mắc bệnh tan máu bẩm sinh (thalassemia), cần truyền máu 2 lần/tháng. Người mẹ mang thai lần hai năm 2009, được tư vấn kiểm tra sức khỏe thai nhi và lưu trữ tế bào gốc máu dây rốn nếu không mắc bệnh. Tế bào gốc lưu giữ của người em ghép cho người anh, ca ghép thành công, các xét nghiệm tất cả tế bào máu mới trong cơ thể người anh đều là từ tế bào gốc của người em.
Nhiều người được cứu
Sau ghép, người anh đã khỏi bệnh hoàn toàn không cần truyền máu, sức khỏe ổn định, sinh hoạt và học tập bình thường. Ngân hàng tế bào gốc này mang tên MekoStem thuộc Công ty CP Hóa - Dược phẩm Mekophar TP HCM (viết tắt Mekophar).
Bà Trương Thị Thu Huyền, Giám đốc MekoStem, cho biết thời điểm 2006 ghép tế bào, mô, bộ phận cơ thể đã trở thành một biện pháp điều trị thường quy được áp dụng rộng rãi trên thế giới và Việt Nam. Trong khi trên thế giới có nhiều trung tâm lưu trữ tế bào và mô thì ở Việt Nam còn rất ít.
Từ 2019 đến nay, đơn vị đã chuyển hoạt động tại Khu Công nghệ cao TP HCM. Các đơn vị tạo nguồn tế bào gốc là Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện An Sinh, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM... Các cơ sở ứng dụng vào điều trị Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP HCM, Viện Truyền máu - Huyết học Trung ương, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương...
Trong thời điểm này, ngoài việc đáp ứng tiêu chuẩn, quy định trong nước thì cần phải tham gia và đạt được tiêu chuẩn quốc tế thì mới hội nhập và đáp ứng được nhu cầu chính đáng của khách hàng muốn đem mẫu đi điều trị ở nước ngoài. "Đến nay, sản phẩm lưu trữ của ngân hàng tế bào gốc của Việt Nam được công nhận đủ tiêu chuẩn quốc tế" - bà Huyền thông tin.
Hiện nay, MekoStem đang mở rộng sang các lĩnh vực mô, máu dây rốn và trị liệu tế bào. Chứng nhận AABB (một tổ chức về tế bào gốc quốc tế) là minh chứng của đơn vị. Quy trình bảo đảm chất lượng và an toàn trong thu thập, xử lý, lưu trữ và phân phối sản phẩm máu và trị liệu tế bào, được công nhận toàn cầu. Để đạt chứng nhận AABB, các ngân hàng tế bào gốc phải vượt qua quy trình kiểm định nghiêm ngặt bởi các chuyên gia hàng đầu thế giới.
Nhân rộng mô hình
DS Huỳnh Thị Lan, Tổng Giám đốc Mekophar, cho biết năm 2008, được UBND TP HCM cho phép thành lập MekoStem, đơn vị đã mời các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu, đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện và nghiệm thu thành công đề tài "Nghiên cứu xây dựng ngân hàng tế bào gốc dây rốn khu vực miền Nam và ứng dụng điều trị bệnh ở người".
"Từ kết quả này, MekoStem đã được Bộ Y tế thẩm định cho phép hoạt động. Đến nay, ngoài ứng dụng điều trị trong nước, sản phẩm lưu trữ (khoảng 11.000 mẫu máu và 9.000 mẫu màng/mô) đã công nhận đủ tiêu chuẩn quốc tế tại 50 quốc gia, đồng thời đơn vị đang nghiên cứu phát triển các sản phẩm về huyết tương máu dây rốn và tế bào gốc trung mô từ mô dây rốn trong điều trị…" - bà Lan thông tin.
Theo GS-TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, lưu giữ tế bào gốc là một dạng bảo hiểm sinh học, cơ hội hiếm hoi trong cuộc đời của mỗi đứa trẻ và cả gia đình. Ông Hùng cho rằng nhà nước phải có một đơn vị điều phối về nghiên cứu của từng nhóm và loại công nghệ trong tổ hợp 4.0, trong đó có tế bào gốc: Vừa điều phối trong lĩnh vực của nhóm vừa phối hợp với các nhóm (ví dụ phối hợp giữa Biopriting 3D với tế bào gốc, phối hợp giữa công nghệ nano và tế bào gốc...).
Nhanh chóng tìm cách tháo gỡ rào cản pháp lý trong nghiên cứu và áp dụng tế bào gốc, trong đó có cả việc quản lý truyền thông về quảng cáo thẩm mỹ bằng tế bào gốc. Có chính sách về phối hợp tài chính để đột phá một số đề tài mau đến thành công và phát triển áp dụng: Công - tư phối hợp chứ không thể một mình nhà nước hoặc một mình tư nhân...
Theo TS-BS Mai Văn Điển, thành viên trong hội đồng nghiên cứu, có những khó khăn trong nghiên cứu và áp dụng tế bào gốc hiện nay cần giải quyết. Về nhân lực, chúng ta chưa có đào tạo chuyên sâu về tế bào gốc trong các trường đại học Việt Nam. Việc hợp tác và chuyển giao công nghệ tế bào gốc từ các nước tiên tiến còn nhiều khó khăn. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị và giá thành sản phẩm thì thiết bị rất đắt tiền, kể cả giá mua cũng như phí bảo trì, bảo hành; phí duy trì điều kiện phòng sạch cao; giá vật tư, hóa chất môi trường theo chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) rất cao; giá thành sản phẩm cao chi phí nghiên cứu cao, tốn kém.
"Cần cập nhật bộ tiêu chuẩn chính thức theo các nước tiên tiến nhưng không áp dụng ngay theo khuyến cáo của các nghiên cứu mới chưa được chính thức hóa. Các dòng tế bào gốc được phân lập, tăng sinh, kiểm soát chất lượng tại các cơ sở đạt chuẩn (trong nước/quốc tế) và đã được nghiên cứu tiền lâm sàng hoặc thử nghiệm lâm sàng chứng minh tính an toàn đạt yêu cầu thì không cần thiết thực hiện" - BS Điển nói.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ngan-hang-sinh-hoc-cuu-nguoi-196241101204834396.htm