Ngành Công Thương Hà Nội cần cải tổ, đáp ứng yêu cầu mới, đưa kinh tế Thủ đô bứt phá
'Ngành Công Thương cần cải tổ mạnh mẽ để đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của Thủ đô trong kỷ nguyên mới'. Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền khi làm việc với Sở Công Thương, chiều 10-7.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Hiền
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh, trong 6 tháng đầu năm 2025, GRDP của thành phố ước tăng 7,63% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, ngành công nghiệp và bán buôn, bán lẻ đóng góp 1,54 điểm % vào mức tăng 7,63% của GRDP. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn gặp không ít khó khăn.
Ở lĩnh vực thương mại nội địa, trong tháng 6, đã có tới 1.657 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 41,4% so với cùng kỳ năm trước, 573 doanh nghiệp giải thể, tăng 59,1%.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, Sở Công Thương phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu: Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp từ 7,15% trở lên; Giá trị tăng thêm hoạt động bán buôn, bán lẻ tăng từ 10,6%, cả năm 2025 từ 8,79% trở lên; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ từ 14,53% trở lên; Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2025 đạt mức tăng trưởng từ 7% trở lên. Phấn đấu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng cả năm 2025 thấp hơn hoặc bằng 5%...
Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Võ Nguyên Phong kiến nghị, thành phố Hà Nội xem xét, bố trí vốn đầu tư công cải tạo hệ thống chợ truyền thống của Hà Nội.
Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND các xã đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các cụm công nghiệp thành lập giai đoạn 2018-2020. Sở Nông nghiệp và Môi trường khẩn trương thẩm định, trình thành phố quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các cụm công nghiệp đã hoàn thành giải phóng mặt bằng…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đặt ra nhiều vấn đề. Hiện, Hà Nội đã chuyển sang vận hành chính quyền địa phương hai cấp, vì vậy Sở Công Thương cần hỗ trợ cấp xã, phường triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành.
Ngành Công Thương cần rà soát lại các khu, cụm công nghiệp, nguyên nhân là bởi một số khu, cụm công nghiệp nằm trên địa bàn 2-3 xã nên cần xác định rõ trách nhiệm cụ thể cho từng xã.
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ của ngành như phát triển hệ thống mô hình outlet, chợ đầu mối… đề ra đã lâu nhưng đến nay chưa triển khai. “Sở Công Thương cần phát huy tính chủ động để vào cuộc tháo gỡ, triển khai các nhiệm vụ này”, Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu.
Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các xã trong năm 2025 kiên quyết xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm, cùng với việc xây dựng hệ thống chợ hiện đại.
Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát các điểm giết mổ nhỏ lẻ, đưa vào các điểm giết mổ tập trung qua đó đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Để làm được điều này đòi hỏi cơ quan quản lý có chính sách hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp, đơn vị đầu tư hạ tầng.
Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Sở Công Thương thành lập các đoàn kiểm tra, thúc đẩy sớm các cụm công nghiệp đầu tư hạ tầng, khuyến khích trồng cây xanh, xử lý môi trường, rác thải, hướng đến phát triển các cụm công nghiệp sinh thái theo hướng “sáng – xanh – sạch – đẹp”.
Xác định các sản phẩm công nghiệp chủ lực của thành phố hướng đến tầm khu vực, quốc tế; tổ chức các hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ xứng tầm của Thủ đô, thu hút người dân và khách du lịch trong và ngoài nước đến với sự kiện, tạo chuỗi cung ứng sản xuất - tiêu dùng.
Liên quan đến hội nhập, xuất khẩu, phải tăng cường kết nối, tìm kiếm các thị trường mới, hỗ trợ các dự án chế biến sâu, tăng cường đấu tranh chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái nhất là trên lĩnh vực thương mại điện tử...