Ngân vang những bản hùng ca về Điện Biên Phủ
Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024), các đơn vị nghệ thuật, xuất bản đã và sắp ra mắt các tác phẩm, chương trình biểu diễn nghệ thuật ca ngợi chiến thắng 'lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu' của dân tộc Việt Nam, thể hiện trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần con người Việt Nam trong thời đại mới.
Sâu lắng “Ký ức Điện Biên”
NSND Trần Bình cùng ê kíp thực hiện đang gấp rút chuẩn bị cho chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Ký ức Điện Biên…” vào tối 4/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình có sự tham gia của NSND Quốc Hưng, NSƯT Tân Nhàn, các ca sĩ: Xuân Hảo, Hoàng Viết Danh, Thanh Thảo, Trung Sỹ, Huệ Thương, nhóm Thời Gian, nhóm Phương Nam…
Theo Ban tổ chức, chương trình “Ký ức Điện Biên” sẽ đưa khán giả ôn lại câu chuyện của dân tộc 70 năm trước, qua những ca khúc hào hùng nhưng vô cùng lãng mạn như: "Bộ đội về làng", "Em bé Mường La", "Tình ca Tây Bắc"… với mong muốn làm sống lại thời kỳ lịch sử của dân tộc cùng các cựu chiến binh, các phụ huynh và khơi gợi lại niềm tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ ngày nay.
Mở đầu chương trình là một chùm ca khúc của Điện Biên hôm nay: “Tình ca Tây Bắc” (thơ Cầm Giang, nhạc Bùi Đức Hạnh), “Tiếng Khèn mùa ban nở” (lời thơ Nguyên Như, nhạc Lê Minh).
Đặc biệt, có một bài hát mới sáng tác của nhạc sĩ Tùng Lâm mang tên “Ký ức Điện Biên”. Tiếp đến là một không gian âm nhạc được tạo nên bởi các liên khúc đi cùng năm tháng, được đầu tư dàn dựng công phu, thể hiện bối cảnh sống, chiến đấu anh dũng của quân và dân ta trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Là một trong những nghệ sĩ tham gia chương trình “Ký ức Điện Biên”, NSND Quốc Hưng chia sẻ, anh rất vinh dự và tự hào khi được hát trong chương trình nghệ thuật đặc biệt này. Trong chương trình, Quốc Hưng sẽ hát tác phẩm “Trên đồi Him Lam” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận và “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương.
“Trên đồi Him Lam" là bài hát phù hợp với giọng hát của Quốc Hưng, đúng chất giọng baritone và rất khỏe khoắn. Trong khi đó, bài "Bình Trị Thiên khói lửa" là tác phẩm kinh điển trong nền âm nhạc Việt Nam, đưa chúng ta đi dọc cả chiều dài đất nước. Đây là tác phẩm hay về cấu trúc, tiết tấu, thay đổi về tình cảm của tác phẩm chặt chẽ, mang lại nhiều cảm xúc.
Bản hùng ca về tinh thần yêu nước
Hồi tháng 3 vừa qua, Nhà hát Kịch nói Quân đội đã đặt hàng đạo diễn, NSND Lê Hùng thực hiện vở kịch nói “Điện Biên vẫy gọi". Ê kíp sáng tạo đã chuyển thể kịch bản vở diễn từ bút ký về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của PGS.TS Nguyễn Tất Thắng. Sau gần 2 tháng gấp rút luyện tập, các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Kịch nói Quân đội đã ra mắt vở diễn để phục vụ nhân dân và bộ đội, chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Có thể nói, “Điện Biên vẫy gọi” là một khúc tình ca mang âm hưởng lạc quan, lãng mạn, đầy chất thơ về những câu chuyện dọc đường lên Điện Biên và cuộc sống, chiến đấu ở đây trong những năm kháng chiến chống Pháp.
