Ngành bán lẻ: Kỳ vọng khởi sắc
Dù vẫn phải đối mặt với các thách thức chung, nhưng bước sang năm 2025, trên cơ sở dần ổn định và triển vọng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, cũng như xu hướng nhộn nhịp hơn trong thời gian cao điểm cuối năm của thị trường… ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ tiếp đà hồi phục và tăng trưởng nhanh hơn trong thời gian tới.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ 11 tháng của năm 2024 đạt 5.822,3 nghìn tỉ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, tỷ trọng bán lẻ chiếm cao, luôn duy trì từ 60 - 70%. Thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, doanh thu thương mại điện tử tăng cao, chiếm trung bình khoảng 20% trong tổng mức bán lẻ. Điểm sáng của ngành bán lẻ năm 2024 là các doanh nghiệp đã đưa ra các chiến lược ưu tiên nhằm tái định vị hoạt động.
Nhiều điểm sáng
Có thể kể đến đại diện hệ thống siêu thị Winmart, trong tháng 11, WinCommerce đã khai trương thêm 41 cửa hàng WinMart+/Win, nâng tổng số siêu thị và cửa hàng trên cả nước lên tới gần 4.000 điểm. Song song với việc mở mới, WinCommerce cũng tập trung vào kế hoạch nâng cấp mô hình siêu thị để mang lại trải nghiệm mua sắm trọn vẹn hơn cho người tiêu dùng. Mới đây, 2 siêu thị lớn tại Hà Nội là WinMart Trường Chinh và WinMart Đại La đã được nâng cấp theo mô hình mới, với không gian mua sắm rộng rãi, tiện nghi và đa dạng các khu vực trưng bày sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của khách hàng. Trong tháng 12, WinCommerce liên tiếp nâng cấp các siêu thị bao gồm WinMart Thái Thịnh, WinMart Vinh - Lê Lợi, WinMart Quang Trung - Hà Đông, WinMart Hà Tĩnh,... với những thay đổi đáng kể như thiết kế hiện đại, danh mục hàng hóa đa dạng phù hợp với các tệp khách hàng trong khu vực.
Trong khi đó, theo khảo sát của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Việt Nam Report JSC), có 79,2% số doanh nghiệp chọn bán hàng đa kênh. Cùng với đó, các doanh nghiệp đã đẩy mạnh đa dạng hóa sản phẩm, kiểm soát chất lượng đầu vào (tăng 22,6% so với kết quả khảo sát năm 2023). Các doanh nghiệp bán lẻ cũng đã tăng cường mối liên kết với các thành viên trong chuỗi cung ứng, nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ logistics, hướng tới sự bền vững và ổn định. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại được quan tâm, nhất là phân khúc thị trường nông thôn, giúp người dân mua sắm thuận tiện, văn minh thương mại, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Báo cáo của Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT dự đoán, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành sẽ tăng khoảng 10-10,5% vào năm 2025 (cao hơn con số 9% của năm 2024) nhờ thị trường việc làm phục hồi và thu nhập thực tế được cải thiện do tăng trưởng kinh tế mở rộng. Cộng với đó là xu hướng lạm phát hạ nhiệt và kỳ vọng đầu tư công thực hiện tăng tốc trong năm 2025 giúp cải thiện nhu cầu trong nước.
Còn theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ có thể sớm gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao. Sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu sẽ thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng. Đây là cơ hội để thị trường bán lẻ Việt Nam phục hồi và khởi sắc thời gian tới.
3 xu hướng định hình thị trường bán lẻ
Các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (TPS) nhận định 3 xu hướng chính định hình ngành bán lẻ năm 2025 gồm: Kinh doanh bền vững, trải nghiệm khách hàng và phát triển sản phẩm mới. Về dài hạn, triển vọng tiêu dùng của Việt Nam khá tích cực, dự báo tăng lên 488,08 tỉ USD vào năm 2029, tương ứng với mức tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) giai đoạn 2024 - 2029 là 12,05%. Về ngắn hạn, tiêu dùng của Việt Nam khá chậm trong năm 2024, do ảnh hưởng của lạm phát và xu hướng tăng tiết kiệm khi niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế chưa được phục hồi hoàn toàn. Tiêu dùng được kỳ vọng sẽ cải thiện dần kể từ năm 2025. Xu hướng chính của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2025 đó là ưu tiên đối với hàng thiết yếu và sản phẩm chăm sóc sức khỏe, ngoài hàng thiết yếu và quần áo. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe để xây dựng chiến lược sản phẩm phù hợp.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, chia sẻ: Các xu hướng mới từ việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử, đến sự phân hóa hành vi tiêu dùng không chỉ hình thành lại thị trường, mà còn tạo ra cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, bán hàng đa kênh, nắm chắc sự chuyển đổi xu hướng tiêu dùng của người dân để đáp ứng cho phù hợp. Phối hợp trực tiếp với các nhà sản xuất để lựa chọn sản phẩm, giảm chi phí, hạ giá thành, cạnh tranh trên thị trường lành mạnh. Có các giải pháp để đối phó với các sản phẩm ngoại nhập giá rẻ đang chiếm lĩnh thị trường. Đồng thời, phối hợp với các sở đào tạo để tuyển dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong xu hướng hội nhập.
Về xu hướng của thị trường bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, năm 2024 chứng kiến sự chuyển hóa giữa tỷ trọng bán lẻ hiện đại và bán lẻ truyền thống khi lần đầu tiên sau dịch Covid-19, tỷ lệ bán lẻ truyền thống tụt sâu hơn, đây là sự chuyển biến phù hợp với xu thế. Nếu như thời điểm trước dịch Covid-19, tỷ trọng của bán lẻ hiện đại là 24%, sau dịch giảm xuống 18-19% thì đến năm 2025, bán lẻ hiện đại tăng lên 25%. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ bán lẻ hiện đại chiếm 28-30%, tăng cao hơn so với các tỉnh, thành khác.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ năm 2025 sẽ tiếp tục là sân chơi đầy cơ hội và thách thức. Theo đó, TMĐT sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số mà còn góp phần đưa Việt Nam đạt được mục tiêu doanh thu bán lẻ lớn hơn, với 10% tổng doanh thu bán lẻ đến từ TMĐT vào năm 2025. Để không tụt lại phía sau, các DN cần chủ động đón đầu các xu hướng tiêu dùng, tận dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) khuyến nghị, để đạt mục tiêu xuất khẩu TMĐT hơn 11 tỷ USD vào năm 2027, các DN cần áp dụng công nghệ số trong chuỗi cung ứng, đồng thời đảm bảo các tiêu chí về môi trường và phát triển bền vững.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nganh-ban-le-ky-vong-khoi-sac-10298664.html