Ngành Công thương Tiền Giang đạt và vượt nhiều chỉ tiêu năm 2023
Ngày 11-1, Sở Công thương Tiền Giang tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ ngành Công thương và đánh giá tình hình thực hiện Đề án Tái cấu trúc ngành Công nghiệp tỉnh Tiền Giang năm 2023 và triển khai các nhiệm vụ năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Trọng tham dự và chỉ đạo hội nghị.
Trong năm 2023, ngành Công thương chủ động triển khai các chương trình, kế hoạch, linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt, vượt mục tiêu, kế hoạch, để lại nhiều dấu ấn trên lĩnh vực Công thương của tỉnh.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 tăng 5,1% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2023 tăng trưởng mạnh, tăng hơn 10% so với năm 2022, và đạt 100% kế hoạch năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 5,1 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022, đạt trên 130% kế hoạch năm.
Các hoạt động khuyến công và xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Năm 2023, Sở Công thương thực hiện hỗ trợ 7 đề án khuyến công địa phương với tổng kinh phí 1,719 tỷ đồng. Tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023, kết quả có 20/52 sản phẩm được công nhận. Hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp quốc gia năm 2023 với 11 sản phẩm của 10 cơ sở công nghiệp nông thôn, kết quả có 6 sản phẩm được công nhận; hỗ trợ tổ chức 2 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Năm 2024, ngành Công thương phấn đấu thực hiện đạt một số mục tiêu nhiệm vụ cụ thể: Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 ước đạt 89.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu khoảng 2,5 tỷ USD.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đề nghị, trong năm 2024 ngành Công thương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện để nông dân, nhà sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên theo dõi, nắm chắc tình hình hoạt động và những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời tham mưu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để duy trì ổn định hoạt động sản xuất.
Cần quan tâm kết hợp giữa thị trường trong nước và ngoài nước, phát huy lợi thế cơ hội của tỉnh. Tăng cường hơn nữa các mối quan hệ giữa các ngành, các địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành. Phát huy những sản phẩm công nghiệp nông nghiệp cụ thể như OCOP, phát huy khai thác tạo sự lan tỏa trong nhân dân, qua đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân. Kịp thời thông tin đến các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh về các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước, các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh.
Theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thực hiện quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh: Phối hợp, nắm bắt thông tin có liên quan đến công tác triển khai hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để kịp thời đề xuất các giải pháp hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu, cụm công nghiệp theo chủ trương chung của Trung ương và đại phương.
Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng cho biết, trước Tết Nguyên đán 2024, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị sơ kết đánh giá về kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và sẽ mời tất các chủ thể OCOP trong tỉnh tham dự và trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Dự kiến vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5-5 âm lịch), tỉnh sẽ tổ chức hội nghị tại Quảng trường Hùng Vương (TP. Mỹ Tho) để các chủ thể tham gia trưng bày các sản phẩm trái cây, sản phẩm OCOP, thông báo sớm đến các chủ thể chuẩn bị và sắp xếp...