Tác phẩm đã nêu bật giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khắc họa rõ nét ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta với những tấm gương sáng ngời của bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong cùng các tầng lớp nhân dân, lực lượng phục vụ chiến dịch đã góp phần làm nên một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Đạo diễn, NSND Lê Hùng cho biết ông thấy chưa có chương trình nào ca ngợi trực diện lực lượng dân công hỏa tuyến trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nên ông đã dựng vở diễn này để gửi gắm đến người xem thông điệp: bên cạnh sự hy sinh to lớn, oanh liệt của bộ đội, thì lực lượng dân công, đồng bào dân tộc, người dân các vùng miền cũng góp phần to lớn làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Gặp một Điện Biên trên sân khấu xiếc
Thời điểm này, các nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam đang hoàn tất chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Điện Biên”. Theo kế hoạch, chương trình nghệ thuật đặc biệt này sẽ ra mắt vào các ngày 4, 5, 11 và 12/5 tại số 67 - 69 Trần Nhân Tông, Hà Nội.
NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho biết đây không chỉ là một chương trình nghệ thuật xiếc, mà còn là dịp để các nghệ sĩ thể hiện tấm lòng, tình cảm, tri ân những người đã hy sinh máu xương vì độc lập, tự do của đất nước, nỗ lực truyền tải lịch sử qua nghệ thuật. Thông qua ngôn ngữ xiếc, chương trình “Sống mãi với Điện Biên” sẽ tái hiện câu chuyện lịch sử với âm hưởng hào hùng, bi tráng.
"Chúng tôi xây dựng ý tưởng biến sân khấu xiếc thành một sa bàn lớn thể hiện toàn cảnh chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ vị trí của khán giả nhìn xuống sân khấu xiếc sẽ như một thung lũng thu nhỏ, các hoạt cảnh tái hiện những trận chiến cam go và hào hùng của các chiến sĩ Điện Biên thông qua các hoạt cảnh: “Tây Bắc hào hùng”, “Hành quân xa”, “Hò kéo pháo”, “Trên đồi Him Lam”, “Giải phóng Điện Biên”. Mỗi hoạt cảnh theo mỗi chủ đề sẽ đưa người xem đến với những ký ức hào hùng về Điện Biên bằng ngôn ngữ xiếc”, NSND Tống Toàn Thắng chia sẻ.
Trong chương trình, hình ảnh về các anh hùng Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót được các nghệ sĩ tái hiện trong chương trình. Các màn kéo pháo, hình ảnh các nghệ sĩ hóa thân thành chiến sĩ đứng trên nóc hầm chỉ huy của De Castries, những màn múa xòe, nhảy sạp... sẽ tái hiện lại không gian hào hùng về Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm.
Chương trình nghệ thuật “Sống mãi với Điện Biên” còn mang tới các tiết mục biểu diễn hấp dẫn như: xe đạp chồng người, múa sạp, nhào lộn, tung hứng, đế trụ tập thể, dây da, leo cột, múa cờ, nhào lưới, xiếc thú, cầu bật, thăng bằng trên dây…
Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ mời một số cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm mang đến cảm xúc đặc biệt, những ký ức, câu chuyện về chiến dịch lịch sử này.
Bản hòa âm lòng biết ơn, tự hào dân tộc
Cùng chung âm hưởng hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, các đơn vị xuất bản trong thời gian đây đã ra mắt nhiều cuốn sách đặc sắc. Trong đó, có trường ca "Giao hưởng Điện Biên" của nhà thơ Hữu Thỉnh ra đời đúng dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Trường ca "Giao hưởng Điện Biên" gồm 21 chương và 5 phần bình luận bằng thơ, kể về Chiến dịch Điện Biên Phủ từ những ngày đầu đến lúc kết thúc chiến tranh và cuộc sống hôm nay của vùng đất thiêng ấy.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, ông khởi bút viết trường ca "Giao hưởng Điện Biên" vào ngày 7/5/2023. Sau gần một năm, tác phẩm này được hoàn thành (ngày 20/3/2024).
Trong gia tài thi ca của nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng có những trường ca thơ tạo được ấn tượng sâu sắc cho độc giả như "Đường tới thành phố" (1979), "Trường ca biển" (1994), "Sức bền của đất" (2004), "Trăng Tân Trào" (2016)...
Song, “Giao hưởng Điện Biên" là trường ca thơ dài nhất của ông (21 chương), nó xứng đáng với tầm vóc của một chiến dịch lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, trước khi bắt tay vào viết trường ca “Giao hưởng Điện Biên”, ông đã nhiều lần lên Điện Biên, đến các địa danh lịch sử, gặp gỡ một số cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia chiến đấu ở Điện Biên, đọc rất nhiều sách báo trong và ngoài nước viết về võ công oanh liệt này của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh…
Ông cũng tâm sự rằng, tình cảm thì rất sâu nặng nhưng khi thực sự bắt tay vào công việc thì gặp phải nhiều khó khăn. Đó là viết về một chiến dịch lịch sử, phải làm xúc động tâm hồn người đọc. Hơn nữa, quan niệm viết về lịch sử của ông từ khi viết "Giao hưởng Điện Biên" cũng có khác lúc còn trẻ.
Đó là những vấn đề đặt ra mang tính thách thức đối với người viết. Bởi thế, trong trường ca này, ông muốn đặt Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với hoàn cảnh lịch sử của nó và những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm.
"Với tất cả sự thành tâm của mình, tôi chỉ dám xem “Giao hưởng Điện Biên” như một nén nhang tinh thần tri ân những người đã làm nên một trong những chiến công oanh liệt nhất trong thời đại Hồ Chí Minh”, ở tuổi 82, nhà thơ Hữu Thỉnh gửi gắm.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết đã đọc trường ca “Giao hưởng Điện Biên” của nhà thơ Hữu Thỉnh.
“Tôi vừa đọc vừa lo lắng, vừa hồi hộp, vừa hứng thú để xem rằng Điện Biên Phủ - một chiến dịch, một chiến thắng lừng lẫy đã được dựng lại trong thi ca mang vẻ đẹp gì? Tất cả chương hồi, câu chuyện, sự kiện cơ bản ở vùng miền núi Tây Bắc cho đến các nhân vật đã được Hữu Thỉnh tái hiện sinh động, sâu sắc, kỳ vĩ”, ông Thiều nói, đồng thời nhấn mạnh: “70 năm là một thách thức với một nhà thơ để sáng tạo tác phẩm về một sự kiện lịch sử, nhưng 70 năm cũng cho nhà thơ Hữu Thỉnh lùi lại khoảng thời gian thật dài để thấm sâu hơn sự hy sinh lớn lao của quân dân Việt Nam, để thấm sâu sự kiện kỳ vĩ, quan trọng với công cuộc giải phóng, giành độc lập tự do cho Tổ quốc”…
Phát động cuộc vận động sáng tác mới về Điện Biên Phủ
Ngày 19/4 vừa qua, tại TP Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Điện Biên Phủ - Thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật”.
Hội thảo đã nhận được 35 tham luận của các văn nghệ sĩ đến từ 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và cũng được các nghệ sĩ của các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố tham gia với tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm… Tại hội thảo, các tham luận nhắc tới rất nhiều văn nghệ sĩ như nhà thơ Nguyễn Đình Thi, họa sĩ Tô Ngọc Vân, họa sĩ Nguyễn Bích, nhạc sĩ Hoàng Vân, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, nhà văn Dũng Hà, nhà văn Hồ Phương… đã kịp thời phản ánh cuộc sống chiến đấu của quân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ và đã để lại nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật sống mãi với thời gian. Sau 70 năm, chúng ta có một khối lượng các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về đề tài này vô cùng phong phú. Điện Biên Phủ vẫn luôn là địa danh cuốn hút các văn nghệ sĩ dành nhiều tâm huyết và công sức sáng tác. Điện Biên hiện diện trong văn học nghệ thuật, trong cả quá khứ và hiện tại, trong cả thời chiến và thời bình. Đó chính là sự gắn bó máu thịt giữa văn nghệ sĩ với dân tộc, với Tổ quốc, với nhân dân.
Trong khuôn khổ hội thảo, Ban tổ chức tiến hành phát động cuộc vận động sáng tác mới về Điện Biên Phủ đối với giới văn nghệ sĩ trong cả nước.
H.T
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ngan-vang-nhung-ban-hung-ca-ve-dien-bien-phu-10278073.html